|
Ô nhiễm tiếng ồn đang là vấn nạn trong đô thị Việt Nam hiện nay |
Tôi không chỉ nói đến những dàn loa, thường gọi là loa kẹo kéo, được tùy tiện đặt hướng ra đường hay ngay trên lề đường, mỗi khi có nhóm nào đó nổi hứng muốn ca hát. Tôi muốn đề cập về thực trạng hàng ngày chúng ta hay gặp, kiểu như: Hàng xóm có tang. Trống, kèn, thêm đàn điện đưa vào micro hoặc nối thẳng vào ampli tăng âm. Nhạc tân, nhạc cổ, tiếng đọc kinh từ lúc phát tang cho đến khi động quan vang dội khắp xóm làng.
Đến đám cưới, khách tham dự muốn nói chuyện với nhau phải kề sát vào tai nhau.
Đi du lịch theo đoàn, lúc ăn sáng, theo kiểu buffet, nhiều du khách vừa lấy thức ăn, vừa trao đổi với nhau inh ỏi.
Chạy xe máy trên đường chúng ta hay bị ô tô phía sau bóp còi làm giật bắn mình.
Trên xe đò, tiếng chuông điện thoại vang lên, ai đó điện đàm oang oang. Có lúc họ “tám” chuyện với nhau rổn rảng, xem như trên xe chỉ có mình họ.
Nhiều lúc bực mình vì bị tiếng ồn làm phiền, tôi tự hỏi: Chúng ta có cần sống ồn ào như vậy không?
Nhớ lúc nhà có tang, theo chỉ đạo của người lớn tuổi trong họ, tôi liên hệ với một vị hòa thượng, để được hướng dẫn nghi thức. Vốn bức xúc về chuyện ồn ào trong tang lễ, tôi đặc biệt chú trọng đến vấn đề âm thanh. Thầy dạy, lúc lìa trần linh hồn không nơi nương tựa, âm thanh lớn làm linh hồn bấn loạn. Linh hồn cần bình tâm nghe kinh, vốn là lời giảng của Phật, để tìm thấy con đường về với Phật, tránh xa bầy “ngạ quỷ” đang chầu chực để kéo linh hồn người vừa mất xuống địa ngục. Tôi an tâm về nhà cử hành tang lễ trong yên lặng.
Ngày trước, lứa chúng tôi tổ chức hôn lễ có chụp hình, quay phim là quý rồi, làm gì có karaoke, nhạc sống. Cô dâu, chú rể đến từng bàn chào hỏi thân bằng quyến thuộc. Những người quen biết lâu lâu có dịp gặp nhau trong bữa tiệc, thoải mái thăm hỏi nhau. Tiệc xong ra về, ai cũng rất vui vì có cơ hội gặp và trò chuyện với bạn bè, người thân.
Rõ ràng, ồn ào chỉ là do thói quen, rồi trở thành tập quán xấu, chứ không có nghi lễ nào bắt buộc phải tạo ra âm thanh lớn để phải chịu đựng lẫn nhau như vậy. Những trường hợp khác chỉ là vô tình làm phiền người chung quanh. Chúng ta chỉ cần lưu tâm giữ yên lặng nơi công cộng (cụ thể là nơi có từ 3 người trở lên) là đủ. Người Việt chúng ta cũng đã từng thay đổi tập quán cũ để đi đến lối sống văn minh hơn như: cắt tóc ngắn thay cho búi tóc, đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, ngày tết không đốt pháo nữa… Vậy thì thay đổi thói quen ồn ào có khó gì đâu, mà không bỏ được.
Muốn thế, ngoài việc tự giác của mỗi người, chính quyền cần có quy định hạn chế tiếng ồn với biện pháp chế tài nghiêm khắc. Mặt khác các đoàn thể tích cực vận động lối sống văn minh là không gây ồn ào. Và quan trọng nhất, ngay từ bây giờ nhà trường phải dạy cho học sinh: “gây ồn ào nơi công cộng là cách sống kém văn hóa, cần phải bỏ”.
Chúng ta phải thay đổi thôi. Đất nước mở cửa, người Việt Nam ra nước ngoài ngày càng nhiều. Đừng để thiên hạ thấy nơi nào ồn ào, biết ngay chỗ đó có một nhóm người Việt đang tụ tập.
Nguyễn Huỳnh Đạt