Đi tour theo hầu bao, sở thích

19/11/2023 - 06:25

PNO - Thiết kế lịch trình theo sở thích, điều kiện tài chính và thời gian của từng cá nhân; ưu tiên trải nghiệm thay vì ghé qua những điểm đến nổi tiếng để check-in, những người thiết kế tour (travel planner/trip planner) đang dần xâm nhập và tạo nên sự khác biệt cho ngành du lịch.

Nhiều ưu điểm nổi bật 

Minh Anh (32 tuổi, nhân viên văn phòng) vừa trở về từ chuyến đi Thái Lan cùng 2 người bạn. Cô khá hài lòng với chuyến đi vừa qua và đang lên kế hoạch cho chuyến đi Đài Loan (Trung Quốc) vào cuối năm nay. Nó không chỉ phù hợp với lịch nghỉ phép của cô mà còn giúp cô có những trải nghiệm riêng tư bên bạn bè thay vì tất bật chạy theo các điểm đến do các công ty lữ hành thiết kế sẵn.

Chọn người lên kế hoạch du lịch đang là xu hướng của người trẻ - Nguồn ảnh: Internet
Chọn người lên kế hoạch du lịch đang là xu hướng của người trẻ - Nguồn ảnh: Internet

Đây cũng là một trong những ưu điểm hình thức du lịch theo kiểu travel planner mang lại. Không chỉ có thể thiết kế lịch trình theo ý muốn, hình thức du lịch này còn giúp du khách có những chuyến đi phù hợp với điều kiện tài chính, thời gian của bản thân. Ví dụ, trong chuyến đi, nếu thích một nơi nào đó trong lịch trình, bạn có thể yêu cầu được lưu lại dài ngày hơn để trải nghiệm. Mặt khác, với hình thức thiết kế tour riêng biệt, du khách có thể đi một mình, đi cùng bạn bè hoặc người thân, tùy nhu cầu trải nghiệm, mục đích chuyến đi mà không sợ bị các du khách khác trong đoàn làm phiền.

“Đôi khi, việc lên kế hoạch cho tour cá nhân có chi phí không hề rẻ so với tour được các hãng lữ hành thiết kế sẵn. Thế nhưng, việc tiếp cận hành trình theo ý thích, lịch trình cá nhân cũng như những trải nghiệm đáng giá là điểm độc đáo của việc chọn du lịch theo hình thức travel planner” - travel blogger Hà Là Lạ cho biết.

Bên cạnh đó, du khách cũng không phải vất vả đi theo lịch để đến tất cả các điểm hoặc phải ghé qua các trung tâm mua sắm dù không có nhu cầu. “Để có được giá ưu đãi, những tour du lịch truyền thống thường thiết kế sẵn các điểm đến. Việc hủy 1 điểm đến sẽ ảnh hưởng đến lịch trình của tour và cam kết của công ty lữ hành cũng như ảnh hưởng đến các hành khách khác” - một travel planner chia sẻ.

Với hàng loạt ưu điểm như vậy, việc thuê người lên kế hoạch du lịch đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong một khảo sát, trang Allied Market Research định giá, năm 2020, quy mô thị trường cá nhân hóa lĩnh vực du lịch đạt 91,2 tỉ USD nhưng đến năm 2030, con số này tăng gần gấp 5 lần, ước tính khoảng 447,3 tỉ USD.

Travel planner được hiểu là nghề thiết kế các tour phù hợp với thời gian biểu và điều kiện tài chính của từng cá nhân/nhóm người chứ không tham gia vào việc điều hành hay đồng hành cùng khách trong chuyến đi. Tuy nhiên, trong thực tế, khách hàng thường yêu cầu có sự tham gia của chính người lên kế hoạch. Bởi yêu cầu đặc thù trên nên đa phần các travel planner đều có xuất phát điểm là những hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu hoặc các cá nhân từng đi nhiều nơi và muốn chia sẻ niềm đam mê du lịch với mọi người. Trong số đó, có không ít blogger du lịch nổi tiếng.

Thy Vân - một trong số ít người làm công việc lên kế hoạch du lịch tại Việt Nam - Ảnh do nhân vật cung cấp
Thy Vân - một trong số ít người làm công việc lên kế hoạch du lịch tại Việt Nam - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tại Việt Nam, thị trường này vẫn còn khá mới mẻ. Số người trở thành travel planner thực thụ chưa quá 10 ngón tay. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ nhiều người trong nghề, hình thức lên kế hoạch hoặc đồng hành cùng du khách trong các tour dạng cá nhân, trải nghiệm đã hình thành từ hơn 10 năm trước, khi mạng xã hội bắt đầu phổ biến. Một trong những “địa chỉ” được biết đến nhiều nhất là group (nhóm) Tìm bạn đồng hành du lịch nước ngoài, hiện có khoảng 83.100 thành viên trên Facebook. Trước các nhóm dạng này, mảnh đất của travel planner là các diễn đàn phượt. Nếu theo dõi ở các nhóm cộng đồng du lịch nước ngoài, không khó để bạn nhận thấy nhu cầu tìm người lên kế hoạch cho các tour cá nhân vô cùng lớn.

Có thể thay thế tour truyền thống? 

“Nếu đặt kỳ vọng lớn về một chuyến đi hoàn toàn thuận lợi, có lẽ bạn sẽ thất vọng. Nhưng nếu thích trải nghiệm và xem mọi điều diễn ra trong chuyến đi là dịp để bản thân được thử thách, học hỏi thì đi du lịch theo thiết kế của một travel planner rất đáng để thử” - travel blogger Hà Là Lạ nói.

Chị Hà nhấn mạnh, hình thức travel planner đặc biệt phù hợp với thế hệ Z, những cá nhân dưới 35 tuổi, thích trải nghiệm, có khả năng tài chính vừa phải và không đặt nặng vấn đề chất lượng dịch vụ. Bởi theo chị, dù có tính linh hoạt về thời gian, sở thích và điểm đến so với các tour truyền thống nhưng du lịch travel planner tại Việt Nam vẫn còn khá nhiều hạn chế liên quan đến khâu tổ chức tour, lên kế hoạch, đặt dịch vụ lưu trú, đi lại tại địa phương... “Có những điểm tham quan chỉ các công ty lữ hành mới có thể đặt vé được hoặc cũng có những điểm đến họ được giảm giá sâu mà nếu đi theo hình thức travel planner thì rất khó” - chị Hà nói. Bên cạnh đó, một số quốc gia cũng quy định số lượng ngày lưu trú cố định với du khách và việc xin visa sẽ dễ dàng hơn với các công ty du lịch.

Những điểm đến được cá nhân hóa, chú trọng yếu tố trải nghiệm đời sống người dân bản địa đang được nhiều du khách lựa chọn - Nguồn ảnh: Internet
Những điểm đến được cá nhân hóa, chú trọng yếu tố trải nghiệm đời sống người dân bản địa đang được nhiều du khách lựa chọn - Nguồn ảnh: Internet

Đồng quan điểm này, Thy Vân - travel planner 33 tuổi, từng đặt chân đến 36 quốc gia - chia sẻ, điều kiện tiên quyết để trở thành travel planner là phải có những trải nghiệm thực tế để thiết kế những tour tối ưu nhất cho khách hàng cũng như có đủ kinh nghiệm để xử lý các tình huống phát sinh. Xét ở khía cạnh này, các travel blogger thường chiếm ưu thế. Tuy nhiên, danh tiếng travel blogger cũng chỉ là một yếu tố để khách hàng tin tưởng. Không phải travel blogger nào cũng có thể trở thành travel planner.

“Nghề thiết kế tour đòi hỏi nhiều kỹ năng như tổ chức, sắp xếp, giao tiếp, đồng thời có những kỹ năng mềm và dựa vào sự thưởng thức, trải nghiệm của mỗi cá nhân. Do đó, trước khi chọn travel planner, khách hàng phải có đủ thông tin về người dự định gửi gắm, bao gồm cả kinh nghiệm, kiến thức và tính trách nhiệm của họ. Cũng cần lưu ý các vấn đề chi phí phát sinh và chi phí cần thanh toán cho người tư vấn” - một travel planner lưu ý.

Thực tế, thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều nhập nhằng giữa những travel planner làm kinh tế và những trưởng nhóm du lịch theo dạng đồng hành cùng du khách. Không phân định rạch ròi được ranh giới này và minh bạch thông tin trong các kế hoạch du lịch sẽ dễ dẫn đến nhiều tình huống phát sinh liên quan đến tài chính, thù lao… Tín hiệu vui là hiện tại, một số travel blogger đã xác định rõ mục tiêu trở thành người lên kế hoạch du lịch và đầu tư nghiêm túc. 

Mặc dù cá nhân hóa trải nghiệm du lịch đang trở thành xu hướng nhưng các chuyên gia du lịch nhận định rằng loại hình này chỉ là điểm nhấn cho ngành chứ không thể thay thế tour truyền thống từ các công ty lữ hành lâu năm, uy tín. Đi vào phân khúc ngách, hướng đến người trẻ thích trải nghiệm, khai thác những điểm đến không phải là thế mạnh của các công ty lữ hành là ưu thế của loại hình du lịch theo kế hoạch cá nhân. Ở phân khúc khách hàng nhiều tiền và chịu chi hơn, ưu thế lại thuộc về ngành du lịch xa xỉ. 

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI