Di tích lăng mộ các chúa Nguyễn và nỗi lo bị xâm hại

18/01/2025 - 08:43

PNO - Công tác quản lý các di tích lăng chúa Nguyễn ở Huế hiện đang gặp nhiều khó khăn, do vị trí các lăng nằm trên phạm vi rất rộng, địa bàn phức tạp, xa trung tâm thành phố.

Du khách ít biết

Nằm ở thượng nguồn sông Hương, cách trung tâm TP Huế hơn 12km, phường Long Hồ (xã Hương Thọ cũ) có nhiều di tích độc đáo, trong đó nổi bật là hệ thống lăng mộ của 9 chúa Nguyễn. Men theo con đường ven sông quanh làng La Khê, chúng tôi đã đến di tích lăng Trường Cơ. Đây là lăng mộ của chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613) - vị chúa Nguyễn đầu tiên. Di tích này cách bờ sông Hương khoảng 300m, nằm giữa không gian cây xanh và có đường bê tông khá thuận lợi so với các lăng mộ chúa Nguyễn khác. Năm 2016, từ nguồn kinh phí xã hội hóa 3,8 tỉ đồng, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã trùng tu lăng Trường Cơ. Không gian di tích được khoanh vùng, tôn tạo cảnh quan và trở thành điểm hành hương, tham quan cho du khách.

Huyệt mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ xấu đào, xâm hại
Huyệt mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ xấu đào, xâm hại

Cách đó không xa, lăng Trường Thiệu của chúa Nguyễn Phúc Thuần, đang đối diện với nguy cơ xuống cấp, hư hại, các đoạn tường gạch bị sụt lún. Cách lăng Trường Thiệu hơn 1km là lăng Trường Thanh - nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Chu tại thôn Kim Ngọc, được sửa chữa vào thời vua Minh Mạng và thời vua Thiệu Trị. Năm 2009 và năm 2015, con cháu Nguyễn Phúc tộc đã đóng góp trùng tu, tôn tạo lại khu lăng mộ này. Công trình đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là di tích cấp tỉnh từ năm 2018. Vùng đất ở ngã 3 Bằng Lãng là nơi an nghỉ của cả 9 vị chúa Nguyễn.

Theo tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế - lăng các chúa Nguyễn có quy mô nhỏ hơn, cách thức xây dựng cũng đơn giản hơn nhiều so với lăng các vua Nguyễn. Lăng các chúa ở khá xa so với kinh thành, nhưng đều có vị trí rất lý tưởng và hoàn toàn tuân thủ các quy tắc về phong thủy, địa lý. Dù các lăng chúa đều đã được công nhận là di tích và khoanh vùng bảo vệ (trong đó lăng Trường Cơ, Trường Thiệu, Trường Thái đã được công nhận di tích quốc gia; các lăng còn lại được xếp hạng di tích cấp tỉnh), nhưng nhiều năm qua, rất ít du khách đến tham quan.

Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - cho biết, vừa qua, UBND TP Huế triển khai xây dựng, chỉnh trang những tuyến đường vào lăng các chúa Nguyễn, hiện đã cơ bản hoàn thành. Một số tuyến đường nằm trong dự án hạ tầng của quần thể lăng Gia Long cũng được triển khai và kết nối đến các lăng chúa Nguyễn gần đó. “Trước đây, nhiều du khách tìm đến lăng mộ các chúa Nguyễn để dâng hương, tham quan, tìm hiểu, nhưng gặp khó khăn khi tìm đường đi. Vì vậy, song song với việc chỉnh trang các lối vào lăng, chúng tôi cũng đặt các bảng chỉ dẫn, giới thiệu về di tích. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động để kết nối, tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, dâng hương tri ân tiền nhân” - ông Trung nói.

Công tác bảo vệ gặp nhiều khó khăn

Ngày 5/1, nhân viên bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cùng bà con Nguyễn Phước tộc vào lăng Trường Thái (tại phường Long Hồ, quận Phú Xuân, TP Huế) để dọn vệ sinh, dâng hương dịp cuối năm thì phát hiện phần huyệt mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào phá. Kẻ xấu đã khoan phá lớp bê tông phía trên, đào sâu xuống bên dưới ở ngay phần đầu huyệt mộ.

Vết đục bê-tông và bị đào bới thành một hố lớn tại Khu lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát
Vết đục bê-tông và bị đào bới thành một hố lớn tại Khu lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát

Có mặt tại lăng Trường Thái, chúng tôi nhận thấy kẻ xấu đã đục phá bê tông để đào một hố khá lớn ngay phía đầu huyệt mộ. Dấu vết đào và đất đá còn rất mới.

Hiện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tăng cường lực lượng ứng trực, tuần tra ở lăng các chúa Nguyễn và những di tích trong khu vực. Cũng theo ông Hoàng Việt Trung, tình trạng đào trộm lăng mộ của các ông hoàng bà chúa ở Huế để tìm vàng bạc, châu báu, đồ tùy táng từng diễn ra từ cách đây khoảng 40 năm. Nhiều năm trở lại đây, tình trạng này gần như không còn xảy ra, vì vậy, vụ đào trộm ở khu lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát là “không bình thường”. Những năm qua, ngành văn hóa TP Huế cũng thường tổ chức các chương trình hành hương tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát - người được xem là “ông tổ” của áo dài Việt Nam. Đặc biệt, địa phương đẩy mạnh các hoạt động lan tỏa đề án “Huế - Kinh đô áo dài”, nhiều du khách đã tìm đến di tích lăng Trường Thái để tham quan, dâng hương và tìm hiểu.

Ông Hoàng Việt Trung chia sẻ, hiện công tác quản lý các lăng chúa Nguyễn gặp nhiều khó khăn, lực lượng bảo vệ di tích chỉ đủ nhân lực đi kiểm tra vào ban ngày, còn ban đêm thì không thể quản lý, do địa bàn quá rộng, ở nơi hẻo lánh. “Để đảm bảo công tác bảo vệ di tích các lăng chúa Nguyễn, trung tâm đã chỉ đạo Phòng Quản lý bảo vệ phối hợp chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra. Đơn vị cũng sẽ xây dựng và phát huy mạng lưới hỗ trợ an ninh cơ sở với người dân sống trên địa bàn; tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ di tích, hỗ trợ trung tâm trong việc phát hiện, trình báo, ngăn chặn kẻ gian có ý đồ xâm phạm di tích của chúa Nguyễn” - lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thông tin.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI