Đi tìm nguồn sáng tác boléro mới

27/05/2023 - 13:24

PNO - Với dòng nhạc boléro, hiện không có nhiều ca khúc mới nổi lên. Những sáng tác cũ vẫn chiếm ưu thế.

Sáng tác mới vẫn có nhưng…

Những ngày qua, ca khúc Anh ngủ thêm đi, một sáng tác theo dòng nhạc boléro của nhạc sĩ Hamlet Trương được khán giả yêu nhạc chú ý. Nhiều bản cover xuất hiện trên mạng. Trước đó, Bằng lăng nhỏ vô tình (Phan Thanh Hoàng), Thương mùa gió chướng (Phạm Hồng Biển)… cũng được người nghe yêu thích. Đây là những sáng tác mới ít ỏi của dòng nhạc boléro nổi lên thời gian gần đây.

Ca sĩ Tố My trong MV Thương mùa gió chướng (sáng tác Phạm Hồng Biển) được khán giả yêu thích
Ca sĩ Tố My trong MV Thương mùa gió chướng (sáng tác Phạm Hồng Biển) được khán giả yêu thích

Trên thị trường phần lớn là những sáng tác cũ, được ghi hình, biểu diễn nhiều năm qua; Tự tình trong đêm, Đêm tóc rối, Khuya nay anh đi rồi, Đa tạ, Yêu một mình, Hai lối mộng, Hai kỷ niệm một chuyến đi, Nếu đời không có anh, Tình bơ vơ…

Ca sĩ Hồ Phương Liên (á quân Thần tượng Boléro 2017) cho biết vẫn nhận được nhiều ca khúc boléro mới từ các tác giả, nhưng số bài chọn được để thể hiện cũng khá ít, tỉ lệ khoảng 50/50. Còn ca khúc hay, ấn tượng như trước đây thì rất hiếm.

Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thành Vinh - Giám đốc Công ty Truyền thông Khang, đơn vị sản xuất nhiều sân chơi về nhạc boléro - cho biết, qua việc tổ chức các cuộc thi, anh cũng được một số tác giả kết nối để gửi bài hát mới, tuy nhiên không sử dụng được nhiều.

Nhận định về các sáng tác mới, Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thành Vinh khẳng định “còn thiếu”, dẫu các tác giả có cố gắng. Đầu tiên, theo anh, từ ngữ có vẻ là điểm hạn chế của các tác giả trẻ so với thế hệ đi trước. Anh cho rằng có thể hoàn cảnh, cuộc sống ngày xưa là chất liệu phù hợp, lý tưởng nhất cho boléro, dẫn đến các tác giả đã cho ra đời những ca khúc tuyệt vời từ giai điệu, ca từ. Những sáng tác mới đôi khi cũng thiếu độ sâu lắng cần có, nên khó chạm đến người nghe.

Ca khúc Bằng Lăng Nhỏ Vô Tình - ca sĩ Hồ Phương Liên:

 

Boléro của thời đại mới có nhiều thách thức

Nhiều tác giả kinh điển của dòng nhạc boléro hiện hoặc đã lớn tuổi, từ giã nghiệp sáng tác hoặc đã “đi xa”. Thế hệ tiếp nối hiện có một số cái tên có thể kể đến như: Hamlet Trương, Phạm Hồng Biển, Phan Thanh Hoàng, Nam Quốc… Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thành Vinh cho rằng do đây không phải thời hưng thịnh của dòng nhạc này nên ­để khuyến khích tác giả, đặc biệt người trẻ sáng tác là không dễ. Bên cạnh đó, có tác giả dù có đam mê lớn nhưng để ca khúc bước ra thị trường khá khó khăn, nên dễ nản lòng.

Nhiều ca sĩ hiện tại có xu hướng chọn những ca khúc cũ, kinh điển làm bản phối mới để đảm bảo an toàn khi ra mắt. Chỉ trừ một vài trường hợp ít ỏi khi đã kết hợp với nhạc sĩ trẻ thành công thì ca sĩ mới bắt tay tiếp tục. Các ca sĩ lớn tuổi, đã thành danh lại không có xu hướng sản xuất sản phẩm mới. Tác giả Nam Quốc (sáng tác Tìm đâu bến đỗ) cho biết thời gian đầu khi mang các sáng tác “chào hàng”, nhiều ca sĩ e dè. Nhưng sau này, anh cũng dần thuyết phục được vài cái tên. Trong hơn 30 ca khúc anh sáng tác trong vài năm qua có khoảng 17-18 ca khúc đã được ra mắt.

Ngôn ngữ, cách kể chuyện, giai điệu, dù ở bất kỳ thời đại nào thì điểm đến cuối cùng vẫn là sự thuyết phục công chúng. Boléro có thể không còn quá sôi động như trước nhưng vẫn là dòng chảy âm thầm, bền bỉ. Vì thế, thế hệ đi sau vẫn có đất sống, “dụng võ” nếu có cố gắng.

Nhạc sĩ Đài Phương Trang 

Nhạc sĩ Hamlet Trương cho biết sáng tác boléro, tưởng dễ nhưng thực tế lại không. Đặc trưng của dòng nhạc này là ca từ đậm chất thơ, giai điệu da diết. Vì thế, sau vài năm, kể từ khi Bậu ơi đừng khóc ra mắt, anh mới có thêm 1 ca khúc mới thuộc dòng này.

Nhiều ý kiến cho rằng, điều khó nhất vẫn là cảm xúc để sáng tác. Có quan điểm cho rằng tình yêu, cuộc sống thời nay khác xưa nhiều nên chất trữ tình, lãng mạn trong các sáng tác mới có thể giảm đi nhiều. Tuy nhiên, theo Hamlet Trương, thời nào thì vẫn có tình yêu đẹp và cả những trắc trở trong tình yêu. Nếu chịu khó lắng nghe, quan sát, tìm tòi vẫn có chất liệu sáng tác.

Nhạc sĩ Nam Quốc cho biết anh cũng cố gắng góp nhặt những câu chuyện, trải  nghiệm từ cuộc sống, công việc… để tạo nên chất liệu sáng tác, chứ không chỉ tưởng tượng đơn thuần. Cách tạo nên chất thơ cho ca khúc là chú trọng vào ngôn từ. Tuy nhiên, anh cũng đồng ý hiện tại chất liệu để sáng tác thì sự thơ mộng, lãng mạn không nhiều như thời của các tiền bối do hoàn cảnh sống thay đổi.

Nhạc sĩ Hamlet Trương tuy theo đuổi dòng nhạc trẻ nhưng cũng có nhiều sáng tác bolero thành công
Nhạc sĩ Hamlet Trương tuy theo đuổi dòng nhạc trẻ nhưng cũng có nhiều sáng tác bolero thành công

Điểm khó tiếp theo với các nhạc sĩ là phát triển giai điệu mới, không đi theo guồng xưa, nhưng vẫn giữ được tinh thần của boléro. Nhạc sĩ Nam Quốc cho biết nếu không tìm tòi, nghiên cứu, học kỹ về nhạc lý, rất có thể sẽ bị lặp lại, hoặc chứa đựng một phần nào đó của người đi trước. Bởi trong quá khứ, boléro đã có một thời gian rất dài phát triển hưng thịnh nên biên độ khai thác của các tiền bối rất rộng. Riêng anh, khi phát hiện sáng tác có màu sắc giai điệu giống với tiền bối sẽ sửa, nếu không sửa được sẽ phải bỏ bài.

Nhạc sĩ Hamlet Trương nói cách thể hiện của anh sẽ trẻ trung hơn; ngôn ngữ gãy gọn, cách kể chuyện hợp với xu hướng đương thời để tiếp cận khán giả trẻ. Nhạc sĩ Đài Phương Trang cho rằng việc các tác giả đổi mới cách sáng tác cũng là lẽ đương nhiên, bởi âm nhạc cũng là tấm gương phản chiếu thời đại. Nghe qua các sáng tác của các nhạc sĩ đi sau, ông đánh giá ổn.

Trong khi đó, nhạc sĩ Hàn Châu lại bày tỏ, ông từng nghe một số ca khúc có cách dùng từ, kể chuyện có vẻ “thẳng” quá, khác thời trước nhiều. Riêng với ông, việc trau chuốt từ ngữ để đảm bảo sự mềm mại vẫn được xem trọng hàng đầu. Tuy nhiên, nhạc sĩ cũng cho rằng sự phát triển, thay đổi là lẽ đương nhiên, chứ cũng không thể áp đặt quy chuẩn của thời trước lên thời nay.

Trung Sơn

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI