Đột quỵ “tấn công” người trẻ tuổi
Theo giới chức y tế, đây là con số đáng báo động và cần có những biện pháp ngăn chặn kịp thời vì thừa cholesterol chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới và làm gia tăng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm như tai biến mạch máu não (đột quỵ), bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim…
Ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ với hậu quả hơn 11.000 người tử vong và trên 100.000 người bị tàn phế. Đáng lưu ý, số bệnh nhân đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa và phần lớn đều chưa nhận thức được chính lối sống và chế độ ăn uống không lành mạnh dẫn đến tình trạng thừa cholesterol, tăng nguy cơ đột quỵ.
|
Để kiểm soát cholesterol trong máu, mỗi người cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và duy trì thói quen rèn luyện thân thể |
Anh N.V.H. (32 tuổi, ngụ Hà Đông, Hà Nội) là tài xế, thường xuyên phải lái xe vào ban đêm. Để chống mệt mỏi, buồn ngủ, anh H. thường uống nước tăng lực có gas, hút thuốc lá. Anh luôn tự hào bản thân có tiền sử khỏe mạnh. Thế nhưng, một hôm khi đang chạy xe, anh đột ngột đau đầu dữ dội, buồn nôn rồi nôn nhiều. Anh H. được đưa đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, anh được chụp CT sọ não và chẩn đoán chảy máu dưới nhện (chảy máu đột ngột vào khoang dưới nhện bao quanh não). Các bác sĩ nhận định đây là một ca đột quỵ nặng, bệnh nhân sẽ tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Một trường hợp khác là anh V.T.L. (26 tuổi, ngụ Nam Từ Liêm, Hà Nội). Theo lời kể của bệnh nhân, anh là nhân viên văn phòng, công việc không quá áp lực. Vài tiếng đồng hồ trước khi đột quỵ, anh đau đầu dữ dội nên nằm nghỉ tại chỗ làm. Hai tiếng sau, đồng nghiệp đánh thức anh dậy nhưng thấy anh không có phản xạ nên vội đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện, anh L. được chẩn đoán đột quỵ do vỡ dị dạng mạch máu não.
Ngay lập tức, bệnh nhân được can thiệp nút khối dị dạng. Theo nhận định của bác sĩ, với trường hợp này, nếu để lâu, bệnh nhân có nguy cơ phù não, hôn mê và tử vong.
Đã hơn nửa năm trôi qua sau ngày phải cấp cứu vì đột quỵ, giờ đây anh L. vẫn chưa hết ám ảnh. Anh nói: “Tôi không nghĩ một người trẻ như mình lại mắc phải chứng bệnh mà trước đây chỉ hay gặp ở lứa tuổi từ 60 đến 70. Thời gian mới ra viện, tôi từng nghĩ sẽ phải sống thực vật bởi di chứng cơn đột quỵ để lại khiến tôi bị liệt vận động, rối loạn thị giác và cả nhận thức.
Nhờ chăm chỉ tập vật lý trị liệu, giờ đây, sức khỏe tôi đã ổn định hơn. Sau biến cố này, tôi quyết định học cách sinh hoạt khoa học thay vì thường xuyên thức khuya, ăn nhiều đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp chế biến sẵn như trước”.
Cả hai trường hợp kể trên đều còn rất trẻ nhưng đang phải gánh chịu những hệ lụy nghiêm trọng từ chính lối sống, chế độ ăn uống thiếu khoa học - nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thừa cholesterol, thủ phạm chính của các bệnh tim mạch.
"Thủ phạm" gây thừa cholesterol
Tiến sĩ - bác sĩ Từ Ngữ - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam - cho biết cholesterol là chất béo quan trọng, cần thiết cho hoạt động cơ thể. Cholesterol được sản xuất từ tế bào gan và một phần thức ăn có nguồn gốc động vật; là thành phần quan trọng của lipid máu, đóng vai trò quan trọng trong cấu tạo tế bào, cân bằng hoóc-môn trong cơ thể và sản xuất vitamin. Cholesterol trong cơ thể gồm cholesterol tốt (HDL) và cholesterol xấu (LDL).
Khi cholesterol xấu tăng nhiều quá hoặc có sự mất cân đối giữa hai loại cholesterol là nguy cơ gây ra các bệnh như: tai biến mạch máu não, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, mạch vành, tăng huyết áp...
Đối tượng có nguy cơ cao tăng cholesterol là những người trong gia đình có cholesterol máu cao; phụ nữ sau mãn kinh; người có chế độ ăn uống chứa nhiều chất béo bão hòa; người thừa cân, béo phì, đặc biệt là người bị đái tháo đường, suy giáp.
Chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ, nguyên nhân chính gây tăng cholesterol máu là do thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, ăn ít rau, hấp thụ nhiều chất béo no (thịt đỏ; mỡ heo, bò, vịt, ngỗng nuôi công nghiệp; gan và nội tạng động vật; các loại sữa, kem, bơ, phô mai, bánh ngọt…). Việc ăn nhiều chất béo động vật từ các loại đồ ăn nhanh, thức ăn đóng hộp không tốt cho cơ thể, làm tăng cholesterol trong máu.
Bên cạnh đó, những người ít tập thể dục và vận động thể lực (ngồi, nằm quá nhiều), thường xuyên hút thuốc, sử dụng rượu bia và các loại thức uống có gas cũng có nguy cơ bị cholesterol máu cao. Những người bị bệnh tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường thường có mức cholesterol cao hơn bình thường.
|
Chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp ngăn chặn tình trạng thừa cholesterol |
“Để kiểm soát cholesterol trong máu, mỗi người cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, trong đó hạn chế ăn uống các thực phẩm chứa nhiều cholesterol như mỡ, bơ, nước luộc thịt…
Giảm lượng cholesterol ăn vào xuống dưới 250mg/ngày bằng cách không ăn thực phẩm có nhiều cholesterol như: trứng gà toàn phần, gan heo, gan gà, thịt vịt và ngỗng béo (nuôi công nghiệp); các loại thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều chất béo: xúc xích, salami...; dầu thực vật chứa nhiều chất béo bão hòa (dầu dừa, dầu cọ, dầu hạnh nhân...), bơ thực vật; thức ăn chiên rán sẵn, đồ ăn nhanh...” - tiến sĩ - bác sĩ Từ Ngữ khuyến cáo.
Mỗi người cần bổ sung chất béo có lợi (nhóm chất béo không bão hòa) vào chế độ ăn uống như omega 3-6-9 được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển sâu (cá hồi, cá trích…) và các loại dầu thực vật (dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương...).
Nên ăn nhiều rau quả, sử dụng 500g rau quả/ngày. Chú ý rau quả tươi, sạch; dùng nhiều loại quả có màu vàng, đỏ, giàu beta-caroten (cà rốt, bí đỏ, gấc, đu đủ chín, xoài…); các loại rau có màu xanh thẫm (ngót, muống, dền, mồng tơi...)… Bổ sung thức ăn giàu vitamin C (các loại rau quả nói chung); thức ăn giàu selen (rau ngót, rau muống, rau cải bắp...); các loại thực phẩm giàu kali (quả bơ, nước ép cà chua, nước ép cam, dưa gang, quả chà là, quả mơ khô, sữa chua…)…
Giảm tiêu thụ muối: mỗi người chỉ nên dùng tối đa 5mg muối/ngày, hạn chế ăn mặn, nhất là các món như dưa muối, cà muối... Đặc biệt là phải uống đủ nước theo thể trọng từng người: người 50kg cần uống 2 lít nước/ngày, người 60kg cần uống 2,4 lít/ngày.
Cần xây dựng lối sống khoa học bằng cách cai thuốc lá, kiểm soát stress, duy trì sinh hoạt giao tiếp lành mạnh, rèn luyện thân thể (nên áp dụng nguyên tắc 3-5-7, tức là ít nhất 30 phút thể dục/ngày và duy trì 5 ngày/tuần).
An Bình