Đi thật xa để trở về

24/01/2019 - 14:26

PNO - 'Chúng tôi không biết đâu là điểm kết thúc, nhưng đội bóng sẽ đi xa nhất có thể', đấy là phát biểu dõng dạc của tiền vệ đội phó Lương Xuân Trường trên trang chủ của AFC Asian Cup 2019.

Bóng đá không cầu bại

Nếu chỉ nghe khẩu khí của người Việt Nam, trước mỗi trận đấu, thì có lẽ chúng ta phải là nhà vô địch thế giới mới xứng tầm, chứ châu Á hay Đông Nam Á thì cũng thường thôi. Việc người hâm mộ nếu có thể mạnh miệng, thì đấy là bắt đầu từ VCK U23 châu Á 2018, nơi thầy trò HLV Park Hang Seo đã cuốn phăng cả Australia, Iraq, Qatar, trước khi chơi trận chung kết cực hay với Uzbekistan giữa bão tuyết Thường Châu.

Hào khí tiếp tục được duy trì ở ASIAD 18, đội tuyển Olympic Việt Nam, vẫn dưới quyền HLV Park, đã bỏ lại Nhật Bản, Bahrain, Syria và chỉ phải dừng bước trước đội bóng đã đoạt HCV sau đó là Hàn Quốc, với ngôi sao – cầu thủ hay nhất châu Á, trị giá hơn 50 triệu USD Son Heung-Min, đang chơi bóng ở giải Ngoại hạng Anh trong màu áo Tottenham Hotspur.

Di that xa de tro ve
"Khi Công Phượng đạt được tốc độ của mình, chắc chắn cầu thủ này sẽ không dừng lại"- tờ Rocket News của Nhật Bản đánh giá. 

Một năm 2018 đại cát của nền bóng đá khép lại bằng chức vô địch Đông Nam Á – AFF Suzuki Cup.

Bóng đá không cầu bại, nhưng AFC Asian Cup 2019 tại UAE là một phạm trù hoàn toàn khác, khi chúng ta sẽ phải đối đầu với những ĐTQG hàng đầu, đến từ các nền bóng đá hàng đầu châu lục, từng nhiều lần dự FIFA World Cup… Nếu như Yemen quá yếu ở bảng D, thì Jordan là đối thủ vừa miếng và giờ chúng ta đang đứng ở tốp 8 đội mạnh nhất châu lục.

Không có điều gì tự nhiên đến cả. Thầy trò HLV Park Hang Seo đã chiến đấu và chiến thắng theo cách của mình, để làng túc cầu giáo Á châu phải kính nể, tôn trọng. Về tâm thế, đội tuyển Việt Nam lúc này hoàn toàn có thể “nói chuyện” sòng phẳng với các đối thủ hàng đầu.

Giờ là Nhật Bản

Nhật Bản đã 4 lần vô địch châu Á, trong 7 giải đấu được tổ chức gần nhất, trước AFC Asian Cup 2019. Năm 1992, J-League ra đời để thay thế cho hệ thống thi đấu cũ kỹ trước đó và đấy cũng là thời điểm bóng đá Nhật làm cuộc cách mạng. Họ vô địch AFC Asian Cup 92, khi giải đấu được tổ chức trên sân nhà, và chính thức lần đầu tiên giành vé đến FIFA World Cup 98, tức là chỉ 6 năm sau. FIFA World Cup 2002, Nhật Bản trở thành nước đồng chủ nhà ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, cũng lần đầu tiên được tổ chức tại châu Á.

Trên đất Nga mùa hè 2018, chúng ta đã được chứng kiến Nhật Bản chơi hay như thế nào, từ vòng bảng cho đến trước khi để thua Bỉ vào phút cuối tại vòng knock-out. Bỉ sau đó đã tiến vào bán kết, nhưng họ phải thầm cảm ơn Nhật Bản, với bài học đắt giá từ một đối thủ mạnh về chinh phục. Phải, Nhật Bản tham gia các giải đấu hàng đầu, là để chinh phục danh hiệu, chứ không phải đá cho vui. Đặc biệt, đây là đội bóng với tinh thần Samurai, không khoan nhượng. Năm 2007, Nhật Bản từng đè bẹp Việt Nam 4 – 1 ngay tại Mỹ Đình.

Di that xa de tro ve
"Sau những chiến thắng của tuyển Việt Nam, có thể thấy đội bóng này thường xuyên tạo ra những thay đổi hiệu quả sau 30 phút đầu tiên của trận đấu"- tờ Sponichi Anex viết. 

13/23 cầu thủ Nhật Bản đến UAE lần này đang chơi bóng ở nước ngoài, mà cụ thể là châu Âu, trong đó không thiếu người có giá hơn 10 triệu USD trên sàn chuyển nhượng transfer-market. Cầu thủ đắt giá nhất của Việt Nam, thủ môn Đặng Văn Lâm, chỉ có giá 500 ngàn USD, sau khi hợp đồng với Muang Thong United được ký kết. Chỉ với chi tiết nhỏ ấy thôi, đã đủ nói lên sự khác biệt quá lớn giữa 2 đội bóng sẽ gặp nhau vào tối nay. Tuy nhiên, nếu bóng đá cứ thuận theo lẽ tự nhiên, thì đâu phải là môn thể thao vua, hấp dẫn nhất hành tinh?

Cuộc đầu thú vị giữa HLV Park Hang Seo và đồng nghiệp bên kia chiến tuyến Hajime Moriyasu; giữa Đặng Văn Lâm và Yoshinori Muto, giữa Công Phượng và Yuya Osako… hứa hẹn một trận cầu mãn nhãn tại Al-Katoum vào tối nay. Chúng ta không cầu bại, chỉ cầu có thể đứng vững trước bão Nhật Bản, đi xa nhất có thể để trở về.

Hàn Tín
Ảnh: Nhật Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI