Quy Nhơn, tháng 6/2022.
Anh Đỗ Minh Tiến (sinh năm 1988, hiện là hướng dẫn viên du lịch) là một độc giả đặc biệt của nhà văn Trần Bảo Định. Theo lời hướng dẫn của nhà văn trong truyện ngắn Kim Bông thần mã (trích tác phẩm Kiếp ba khía, Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ 2014, tái bản năm 2020), anh đã tìm về ngôi mộ của chiến mã Kim Bông ở Quy Nhơn (Bình Định). “Theo hướng đông bắc khoảng bốn cây số, gặp ngã ba Cây Xoài thuộc xã Phước Thuận, rồi qua cánh đồng hơn một cây số về miệt phía đông thì tới đầu thôn Nhân Ân…” - trang viết trở thành chỉ dấu cho người đọc đi tìm một di tích có thật.
|
Độc giả Đỗ Minh Tiến và nhà văn Trần Bảo Định |
Mà nếu không được văn chương gợi nhắc, có lẽ rất ít người biết đến hoặc đã trở thành lãng quên. “Mộ Kim Bông nằm trong một khu nghĩa trang thuộc dòng họ Lê Tuyên, nhưng quang cảnh hiện tại nhìn rất hoang phế. Đứng trước ngôi mộ của thần mã và nghĩ về số phận của một chiến mã trung liệt, số phận của những vị anh hùng kháng Pháp, thấy trăm năm như chỉ còn lại một phế tích này. Lòng tôi thật sự bồi hồi xúc động” - anh Đỗ Minh Tiến chia sẻ.
Trong truyện Kim Bông thần mã, nhà văn Trần Bảo Định đã dựng nên một câu chuyện hào hùng và cảm động về chiến mã Kim Bông và Phó soái Lê Tuyên của phong trào Văn Thân Bình Định vào những năm cuối thế kỷ XIX. Ngày 15/4/1887, Phó soái Lê Tuyên cùng các tướng lĩnh nghĩa quân bị giặc hành hình, Kim Bông đã chạy về nhà báo tin dữ. Thi thể phó soái được chôn cất ở Gò Đình, Kim Bông vì thương nhớ mà gục chết bên mộ chủ nhân. Gia đình phó soái Lê Tuyên đã xây mộ đá vôi cho ngựa bên cạnh mộ phần của chủ nhân…
Đã có một cuộc “hội ngộ” ý nghĩa giữa nhà văn và bạn đọc, giữa văn chương - lịch sử, quá khứ - hiện tại từ những trang viết. Anh Đỗ Minh Tiến cho biết, đây không phải là lần đầu đi tìm những di tích, di chỉ văn hóa được nhà văn Trần Bảo Định đề cập đến trong các tác phẩm. Một lần anh đến vịnh Đá Hàn trên sông Vàm Cỏ Tây, nơi huyền sử kể rằng ngày xưa Nguyễn Ánh trong lần chạy trốn Tây Sơn qua đây đã gặp một đàn trâu nước nổi lên giúp vua qua sông. Nơi đây cũng tương truyền về tục thờ cúng Hà Bá và truyền thuyết về bánh trôi nước.
Một lần khác, anh tìm đến ngôi mộ Trời Đánh ở xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa (từ truyện Thủ Thừa trong lòng người, trích tập Bóng chiều quê, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, 2018), để biết thêm một sự thật về nhân vật Trần Thập - người từng có mặt ở thành Gia Định trong cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi (1833-1835). Khi ông mất, gia đình sợ bị trả thù nên đã đặt tránh tên là mộ Trời Đánh, mãi sau này tên thật mới được trả về đúng cho chủ nhân ngôi mộ. Hoặc có lần anh về thăm chùa Ông (xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, tỉnh Long An) từ câu chuyện Chùa ông quê tôi.
|
Mộ chiến mã Kim Bông ở Quy Nhơn - từ di tích đến trang viết của nhà văn Trần Bảo Định - Ảnh: Đỗ Minh Tiến |
“Ngôi chùa trong truyện đã bị cháy do bom đạn chiến tranh, ngày tôi tới thăm, ngôi chùa đã được tôn tạo lại nhưng đã khác xưa. Vì đọc truyện, đã hiểu về những gì xảy ra trong quá khứ, bây giờ đứng trước ngôi chùa từng trải qua một thời loạn lạc, cảm nhận như được trở về với cái hồn xưa cũ của ngôi chùa” - anh Đỗ Minh Tiến bày tỏ.
Nhà văn Trần Bảo Định (sinh năm 1944, cựu sinh viên Trường đại học Văn Khoa, Viện Đại học Đà Lạt) là một người con của đất Long An. Ông sống rồi mới viết, và viết bằng cả cuộc đời. Những trang viết mộc mạc nhưng đầy tư liệu và kiến thức về lịch sử, văn hóa, địa chí, thiên nhiên của một vùng đất. Không gian bao trùm trong tác phẩm của nhà văn là miền Tây Nam bộ, với những thân phận chìm nổi, những câu chuyện xưa cũ, nhưng đầy giá trị cho cả bạn đọc văn chương lẫn người nghiên cứu. Rất nhiều học viên cao học khoa văn học đã dùng tác phẩm Trần Bảo Định làm đề tài nghiên cứu luận văn thạc sĩ.
Những tựa sách đậm chất chân quê và hoài niệm: Kiếp ba khía, Phận lìm kìm, Đời bọ hung, Bóng chiều quê, Khói un chiều, Thương những ngày, Bông trái quê nhà… Văn cũng như người. Trần Bảo Định sống và viết lặng lẽ. Ông miệt mài sáng tác vì sợ “đến một lúc không còn viết được nữa”. Sau mười năm kể từ lúc in tác phẩm đầu tay là tập thơ Ngao du sơn thủy (2012), nhà văn đã xuất bản trên 20 đầu sách nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tản văn, nghiên cứu…
Tác phẩm gần nhất của ông là Phật tính dân gian Nam bộ đôi điều suy ngẫm (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM). Đọc mới thấy sự am tường, kiến văn sâu rộng, uyên bác và thâm trầm của nhà văn. Những trang viết cứ thế dẫn lối người đọc tìm về với đất cũ, người xưa và những di chỉ văn hóa, cội nguồn của những giá trị.
Bạc Liêu nhãn đầu mùa viết về tín ngưỡng thờ mẹ Nam Hải, Thầy Tư Lữ - huyền sử đất phương Nam đưa người đọc đến với miền đất huyền bí Thất Sơn và những bí ẩn của lịch sử. Rồi Nhện chúa ở hậu liêu chùa Nổi, Một huyền thoại, Dấu chân khất sĩ… Kể về đời sống của người bình dân để làm nổi bật sinh hoạt tín ngưỡng, kể về những huyền tích/tiền nhân để tái hiện không gian văn hóa/lịch sử một thời, kể về những sinh vật để nói về những phận người… Sự đa dạng trong phương thức thể hiện khiến cho những trang viết Trần Bảo Định vừa phảng phất dấu văn xưa cũ, vừa mang đến cho người đọc những điều mới mẻ; chậm rãi từ tốn nhưng cuốn hút lạ kỳ.
Trong một cuộc trò chuyện mới đây với người viết, nhà văn tâm tình rằng ông cảm thấy “đã đủ” với văn chương, đã viết xong những điều muốn viết. “Nghiệp duyên. Duyên nghiệp tiềm tàng nợ/Nợ trả, ân đền. Kiếp phận xưa/Sum vầy, cũng chỉ là tan vỡ/Sắc cứ vô thường. Hạt nắng mưa!” - lời đề từ của nhà văn trong Phật tính dân gian Nam bộ đôi điều suy ngẫm. Gia tài văn chương có giá trị của “ông già Nam bộ” Trần Bảo Định sẽ còn để lại cho rất nhiều thế hệ người đọc sau này.
Bùi Tiểu Quyên