“Đi tìm” tác giả ca khúc Bài ca thống nhất

30/04/2022 - 07:56

PNO - Chúng tôi tạm gọi là “đi tìm” bởi dù ra đời cách đây gần nửa thế kỷ, ca khúc Bài ca thống nhất của nhạc sĩ Võ Văn Di vẫn được nhiều ca sĩ hát và xuất hiện liên tục cho đến ngày nay; song thông tin hoàn cảnh ra đời của ca khúc cũng như tác giả khá ít ỏi trên các phương tiện truyền thông.

Những thông tin về ca khúc này nếu có, cũng chưa có sự thống nhất, lại khá chung chung. Tác giả qua đời vào tháng 5/2005, tới nay cũng đã 17 năm. Việc lưu trữ tư liệu ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Vì thế, bài viết chỉ có thể tiệm cận với thông tin về tác giả, bối cảnh ra đời của ca khúc nổi tiếng đi cùng năm tháng, thông qua lời kể của những đồng nghiệp và gia đình ông.

Một người trầm tĩnh, nhiệt tình và sâu sắc 

Nhạc sĩ Võ Văn Di sinh ngày 29/3/1932 tại xã Nghi Hải, H.Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông tốt nghiệp Đại học Văn khoa và Trư­ờng Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1953, ông là cán bộ tuyên truyền H.Nghi Lộc. Từ 1954 - 1955, ông là cán bộ tuyên truyền tỉnh Nghệ An, phụ trách phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ở các tỉnh, biểu diễn bên mâm pháo, các tuyến lửa trong thời gian chống Mỹ xâm l­ược.

Nhạc sĩ Võ Văn Di
Nhạc sĩ Võ Văn Di

Sau đó, ông chơi đàn viola trong dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng hợp xướng ca vũ kịch Việt Nam (nay là Nhà hát Vũ kịch Việt Nam). Tới khoảng cuối năm 1980, ông chính thức về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho tới khi về hưu (khoảng năm 1993). Theo lời một số người từng làm việc với ông, sinh thời, nhạc sĩ Võ Văn Di là một người trầm tĩnh, nhiệt tình và sâu sắc. 

Biên tập viên Tiến Mạnh (Ban Âm nhạc VOV3) thông tin thêm, vì là nhạc công nên ông có khả năng phối khí, sáng tác và chuyển soạn. Ông chính là người phối khí cho dàn nhạc Tuổi xanh do nhạc sĩ Hoàng Hà sáng lập. Bên cạnh những tác phẩm khí nhạc, nhạc sĩ Võ Văn Di còn chuyển soạn một số ca khúc cho dàn nhạc. 

Nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Võ Văn Di được phát sóng và biểu diễn như: Người anh hùng dân tộc (độc tấu violon), Người lái đò trên sông Pô Cô (chuyển thể tác phẩm cùng tên của nhạc sĩ Cầm Phong), Tiếng nhạc biên c­ương (tứ tấu đàn dây), Biển quê hương (ngũ tấu), Chồi non lá mới (độc tấu violon)… Ông còn sáng tác nhiều ca khúc khác như Gửi Huế thương yêu, Về quê Bác, Đôi bờ thương nhớ, Tiếng hát người lính trẻ… Nổi bật nhất đến hôm nay là Bài ca thống nhất.

Một ca khúc đặc biệt

Bà Võ Thu Hoài - con gái nhạc sĩ - chia sẻ những cảm xúc đầu tiên để nhạc sĩ Võ Văn Di viết Bài ca thống nhất là khi ông nghe tin về thắng lợi 30/4/1975 lịch sử khi đang trên chuyến tàu thủy từ Bắc vào Nam biểu diễn. Lời kể của con gái nhạc sĩ Võ Văn Di hé lộ cho chúng ta biết, vì sao Bài ca thống nhất được mở đầu bằng những câu:“Biển trời bao la/ Đẹp như gấm hoa/ Nước mây muôn màu/ Những con tàu ra Bắc vào Nam”, “Biển trời quê ta/ Rộn vang tiếng ca/ Bắc Nam một nhà/ Vui một nhà vang tiếng hò khoan”…

