Di tích Kinh thành Huế chịu cảnh nhếch nhác đến khi nào?

11/09/2022 - 06:36

PNO - Dự án di dời dân, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế được bắt đầu từ năm 2019 với việc di dời hàng ngàn hộ dân đến tái định cư tại P.Hương Sơ (TP.Huế). Thế nhưng đến nay, sau ba năm, tiến độ vẫn rất chậm chạp. Những mặt bằng đã bàn giao thì dang dở, bầy hầy, khiến khu vực Kinh thành Huế càng thêm nhếch nhác.

Chậm bàn giao mặt bằng cho di tích 

Dịp lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, nhiều du khách đến Huế cảm thấy khó chịu bởi sự ngổn ngang của rác thải xây dựng từ những công trình tháo dỡ dang dở tại khu vực I di tích Kinh thành Huế, trong đó khu vực đường Xuân 68 cách lối dẫn vào cổng chính Ngọ Môn hơn 1km được xem là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường.

Nhiều khu vực di tích vẫn ngổn ngang sau khi dân đã di dời
Nhiều khu vực di tích vẫn ngổn ngang sau khi dân đã di dời

Nhiều người ví von nơi đây như một “bãi tha ma” nằm án ngữ khu vực Thượng Thành, Eo Bầu trên đường Xuân 68 thuộc P.Đông Ba. Chị Lê Minh Tâm từ Đà Lạt về thăm quê phản ứng: “Theo thông tin tôi được biết, dự án giải tỏa với số vốn hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng hơn hai năm rồi vẫn thấy ngổn ngang như cũ. Có chỗ còn bốc mùi hôi. Thật là buồn!”. 

Bị bao vây bởi những ngôi nhà tháo dỡ dang dở, gia đình anh Trương Văn Quý, ở đường Xuân 68, cũng bức bối trước tình trạng ô nhiễm. Lý do gia đình anh Quý chưa bàn giao mặt bằng là vì việc cấp đất tái định cư chưa thỏa đáng và chưa thỏa thuận được giá đền bù. “Chúng tôi rất mong, nhà nào đã bàn giao rồi thì dọn dẹp cho sạch sẽ. Chứ nếu không, mùa mưa đến sẽ càng nhếch nhác và ô nhiễm hơn” - anh Quý nói. 

Đến thời điểm hiện tại, đã có 277/289 hộ dân ở Thượng Thành bàn giao mặt bằng, đạt tỷ lệ 96%; tại Eo Bầu có 515 hộ trong diện di dời, hiện đã bàn giao được gần 70%. Riêng các khu vực Hộ Thành Hào và Tuyến Phòng Lộ mới chỉ có 179/1.011 hộ bàn giao, với tỷ lệ 19%. Từ cuối năm 2021, UBND TP.Huế triển khai công tác phê duyệt đền bù giải phóng mặt bằng ở các khu vực di tích Hồ Tịnh Tâm, Trấn Bình Đài và Đàn Xã Tắc.

Nhưng cho đến nay, tại khu vực Hồ Tịnh Tâm mới có 10/103 hộ bàn giao mặt bằng; khu vực Trấn Bình Đài mới hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; khu vực Đàn Xã Tắc còn đang tiến hành kiểm kê, rà soát hồ sơ. 

Tháo dỡ năm đợt vẫn chưa xong

Ông Đặng Minh Thắng - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Huế - lý giải sự chậm chạp này vì nhiều nguyên do như nhiều hộ dân đã nhận hỗ trợ đền bù và đất tái định cư nhưng chưa xây xong nhà tại nơi ở mới, một số hộ gia đình vướng mắc về thừa kế…

Ngoài ra, khu vực Hộ Thành Hào và Tuyến Phòng Lộ nhiều đoạn chỉ giải tỏa một phần đất của các hộ dân nên dân chậm bàn giao mặt bằng dù đã nhận đền bù sớm. “Sau khi thực hiện xong việc vận động, nếu các hộ dân vẫn không thực hiện bàn giao, thành phố sẽ thực hiện cưỡng chế” - ông Minh Thắng khẳng định.

Có thể thấy, cho đến đầu tháng 9/2022, việc dọn dẹp vệ sinh tại các công trình đã tháo dỡ vẫn chưa đồng bộ. Tại các tuyến đường Lương Ngọc Quyến, Tôn Thất Thiệp, những bãi rác thải vật liệu xây dựng, rác thải sinh hoạt hình thành ngay trên đất di tích. Nhiều nơi cỏ dại mọc tràn xuống đường hoặc trở thành nơi lý tưởng cho những con nghiện hút chích vứt kim tiêm bừa bãi… trông rất nhếch nhác.

Trong khi đó, đơn vị đảm nhận việc giải phóng mặt bằng là Trung tâm Công viên Cây xanh Huế thì vẫn còn nhiều “bối rối” khi thực thi nhiệm vụ. Ông Đặng Ngọc Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Công viên Cây xanh Huế - cho biết, đến nay, qua năm đợt, đơn vị đã tiến hành thào dỡ hơn 300 căn nhà và thu gom rác thải xây dựng. Một số gia đình đã nhận đền bù nhưng vẫn chưa trả mặt bằng nên công tác tháo dỡ bị chậm lại.

“Khó khăn nhất là có một số nhà chưa bàn giao xen lẫn với một số nhà đã bàn giao khiến việc thi công gặp nhiều khó khăn. Các tuyến phố như Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh đường rất hẹp nên không thể dùng cơ giới mà phải làm thủ công. Khả năng đến hết mùa mưa năm nay vẫn chưa thực hiện xong” - ông Ngọc Quý cho hay. 

Bài và ảnh: Thuận Hóa  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI