* Đàn ông có hạnh phúc, tự hào khi được vợ phong là “tâm lý”? - Cũng được, nhưng đa số không thích bằng được khen thành công, phong độ…
* Đàn ông có hạnh phúc, tự hào khi được vợ phong là “tâm lý”? - Cũng được, nhưng đa số không thích bằng được khen thành công, phong độ…
* Đàn ông có hạnh phúc, tự hào khi được vợ phong là “tâm lý”? - Cũng được, nhưng đa số không thích bằng được khen thành công, phong độ…
* Đàn ông có hạnh phúc, tự hào khi được vợ phong là “tâm lý”? - Cũng được, nhưng đa số không thích bằng được khen thành công, phong độ…
Thật hiếm khi ta nghe hai người đang yêu khen tặng nhau “anh/em thật tâm lý”; bởi, khi đó, nàng là hiện thân của quyến rũ, ngọt ngào; chàng là hiện thân của sức mạnh, thành công, trí tuệ, hào hoa...
|
Ảnh minh họa |
Thế nhưng một ngày, khi họ nhận ra nhịp tim không khớp, không thuộc về nhau, hai chữ “tâm lý” lại được nhắc đến: “Anh chẳng tâm lý gì cả”. Hoặc bà vợ bẽ bàng nhận ra… chồng người ta sao mà tâm lý! Mới hay, có được một người chồng tâm lý là nhu cầu có thật. Nhưng chân dung người chồng tâm lý cụ thể ra sao?
Tiến sĩ tâm lý lâm sàng Ngô Xuân Điệp (Trưởng khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho biết: “Một người chồng tâm lý hay không liên quan đến nhu cầu của vợ trong quá trình chung sống. Cùng một người đàn ông, cùng cách đối xử, nhưng với người phụ nữ này thì quá đáng, với người phụ nữ khác lại ổn. Thế mới có chuyện trớ trêu: hai bà vợ khóc tức tưởi vì hai lý do trái ngược nhau - người trách chồng vô trách nhiệm, đùn mọi việc lớn việc nhỏ cho mình; người lại kêu chồng gia trưởng, độc đoán, chẳng để mình giải quyết chuyện gì”.
* Phóng viên: Xin ông phác thảo đôi nét về người chồng tâm lý để quý ông soi chiếu.
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp:Đó là người đàn ông biết lắng nghe vợ. Để lắng nghe, phải kiềm chế; dù muốn thể hiện mình, vẫn lùi lại một bước trên cơ sở tôn trọng người hôn phối. Phụ nữ, nói chung, cần điểm tựa về mặt thể xác, tinh thần. Khi gặp khó khăn, người vợ sẽ chia sẻ và sẽ hạnh phúc khi được chồng giúp đỡ. Sẽ là tuyệt vời nếu vợ chưa nhờ mà chồng đã hiểu và chìa tay cho nàng.
Tuy nhiên đòi hỏi đó hơi quá, vì đàn ông kém nhạy. Thế nên vợ muốn gì, cứ bày tỏ công khai để chồng đáp ứng. Người chồng tâm lý là người có khả năng đối thoại, phản biện, thương lượng, tìm tiếng nói chung; đủ kiên nhẫn để phân tích, đánh giá kể cả với ý kiến đối chọi mình.
|
TS Ngô Xuân Điệp |
Người đàn ông ấy, cơ bản, biết chăm sóc vợ con, chia sẻ công việc trong gia đình và bao dung, độ lượng. Điều quan trọng không kém là tính quyết đoán, có thể tin tưởng được. Một anh chồng cứ lén lút cầm điện thoại vào một góc, người vợ sẽ bất an và dần sẽ thấy nhiều thứ không phù hợp.
* Hóa ra đó chỉ là những phẩm chất quen thuộc?
- Đúng rồi, quen thuộc, nhất là với những phụ nữ từng được yêu. Người đàn ông thực sự tâm lý khi đang trong giai đoạn chinh phục. Anh nào muốn phấn đấu thành người chồng tâm lý thì cứ hình dung, tái hiện lại hồi mới yêu ứng xử thế nào thì trong thời kỳ hôn nhân cũng cứ ứng xử thế ấy.
Cũng chỉ đơn giản là ga-lăng, hỏi nàng ở đâu để đưa đón, quan tâm sức khỏe, ấm lạnh… Chỉ là khi yêu, người đàn ông cần chứng tỏ sức mạnh và sự “cho đi”, chứng tỏ mình có đủ tố chất để đáp ứng người đẹp; sẵn sàng cống hiến và tự bày ra trăm phương ngàn kế để cống hiến nhằm đạt mục đích “đốn tim” nàng (thậm chí trong đó có yếu tố thỏa mãn dục tính).
Kết thúc giai đoạn chinh phục, sự nhàm chán dần đến như một quy luật của cảm xúc. Có câu nói vui: “Yêu là động từ lừa đảo”. Để có được ông chồng tâm lý, người vợ cần tìm cách đặt chồng trong trạng thái luôn còn phải chinh phục. Điều này không dễ, nhất là theo thời gian - sắc đẹp, sự hấp dẫn, tươi mới của vợ cứ bốc hơi dần.
* Nếu các ông tha thiết muốn trở thành người chồng tâm lý thì danh hiệu này đâu hiếm như thế. Xin hỏi một câu nhạy cảm: tiến sĩ có trong số hiếm đó?
- Tôi được học và công tác trong ngành tâm lý, nhưng dẫu có cố gắng, đôi lúc tôi vẫn bị vợ càu nhàu: “Anh là dân tâm lý mà lại làm vậy”. “Dao sắc không gọt được chuôi”. Tôi hay quên, có khi vợ con chưa trèo lên xe mà tôi đã chạy tuốt, một lát ngoái nhìn lại, chẳng thấy ai.
Tôi bị trừ điểm nhiều nhất ở chuyện mất tập trung mà theo cách gọi của vợ là vô tâm. Thỉnh thoảng, tôi vừa phản biện vừa chống chế rằng ngoài làm chồng, làm cha trong gia đình, tôi còn biết bao nhiêu vai trò ngoài xã hội. Nhưng tôi luôn dặn mình phấn đấu hoàn thiện để cả nhà vui hơn.
Người chồng tâm lý không phải chỉ có kiến thức tâm lý mà phải hiểu vợ để tương tác hai chiều phù hợp và xây dựng thói quen ứng xử tích cực. Tuyệt đối không phải chiều chuộng, phục vụ vợ vô tội vạ đến thui chột hết những giá trị của mình.
* Xin cảm ơn và kính chúc tiến sĩ cùng gia đình năm mới vui khỏe, thành công, hạnh phúc.
“Sự hòa hợp với nhau có tính chất đa chiều, liên quan đến cách người vợ từ bé đã được dạy như thế nào trong gia đình, dấu ấn của cha mẹ, văn hóa vùng miền, hệ thống giá trị, quan điểm sống, trải nghiệm… Người chồng sẽ được gọi là tâm lý nếu tương thích với những gì mà trước kia vợ đã vận hành”.
Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp |
Tô Diệu Hiền (thực hiện)