Ca khúc Bài ca  thống nhất - bản photo từ bản chép tay của chính nhạc sĩ Võ Văn Di - ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP
Ca khúc Bài ca thống nhất - bản photo từ bản chép tay của chính nhạc sĩ Võ Văn Di - ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Những ngày cuối tháng 4/1975, nhiều nhạc sĩ theo dõi Đài Tiếng nói Việt Nam và cập nhật những bước chân hành quân “thần tốc” của đoàn quân cách mạng qua từng vùng miền của đất nước. Họ đi đến đâu, cũng đều được các nhạc sĩ ghi lại, phản ánh một giai đoạn hết sức đặc biệt trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Các ca khúc có thể kể ra ở đây: Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương (nhạc Văn An, thơ Tạ Hữu Yên), Chào Đà Nẵng dũng sĩ bên bờ Biển Đông (Nguyễn An), Chào Đà Nẵng (Phan Huỳnh Điểu) - giai điệu phát triển từ ca khúc Đoàn vệ quốc quân trước đó, Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ (nhạc Nguyễn Văn Thương, thơ Tố Hữu), Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên), Tiếng hát từ thành phố mang tên người (nhạc Cao Việt Bách, lời Đăng Trung), Đường bốn mùa xuân (Đỗ Nhuận)… Trong đó, Bài ca thống nhất của nhạc sĩ Võ Văn Di “là một ca khúc không hô hào, mà đi vào lòng người một cách sâu lắng. Đó là một tác phẩm âm nhạc hay, đậm đà tính dân tộc” - nghệ sĩ Cát Vận - nguyên Trưởng ban Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam - nói. Ông đánh giá đây là tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp của nhạc sĩ Võ Văn Di. 

Theo tư liệu tại kho băng của VOV, Bài ca thống nhất được Võ Văn Di sáng tác năm 1976, có hai bản thu, bản đầu tiên do NSND Thu Hiền thể hiện, bản sau do nghệ sĩ Kim Phúc thể hiện. Sau này, có thêm nhiều ca sĩ khác cũng chọn Bài ca thống nhất để hát như Quang Linh, Thanh Thanh Hiền - Hồ Quang, Phạm Phương Thảo, Hồng Liên, Trọng Tấn, Bùi Thúy - Trang Dung, Đinh Trang… 

Ca khúc Bài ca thống nhất - NSND Thu Hiền: 

 

 

Nghệ sĩ Cát Vận cho biết, Đài Tiếng nói Việt Nam là đơn vị thu ca khúc này đầu tiên. Sau khi lên sóng, khán thính giả cả nước gửi thư tay về đài rất nhiều để bày tỏ lòng mến mộ, cảm ơn nhạc sĩ, ca sĩ. Nghệ sĩ Cát Vận đánh giá: “Cho tới nay, đó vẫn là một bản ghi hoàn chỉnh về phối khí, thu thanh, thể hiện một cách thành thực cảm xúc của người nghệ sĩ trong ngày chiến thắng”.

Hồi đó, nhà của gia đình NSND Thu Hiền và gia đình nhạc sĩ Võ Văn Di đều thuộc dãy nhà lá, khu tập thể Văn công Cầu Giấy (Hà Nội). Ca sĩ Thu Hiền hay sang nhà ông Võ Văn Di để tập nhạc. Bà nhớ lại: “Ông Võ Văn Di viết câu nào xong, tôi hát câu đó. Cả hát cả sửa. Hồi đó chẳng trống phách gì cả, cứ mỗi câu, bác Di gõ một cái bằng chiếc đũa. Sau khi hát và tập hoàn chỉnh, mới mang bài hát đi thu. Hồi đó, chẳng phân tích gì nhiều. Cứ thế mà hát thôi. Vì đất nước mới được thống nhất, cảm xúc, khí thế tuôn trào. Trong 60 năm đi hát thì có tới 40 năm, tôi hát Bài ca thống nhất. Tới nay, 70 tuổi rồi, khán giả vẫn yêu cầu Thu Hiền hát ca khúc này. Cả cuộc đời, tôi sống và cháy hết mình với nghệ thuật, với những bài ca như thế”. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI