Theo những thông tin chúng tôi thu thập được, toàn bộ diễn tiến của vụ án “cà phê pin” được sắp xếp như một kịch bản được dàn dựng công phu.
Sắp xếp và biết trước buổi kiểm tra
Tháng 3/2018, một người đàn ông tên B. - ngụ tại thôn Nhân Cơ, xã Đắk Wer, H.Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông - giới thiệu Ngô Ngọc Sơn vào cơ sở của vợ chồng Nguyễn Thị Thanh Loan - Nguyễn Xuân Bảo (thôn 13, xã Đắk Wer) làm việc. Chính Sơn thừa nhận, qua một vài lần trò chuyện với ông B., Sơn đoán ông này cài mình vào cơ sở của vợ chồng bà Loan để lấy thông tin.
|
Hỗn hợp vỏ cà phê, đá vụn trộn với than pin |
Đáng nói, ngày 15/4, đoàn liên ngành tỉnh Đắk Nông bất ngờ kiểm tra cơ sở của bà Loan. Thế nhưng, nhân chứng Sơn khẳng định với chúng tôi, người đàn ông tên B. dường như đã biết cuộc kiểm tra từ hơn một tuần trước và còn dặn: “Nếu công an có vô đây, kêu mày làm này nọ thì điện cho anh”.
Vậy, đây không còn là cuộc kiểm tra bất ngờ. Ngay trong ngày đoàn kiểm tra xuất hiện, nhân vật tên B. cũng thường xuyên gọi điện dò hỏi ông Bảo “anh về chưa, anh có ở nhà không” như để chắc chắn rằng, có ông chủ cơ sở trong nhà.
Sơn là người giúp sức tích cực cho vợ chồng bà Loan trong việc trộn hỗn hợp “lạ”. Thế nhưng, theo lời kể của Sơn, quá trình lấy lời khai với anh ta diễn ra khá nhẹ nhàng. Khi Sơn hỏi một cán bộ điều tra, người này nói: “Muốn biết thì chờ cho xong đi, bữa nào anh mời mày đi uống cà phê”. Từ những thông tin mà nhân chứng Sơn cung cấp, người ta không khỏi hoài nghi về vai trò của nhân vật B. trong cuộc kiểm tra.
Ngay cả Sơn cũng bức xúc cho biết: “Sau vụ ông Bảo bị bắt, ông B. mất tích luôn, còn loan tin mình bị u não nữa. Em nghi ngờ ổng biết hết mấy chuyện này và đang tránh mặt để che giấu bí mật gì đó có liên quan đến việc vợ chồng bà Loan bị bắt”.
|
Ngô Ngọc Sơn trò chuyện với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM |
Ngày 20/4, tại hội nghị chuyên đề quản lý chất lượng an toàn thực phẩm khu vực phía Nam được tổ chức ở TP.HCM, ông Nguyễn Văn Chương - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Đắk Nông - phát biểu rằng, có “một đồng chí công an” tham gia vào việc làm lan truyền thông tin “cà phê pin”. Đây là một thông tin rất quan trọng.
Đáng chú ý, ông Chương là người trực tiếp tham gia buổi kiểm tra ở cơ sở của bà Loan. Thế nhưng sau đó, chẳng ai quan tâm đến người cố tình loan tin sai sự thật. Đáng tiếc, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ nhưng ông Chương từ chối trả lời.
Theo thông tin chúng tôi thu thập được, cơ sở của bà Loan chỉ mới sản xuất hỗn hợp “lạ” theo đơn đặt hàng. Toàn bộ hỗn hợp sản xuất ra, đưa đến cơ sở của bà Phan Thị Dung ở H.Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước thì bị thu giữ. Điều này khiến không ít người đặt nghi vấn về mục đích sản xuất hỗn hợp “lạ” của bà Loan. Ai là người thuê bà Loan sản xuất? Phải chăng “đơn đặt hàng” là một thòng lọng được buộc trước để siết cổ người sản xuất ra nó, thậm chí là ngành cà phê, hồ tiêu?
Một số luật sư cho rằng, nếu bà Loan chỉ sản xuất hỗn hợp “lạ” theo đơn đặt hàng mà không biết người mua sẽ làm gì với hỗn hợp đó, có trộn vào làm thực phẩm hay không thì rất khó để kết tội. Bởi, người ta cũng có thể dùng hỗn hợp trên để làm phân bón.
“Thả nổi” thông tin sai sự thật
Tại buổi kiểm tra cơ sở của bà Loan hôm 15/4, cơ quan chức năng chỉ thu giữ được một đống hỗn hợp gồm đá + vỏ cà phê + lõi pin bị trộn lẫn với nhau. Như ông Chương phát biểu, thông tin “cà phê pin” là “từ một đồng chí công an” lan ra bên ngoài. Ngay hôm sau, nhiều tờ báo đồng loạt giật tít “cà phê pin” khiến dư luận một phen điên đảo. Trong gần hai tuần, “cà phê pin” trở thành đề tài “chiếm sóng” trên mạng xã hội.
|
Bên trong cơ sở của bà Loan, ông Bảo |
Suốt 10 ngày liền, có hàng trăm bài báo đưa thông tin sai sự thật về “cà phê pin”, nhưng cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông lại “thả nổi” cho thông tin này mặc sức tung hoành, lan ra tận các mặt báo nước ngoài. Nhiều người còn lập trang “Cà Phê Pin” trên Facebook với mục đích câu like.
Đến nay, trang này vẫn ngang nhiên tồn tại. Mãi đến ngày 26/4, Công an tỉnh Đắk Nông mới tổ chức họp báo, đưa ra thông tin rằng, hỗn hợp do bà Loan sản xuất được trộn vào hồ tiêu chứ không phải cà phê. Công bố này có vẻ chưa đủ sức nặng để đánh tan thông tin sai sự thật về “cà phê pin” trước đó.
“Cà phê pin” được chuyển hướng sang “tiêu pin”, nhưng theo chúng tôi được biết, cơ sở Tịnh Thơ do bà Lê Thị Hồng Thơ làm chủ cũng chỉ mua của bà Loan “hàng mẫu” đem xuống Bình Phước. Hỗn hợp “lạ” vừa được chuyển đến cơ sở của bà Phan Thị Dung thì đã bị cơ quan chức năng thu giữ và vẫn chưa “chế biến” thành thực phẩm để “tuồn” ra thị trường.
|
Các tờ báo lớn của thế giới đề cập vụ cafe trộn pin tại Việt Nam. Tờ China Daily giật tít: Nước xuất khẩu cafe thứ 2 thế giới bị khui cafe trộn pin |
Những diễn biến trên khiến người ta liên tưởng đến “kịch bản” cho một cuộc vây bắt và loan tin. Khi mà thông tin “cà phê pin” không đủ sức thuyết phục, người ta bẻ lái sang “tiêu pin”.
Trong khi mọi việc chưa sáng tỏ, với những gì chúng tôi thu thập được, cho thấy sự thật khác với thông tin từ cơ quan chức năng cung cấp cho báo chí trước đó. Và vì sao các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin sai lệch hoàn toàn so với công bố ban đầu? Mong rằng cơ quan chức năng sớm công bố kết quả điều tra "hợp lý", thuyết phục để minh định bản chất vụ việc.
Nhóm phóng viên