Đi tìm lời rao, tiếng gõ thân quen

16/07/2024 - 06:05

PNO - Lời rao đã từng là tiếng nhớ, lời thương đối với người dân Sài Gòn. Nhưng lời rao cũng đang biến mất dần trong sự đổi thay của đời sống hiện đại. Tôi thử làm cuộc hành trình nho nhỏ đi tìm tiếng rao.

Giọng rao gây thương nhớ

Nhắc đến tiếng rao, nhiều người nghĩ ngay đến những đôi quang gánh thu mua ve chai dãi dầu mưa nắng. Nhưng giờ quang gánh đã được thay bằng xe đẩy. Phần lớn các cô, các chị mua ve chai thời nay hoặc im lặng đẩy xe, hoặc mở loa phát lời rao thu âm sẵn.

May sao, trong một lần tình cờ dừng xe giữa trưa ở con hẻm trên đường Tuệ Tĩnh, quận 11, tôi bỗng nghe một giọng rao du dương: “Ai ve chai bán?”. Giọng rao không vút lên mà ngang ngang rồi lại nặng ở cuối câu kéo thêm chút ngân như tài tử miệt vườn xuống xề câu vọng cổ. Đẩy xe chừng chục căn nhà, cô lại buông tiếng rao, tay quệt mồ hôi. Dân trong hẻm cũng chẳng nhớ tên cô, chỉ nhớ mỗi khi nghe tiếng rao thì kêu bọn nhỏ đi ngủ trưa là vừa.

Tôi lân la hỏi chuyện, cô ngượng ngùng chẳng nói gì về mình. “Thế còn tiếng rao? Sao cô vẫn giữ nó?”. Cô bật cười: “Hổng có trăm ngàn mua cái loa như mấy bà kia”. Chị bán rau chen vào: “Nhưng có tiền mua thuốc viêm họng uống chơi”. Cô chạnh lòng: “Mệt mà quen rồi. Với lại, sợ rao máy, mối quen không nhận ra, ế chết”. Rồi cô còn chỉ điểm: “Có nhỏ đẩy xe đạp bán trái cây cũng rao miệng suốt ở bên kia đường kìa. Giọng nó còn khỏe lắm. À, có ông gì đó cũng mua ve chai, rao buồn như bị vợ bỏ”. Khi cuộc trò chuyện kết thúc, giọng rao của cô lại ngân lên vừa vặn, tự nhiên, như sợ làm kinh động không khí yên tĩnh của con hẻm ban trưa.

Rồi trong lần tình cờ đến chơi nhà người bạn ở con hẻm nối đường Nguyễn Đình Chiểu với đường Võ Văn Tần, quận 3, tôi gặp chị bán bánh cam với điệu rao lanh lảnh: “Bánh cam hông?”. Dáng chị đạp xe lướt nhanh trong cái nắng đang bốc hơi thành khói. Tôi chợt nhận ra, tiếng rao trong những con hẻm giản dị mới đẹp, mới gây thổn thức làm sao. Những tiếng rao mộc mạc bây giờ chỉ là con số lẻ so với tiếng rao máy. Đã vậy, lời rao cũng ngày càng kiệm chữ, cụt lủn, không bay bổng như thuở xưa.

Tiếng lốc cốc giữa phố đông

Trên hành trình đi tìm tiếng rao, tôi chợt nhớ ra những âm thanh không lời của những gánh hàng rong Sài Gòn. Đâu rồi tiếng lốc ca lốc cốc của xe hủ tíu gõ trong hẻm sâu bùn lầy của đêm mưa rả rích? Thành phố từng có cả đội quân mì gõ, hủ tíu gõ khổng lồ cứu cơn đói giữa đêm mà?

Đội quân đó teo tóp dần vì nhiều lẽ: tiện ích bưng tận nơi mà các app giao đồ ăn cạnh tranh khốc liệt, nhiều quán hủ tíu bình dân ra đời… Xe hủ tíu vẫn còn nhưng tiếng gõ lốc cốc thân thương gần như biến mất. “Có gì thì a lô, toàn mối quen mấy chục năm” - chủ một xe hủ tíu giải thích. Được một tay chơi ở quận 1 chỉ điểm, tôi đến khu nhà thờ Huyện Sỹ để nghe lại tiếng gõ lốc cốc.

Lời rao từng gắn chặt với gánh hàng rong, xe đẩy, là tiếng nhớ, lời thương đối với người dân Sài Gòn
Lời rao từng gắn chặt với gánh hàng rong, xe đẩy, là tiếng nhớ, lời thương đối với người dân Sài Gòn

Khi tôi đang ngơ ngác tìm kiếm ở ngã tư Tôn Thất Tùng - Bùi Thị Xuân, quận 1 thì có âm thanh lách cách quen thuộc vang lên giữa mớ hỗn tạp âm thanh xe cộ, nhạc nhảy xập xình. Tiếng gõ từ xa văng vẳng rồi rõ dần. Ồ, tiếng rao của hủ tíu gõ đây rồi, tôi đã tìm được. Một anh thanh niên vừa chạy xe đạp bằng 1 tay, vừa gõ chiếc muỗng móp méo vào thanh nhôm. Lướt nhanh như một cơn gió, anh đột ngột dừng khi ông bảo vệ khách sạn giơ ngón tay ra hiệu mua 1 tô.

Người gõ lốc cốc là Phạm Hồng Huy. Chỉ ngoài 30 tuổi nhưng anh có hơn 15 năm gắn liền với tiếng lốc cốc. Xe hủ tíu nằm trong góc khuất của hẻm 408 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3. Chiếc xe không có bóng dáng phụ nữ nhưng khá gọn, sạch. Đây chính là điểm hút nhiều người tìm ăn. Huy vừa đạp xe “rao” lốc cốc, vừa nấu, vừa bưng tô đi giao. Không chỉ duy trì tiếng gõ kinh điển, Huy còn giữ cái cách 1 tay chạy xe, 1 tay bưng mâm nhôm có đầy ắp tô một cách điệu nghệ.

Người trong hẻm 408 đều biết quê Huy ở tỉnh Quảng Ngãi, vào đây bán hủ tíu từ lúc còn là đứa trẻ. “Hông hiểu sao nó cứ đi gõ dù ai cũng có số điện thoại của nó” - một dì lớn tuổi ngồi chơi gần đó nói. Huy phân bua, khu này khách uống cà phê, khách du lịch nhiều, gõ để người ta biết đường mà kêu. Đêm Sài Gòn gió thổi mạnh, tiếng gõ lách cách từ chiếc xe đạp của Huy vẫn đều đặn. Tiếng gõ dường như vẫn còn thiếu một chút lúc khoan lúc nhặt, lúc vui lúc buồn của tiếng thời xưa.

Tiếng rao như lời tâm tình

Trên hành trình tìm lời rao, tôi bắt gặp tiếng lắp xắp từ xe gỏi khô bò của một ông chú lớn tuổi ở khu hẻm Bình Thới, quận 11. Qua một lần tai biến, chú đẩy xe không còn nhanh, tiếng kéo nhấp cũng rời rạc, không còn rộn rã như xưa nhưng vẫn âm thầm buôn bán hàng rong để mưu sinh tuổi xế chiều.

Với nhiều người, tiếng chuông leng keng của xe kem, không chỉ là thông tin tiếp thị mà còn là một trời tuổi thơ
Với nhiều người, tiếng chuông leng keng của xe kem, không chỉ là thông tin tiếp thị mà còn là một trời tuổi thơ

Tôi còn gặp lại tiếng bíp bíp vang lên giữa trưa nắng như đổ lửa ở khu chung cư Trần Quốc Thảo, quận 3. Ôi cái âm thanh quen của xe bán rau câu, bánh plan đây mà. Ông chủ xe che nón rộng vành, người gầy gò, đen đúa, lại bán thứ mát lạnh, màu mè thật vui. Rồi tôi chợt chạnh lòng nhớ tới tiếng leng keng của xe kem tuổi thơ, nay bị thay bằng lời rao máy: “Kem dừa Thái Lan đặc biệt thơm ngon…”. Thỉnh thoảng, như lúc giữa khuya vừa qua, tôi vui như bắt được vàng khi nghe tiếng chuông leng keng của chú bán kem ở đường Bà Hạt, quận 10. Chú đâu biết tiếng lắc chuông leng keng này là cả một trời tuổi thơ tôi.

Nhiều người lý giải, có lẽ Sài Gòn bây giờ ồn quá nên chẳng còn nghe ai rao. Muốn vượt lên cái ồn ào đó thì tiện nhất là dùng loa. Rồi có người lại khuyên, hãy quý tiếng rao máy vì biết đâu vài mươi năm nữa, nó cũng chẳng còn. Thật ra, tôi chẳng giận hay ghét bỏ gì mấy cái loa máy. Là người Sài Gòn, tôi hiểu tâm tính ưa sự tiện lợi, dễ thích nghi đó chứ. Loa máy vẫn có cái hay riêng, chỉ sợ cái kiểu trăm xe như một, dạng bán hàng rong theo tập đoàn. Với tôi, tiếng rao không chỉ là thông tin tiếp thị mà còn là tâm tình nhân thế lắng đọng trong nhịp sống ồn ào. Có lẽ tôi đã nặng tình cảm với tiếng rao quá rồi.

Phạm Thái Thanh

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.


Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.

- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.

- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.

- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI