Đi tìm giấc ngủ

13/04/2019 - 06:00

PNO - Những ngày qua, thông tin về sự ra đi đột ngột của nghệ sĩ Anh Vũ vẫn còn khiến dư luận bàng hoàng.

Theo nhiều nguồn tin từ những người thân cận với Anh Vũ, một trong những nguyên nhân ban đầu có thể do thói quen lạm dụng thuốc ngủ. Đây cũng chính là thói quen vô cùng nguy hiểm của không ít người.

Sáng cuối tuần của tháng Tư, ông N.Q.A. (55 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) lái xe đến Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng TP.HCM tái khám bệnh mất ngủ. Với hơn 30 năm mất ngủ và gần mười năm điều trị tại trung tâm này, ông đã không còn xa lạ với nhân viên ở đây.

Thấy giường ngủ là sợ

Ngồi chờ tới lượt khám, ông A. cho biết, ông làm nghề tài xế đường dài, thường xuyên chở hàng từ TP.HCM đi các tỉnh nên giờ giấc ngủ nghỉ bị đảo lộn. Ông vào nghề sớm và từ năm 20 tuổi đã bắt đầu có dấu hiệu mất ngủ. Nhiều năm liền ông thức trắng đêm.

Di tim giac ngu
Hồ sơ bệnh án về giấc ngủ của ông A. được ghi chép rất nhiều năm

“Không đêm nào tôi ngủ được, nhìn thấy giường ngủ là tôi ám ảnh vì lý trí muốn được ngủ nhưng nằm xuống không thể ngủ được. Không ngủ được là một nỗi sợ kinh khủng, ai cũng ngủ mà mình thì đơn độc thức khuya. Thức khuya buồn rồi rơi vào rượu bia, thuốc lá và dễ trầm cảm. Nhưng đến tận năm 2011, tôi mới tới đây điều trị”.

Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh - người điều trị rối loạn giấc ngủ cho ông A. - kể: “Bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ hơn 30 năm nhưng bây giờ đã ngủ được 4-5 tiếng mỗi đêm. Với ca này, tôi cứ tưởng sẽ không khắc phục được hậu quả của tình trạng mất ngủ kéo dài quá lâu”.

Năm 2011, ông A. đi điều trị mất ngủ nhưng phải mất hai năm sau đó mới có thể ngủ được hai tiếng mỗi đêm và đến năm 2015 mới ngủ được 4 tiếng. Theo bác sĩ Hạnh, bệnh nhân A. giờ đã 55 tuổi nên việc ngủ được 4-5 tiếng/đêm coi như phù hợp với sinh lý cơ thể người lớn tuổi.

Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh khuyến cáo: hậu quả của mất ngủ là sức khỏe không hồi phục, thiếu sức sống, mệt mỏi, hạn chế sáng tạo, năng suất lao động thấp, dễ rơi vào trầm cảm và lâu dài sẽ giảm tuổi thọ.

Hay như trường hợp của anh L.Q.T. (43 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng từng mất ngủ suốt 11 năm. Anh T. là kỹ sư công nghệ thông tin, thường xuyên phải thức khuya làm việc, tính tình hay lo, suy nghĩ nhiều nên sau khi gặp biến cố gia đình, anh tự ý mua thuốc ngủ về uống. Đến tháng 10/2015, anh mới bắt đầu đi gặp bác sĩ.

Lúc đầu, bác sĩ kê cho anh ba loại thuốc điều trị mất ngủ nhưng không hiệu quả bởi anh có dấu hiệu lờn thuốc do tự uống trước đó. Lúc này, bác sĩ thay đổi phác đồ điều trị, phối hợp năm loại thuốc với nhau thì giấc ngủ của anh bắt đầu cải thiện. Thay vì thức trắng đêm, anh bắt đầu ngủ được 2-3 giờ mỗi ngày. Hiện mỗi đêm, anh ngủ được 5 tiếng và không còn phải dùng thuốc ngủ mà chỉ dùng các loại thảo dược hỗ trợ.

Kém may mắn hơn là chị Đỗ Thị Thiên N., 47 tuổi, bị mất ngủ gần mười năm nhưng mỗi khi điều trị được ba tháng, chị lại rơi vào trạng thái “thức trắng đêm”. Chị kể bản tính chị hay lo lắng, lại làm nghề bỏ mối giò chả cho các đại lý, phải thức dậy từ 3g sáng nên việc điều trị cải thiện theo chu kỳ. Mỗi khi tới lễ, tết hay lúc công việc quá tải, căng thẳng gia đình, chị lại rơi vào tình trạng mất ngủ. “Nhìn thấy giường ngủ tôi rất thèm nhưng không thể ngủ được”, chị N. buồn bã. 

Di tim giac ngu
Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh đang tư vấn cho bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ

Thuốc ngủ: không uống quá 2 viên cho một loại thuốc

Hiện trên thị trường có nhiều loại thuốc ngủ, được chia làm hai nhóm chính gồm: thuốc ngủ thảo dược và thuốc ngủ có chất gây nghiện, hướng thần (khoảng 10-20 loại).

Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh phân tích: “Cơ chế của thuốc ngủ có chất hướng thần, gây nghiện là ảnh hưởng trực tiếp đến trung khu hô hấp, nếu uống quá liều sẽ gây suy hô hấp, ngưng thở. Ngay cả người bình thường cũng có thể tử vong nên bác sĩ thường cân nhắc khi kê thuốc ngủ cho bệnh nhân bị suy hô hấp”. 

Với loại thuốc ngủ này, thông thường bác sĩ sẽ cho phối hợp vài loại khác nhau, mỗi loại chừng nửa viên/ngày. Trường hợp đặc biệt, bệnh nhân chỉ được dùng tối đa 2 viên/ngày cho một loại thuốc ngủ. Do đó, nếu bệnh nhân uống năm viên cùng lúc thì coi như… tự tử.

Cùng ý kiến này, bác sĩ Trần Thị Mai Thy - Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quốc tế City - khuyến cáo: “Với loại thuốc ngủ có hoạt chất Diazepam 5mg, người bệnh chỉ được uống nửa viên 2,5mg/ngày. Nếu bệnh nhân uống 4 viên với hàm lượng Diazepam lên tới 20mg sẽ bị ức chế hô hấp ngay. Chưa kể, một số bệnh nhân vốn mắc bệnh lý tim mạch khi sử dụng thuốc chống trầm cảm kèm thuốc ngủ này cũng có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, gây rung nhĩ bất thường dẫn đến đột quỵ, đột tử”.

Bác sĩ Thy cho biết, phần lớn người bệnh mất ngủ tự ý mua thuốc ngủ điều trị, đến khi rơi vào tình trạng mất ngủ nặng, kéo dài mới đến bệnh viện. Thậm chí, nhiều bệnh nhân lạm dụng thuốc ngủ nhưng uống thuốc vẫn không thể ngủ vì không được điều trị theo từng bước.

Thông thường, người bệnh sẽ được kiểm tra giấc ngủ. Bệnh nhân được điều trị từng bước (cho uống thảo dược hỗ trợ giấc ngủ trong 1-2 tuần kèm theo hướng dẫn cách “vệ sinh giấc ngủ”: tránh đầu óc căng thẳng trước khi ngủ, khi nằm trên giường cần không gian yên tĩnh, có thể nghe nhạc không lời; tránh xem ti vi, sử dụng điện thoại; để nhiệt độ phòng dễ chịu… và không nằm trên giường nếu không cảm thấy buồn ngủ. Nếu tình trạng mất ngủ vẫn không được cải thiện, bác sĩ mới dùng đến thuốc điều trị mất ngủ.

Di tim giac ngu
Bác sĩ Mai Thy đang tư vấn về bệnh mất ngủ cho bệnh nhân

Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh chia sẻ, ngoài bệnh nhân bị bệnh mất ngủ thì 10% người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng rơi vào tình trạng mất ngủ. Về cơ chế thông thường, người bị ngưng thở khi ngủ khiến cơ thể không ngủ đủ giấc vào ban đêm.

Mỗi đêm, người bệnh có thể bị thức từ 200-300 lần nhưng mỗi cơn thức chỉ kéo dài khoảng 30 giây nên người bệnh không hay biết, trừ những lúc thức kéo dài đến 2 phút. Nguyên nhân việc thức nhiều lần do hội chứng ngưng thở khi ngủ khiến máu không đưa đủ ô-xy lên não, làm não không chìm vào giấc ngủ sâu và giấc ngủ bị chia nhỏ nhiều lần.

Chính vì ngủ không sâu, người bệnh luôn cảm thấy thiếu ngủ dù ngủ đủ giờ. Khoảng 10% người bị ngưng thở khi ngủ bị biến chứng mất ngủ và buộc phải dùng thuốc ngủ. Lúc này, người bệnh phải điều trị cả hội chứng ngưng thở khi ngủ và bệnh mất ngủ. 

Ngáy và ngưng thở khi ngủ chủ yếu do hai nguyên nhân chính gồm: thừa cân, béo phì và do bất thường cấu trúc hầu họng như cằm lẹm, hẹp eo họng. Những người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ cần được điều trị sớm. Tuy nhiên, những người bị ngáy sau khi uống rượu bia, do công việc căng thẳng… thì không cần phải điều trị. 

NGỦ BAO LÂU LÀ ĐỦ?

Thời gian ngủ cần thiết cho mỗi người tùy vào nhiều yếu tố. Trẻ con cần khoảng 16 giờ một ngày, vị thành niên cần khoảng 9 giờ. Người trưởng thành ngủ 7-8 giờ nhưng một số ít người chỉ cần 5 giờ hoặc ngược lại, cần đến 10 giờ. Nên đi ngủ và thức dậy vào một giờ nhất định ngay cả vào ngày cuối tuần và ngày nghỉ.

Một người cần ngủ nhiều hơn nếu người đó không ngủ đủ vào ngày hôm trước. Thiếu ngủ tạo nên “nợ ngủ”, cuối cùng, cơ thể sẽ đòi phải trả nợ. 

Có năm giai đoạn của giấc ngủ:
Giai đoạn 1 - Buồn ngủ
Giai đoạn 2 - Ngủ nông
Giai đoạn 3 - Ngủ sâu
Giai đoạn 4 - Ngủ sâu sóng chậm
Giai đoạn 5 - Mắt chuyển động nhanh (REM)

Người lớn trải qua gần như 50% thời gian ngủ trong giai đoạn 2, khoảng 20% trong giấc ngủ REM và 30% còn lại trong những giai đoạn khác. Trẻ em trải qua gần 1/2 thời gian ngủ trong giấc ngủ REM.

Trong giai đoạn 1 hoặc 2, chúng ta ngủ chập chờn và có thể đánh thức được dễ dàng. Trong giai đoạn 3 và 4, các sóng não chậm xuất hiện và rất khó đánh thức. Người bị đánh thức lúc ngủ sâu không thích ứng ngay được và thường cảm thấy choáng váng, mất định hướng trong vài phút sau khi tỉnh dậy.

Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh

Lê Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI