“Đi tìm hạnh phúc” trong thời khủng hoảng

13/08/2020 - 07:36

PNO - Câu hỏi: “Hạnh phúc là gì?” cứ treo lơ lửng từ đầu đến cuối trong Đi tìm hạnh phúc - một hành trình triết học của tác giả Frédéric Lenoir (Phạm Danh Việt dịch, Phanbook & Nhà xuất bản Lao động ấn hành) như một thách đố lớn lao.

Câu hỏi về hạnh phúc
Nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng Voltaire từng nói: “Tôi từng tự nhủ hàng trăm lần rằng, tôi sẽ hạnh phúc nếu tôi cũng khờ khạo như bà hàng xóm của tôi. Tuy vậy, tôi lại không muốn thứ hạnh phúc như thế”. Rõ ràng, hạnh phúc mà một triết gia hướng tới sẽ khác thứ hạnh phúc của bà hàng xóm khờ khạo của ông ta. Và cũng phải thừa nhận rằng, không có một khuôn mẫu nào chung quyết cho cái gọi là hạnh phúc ở đời. Nhưng thay vì như thế, thì đừng nhọc công tìm kiếm nghĩa lý về hạnh phúc nữa, các triết gia và nhà khoa học xưa nay lại không chịu bỏ cuộc... 

Câu hỏi: “Hạnh phúc là gì?” xui khiến từ Aristotle, Épicure, Trang Tử, Đức Phật, Đức Jésus, Montaigne, Immanuel Kant... “lên đường”. Họ trình bày, tranh luận và truy nguyên các thước đo giá trị của hạnh phúc; mà ở đó con người không ngừng tìm kiếm những thành tựu và cũng không ngừng hụt hẫng bởi những mất mát khó ngờ.

Tác phẩm Đi tìm hạnh phúc của tác giả Frédéric Lenoir đã trả lời được nhiều câu hỏi giá trị trong cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua
Tác phẩm ''Đi tìm hạnh phúc '' của tác giả Frédéric Lenoir đã trả lời được nhiều câu hỏi giá trị trong cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua

Theo tác giả, nếu ở thời cổ đại, hạnh phúc hướng vào thái độ phải đạo với thần thánh hay đạo lý, thì trong thời hiện đại, con người chối bỏ thần thánh để khai quật hạnh phúc bên trong mình cùng những trải nghiệm (hướng nội) và nơi xã hội mình sống.

Giới khoa học cũng nhập cuộc cùng các nhà tư tưởng để cân đong đo đếm hạnh phúc qua các chỉ số. Nhà xã hội học thăm dò xem hạnh phúc con người có phải nằm ở thu nhập và các chỉ số phát triển, sự sở hữu của cải vật chất? Các nhà tâm sinh lý học thì phân tích di sản gen và các nội tiết tố, chất dẫn truyền trong não bộ khiến người ta bi quan hay lạc quan, hạnh phúc hay bất hạnh...

Các cuộc hành trình của y khoa đi cùng triết học, coi bộ phức tạp hơn bội phần. Chúng xé hạnh phúc ra trăm ngàn thuộc tính và phân tích đến tận chân tơ kẽ tóc từng nguyên nhân khiến người ta bất mãn hay thỏa mãn một việc gì. Vậy mà hạnh phúc vẫn là một câu hỏi đong đưa trước mắt nhân loại, không dễ xong, khó lòng nắm bắt một cách đầy đủ.

Tiền của có đem lại hạnh phúc?

Có lẽ, trong thời điểm bấp bênh vì đại dịch này, chúng ta nên đọc kỹ phần 9 trong cuốn sách của Frédéric Lenoir - “Tiền có làm nên hạnh phúc?”.

Tác giả dẫn lại ý chính bài báo nổi tiếng năm 1974 của nhà kinh tế học Mỹ Richard Easterlin, khẳng định tổng thu nhập bình quân đầu người tại Mỹ nhảy vọt, tăng 60% từ năm 1945-1970; nhưng tỷ lệ người cho rằng mình “rất hạnh phúc” vẫn không thay đổi, chỉ “ổn định” 40%. Tương tự, là Anh, Pháp ở những thời điểm GDP tăng, tỷ lệ hạnh phúc không tăng, thậm chí có chiều hướng giảm. Và kỳ lạ hơn, chỉ số hạnh phúc của các quốc gia có mức tăng GDP cao lại bằng, thậm chí thấp hơn các quốc gia nghèo, đang phát triển. Điều này là một bằng chứng khiến “lý thuyết” duy tư bản lung lay: mức độ mãn nguyện của cá nhân không thể tỷ lệ thuận với mức tăng GDP.

Chuyện gì đã xảy ra trong não con người vậy? Tiền bạc là phù du, hóa ra câu đùa cửa miệng là đúng. Hay các nhà xã hội học đã có gì sai trong phương pháp điều tra?

Trở lại ý tưởng của triết gia khắc kỷ Sénèque ở đầu chương 9, tuy cho rằng tiền là cần thiết, thậm chí xứng đáng là thứ được “ưa thích”, nhưng cũng như các triết gia cổ đại, ông cho rằng tiền không nên là thứ trói buộc chúng ta, bởi ông nhận ra căn bệnh cố hữu của sự giàu có và sở hữu dư thừa vật chất đó là ta sẽ sợ mất trộm, mất nhiều thì giờ quản lý tài sản, ghen tị với sự sở hữu của người khác... 

2. Nhà triết học Frédéric Lenoir
Nhà triết học Frédéric Lenoir

Thông qua những luận cứ đưa ra, nhà hiền triết nhắn nhủ loài người phải biết dừng lại ở mức nhu cầu cơ bản để không làm nô lệ cho đồng tiền; “biết giới hạn những ham muốn vật chất để dành thêm chỗ cho gia đình, bạn bè, đam mê và đời sống nội tâm”.

Dễ đọc, qua từng chủ đề kết thành những bài viết ngắn, Đi tìm hạnh phúc - một hành trình triết học của Frédéric Lenoir bắt rễ vào mối quan tâm thực tế. Từ một thứ triết học đã thoát khỏi tháp ngà sách vở và đầy cởi mở, tác giả thay vì cứ hỏi câu hỏi khôn cùng “Hạnh phúc là gì?” thì đưa ra những gợi mở, hồi đáp cho câu hỏi thiết thực: “Làm gì để có được hạnh phúc?”. 

Trước câu hỏi: “Bạn thấy những gì quan trọng đem lại hạnh phúc?”, ở khắp mọi châu lục, người ta đều cho rằng tiền và tiện nghi vật chất không nằm trong số những nhân tố chính mang lại sự thỏa mãn. Chúng xếp sau các yếu tố trụ cột: gia đình, sức khỏe, công việc, tình bạn và tâm linh. Ông cho rằng, sự tác động của những hình ảnh quảng cáo về sự phồn vinh trên truyền thông đại chúng tác động lớn đến viễn tượng hạnh phúc dựa trên của cải, sự giàu sang của xã hội. Và nó cũng làm vỡ mộng với nhiều người khi nhìn thấy các biểu tượng của sự giàu sang trong xã hội không có được hạnh phúc.

Frédéric nói: "Giống như nhiều người, tôi rất khó chịu với việc sử dụng từ này (hạnh phúc) một cách không đúng lúc, đặc biệt là trong quảng cáo, cũng như sự thừa mứa những tác phẩm có ý định phân phát những "công thức" sẵn về hạnh phúc".

Nhưng là một triết gia trong xã hội hiện đại, Frédéric Lenoir cũng tỏ ra thực tế, thay vì khinh bỉ tiền, ông lại hướng người đọc nhìn thấy cái nghịch lý của thời đại chúng ta: “Ngày nay, không ai hoặc gần như không ai an toàn trước nạn thất nghiệp và có ít nhiều sự bất an. Không chỉ một số người phải cân nhắc sự chi tiêu mới cảm nhận nhu cầu tiền bạc, mà nó còn xảy ra cả ở những người muốn cho mình một giới hạn an toàn trước một tương lai bấp bênh và đáng lo ngại”. 

Tiền nhiều để làm gì? - tiếng thở dài của người có tiền nhưng đánh mất hạnh phúc sẽ khác với câu hỏi của người không sao đạt được một mức độ tối thiểu cho nhu cầu cơ bản để sống và hướng đến những khát vọng hay sự giàu có về tâm hồn.

Một chương sách đầy chia sẻ, trong tình cảnh của cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua.

Nguyễn An Nam

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI