Dị tật sinh dục ở bé gái: Dễ nhầm với bệnh phụ khoa

25/08/2014 - 20:30

PNO - PN - Dị tật sinh dục ở bé gái thường được phát hiện muộn hơn so với dị tật sinh dục ở bé trai, hầu hết vào lúc bé bước vào độ tuổi dậy thì. Việc tìm ra bệnh cũng gây không ít phiền toái cho gia đình. Theo PGS-TS-BS Lê Tấn Sơn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đau bụng ở tuổi dậy thì

Năm 13 tuổi, trong khi các bạn cùng lứa đã có kinh nguyệt thì cô bé T.H.Đ. (Q.4, TP.HCM) vẫn... chưa thấy gì. Tuy nhiên, mỗi tháng Đ. lại bị một cơn đau bụng, càng về sau cơn đau càng trầm trọng hơn. Gia đình đưa bé đến một bệnh viện phụ sản điều trị nhưng không khỏi. Tình cờ một bác sĩ quen với gia đình giới thiệu đưa Đ. đến khoa ngoại nhi ở một bệnh viện nhi thì được chẩn đoán Đ. bị một vách ngăn ở âm đạo. Sau một thời gian điều trị, mỗi tháng, Đ. có kinh nguyệt bình thường.

Theo PGS-TS-BS Lê Tấn Sơn, các loại dị tật sinh dục ở bé gái thường là âm đạo có vách ngăn, teo âm đạo, màng trinh không thủng. Sở dĩ những bệnh lý trên đến tuổi dậy thì mới phát hiện vì nó không có biểu hiện ra bên ngoài nên bản thân bé và người nhà không biết để đi khám và điều trị. Chỉ đến khi bé chưa có kinh nguyệt, lại đau bụng âm ỉ theo chu kỳ và cơn đau tăng dần thì gia đình mới đưa đi khám. Tuy nhiên, riêng đối với dị tật màng trinh không thủng, nếu tinh ý, gia đình có thể phát hiện ngay khi bé còn nhỏ. Khi tắm cho bé, nên quan sát, nếu thấy màng trinh phồng nhô ra ngoài như một cái túi thì chắc chắn bé bị dị tật này và phát hiện ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể can thiệp.

Đối với dị tật teo âm đạo, vách ngăn âm đạo thì việc điều trị phức tạp hơn, phụ thuộc vào thương tổn (vách ngăn, đoạn teo) dày hay mỏng. Sau phẫu thuật can thiệp, bé cần được theo dõi và nong thường xuyên. Vì có trường hợp sau phẫu thuật, máu kinh thoát ra được nhưng không thể quan hệ tình dục, hoặc tinh trùng không vào được đến tử cung sẽ ảnh hưởng đến việc sinh sản.

Ngoài ra còn có dị tật tử cung đôi. Bé bị dị tật này đến tuổi dậy thì vẫn có kinh bình thường, tuy nhiên, khi có kinh kèm theo đau bụng và ở mỗi chu kỳ, cơn đau bụng lại tăng lên do tử cung và âm đạo chia làm hai, một bên máu kinh thoát ra được, một bên vẫn ứ lại gây đau bụng.

Vì vậy, khi thấy bé đến tuổi dậy thì vẫn chưa có kinh hoặc có kinh kèm theo những cơn đau bụng dữ dội, tháng này đau hơn tháng trước, gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các bệnh viên nhi để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân về sau.

Di tat sinh duc o be gai: De nham voi benh phu khoa

Nhận biết bất thường qua dòng nước tiểu

Ngoài những dị tật kể trên, bé còn có thể gặp phải những tổn thương lành tính ở bộ phận sinh dục, những dị tật này có thể phát hiện ngay từ lúc bé còn nhỏ.

Sa niêm mạc niệu đạo là niêm mạc niệu đạo bị lộn ngược ra ngoài có hình dạng như chiếc nhẫn. Bệnh này gây chảy máu hay bị chẩn đoán lầm với nguyên nhân khác gây chảy máu âm đạo. Nhiều phụ huynh khi thấy bé bị chảy máu âm đạo lầm tưởng bé bị xâm hại tình dục. Dấu hiệu nhận biết bệnh là chảy máu âm đạo hoặc cửa mình lồi ra một cục thịt dư mà mắt thường có thể quan sát thấy.

Bệnh lý nang ống Gartner là một nang trồi ra từ lòng âm đạo, khi quan sát người nhà có thể nhìn thấy như một cái túi lồi ra ngoài. Ngoài ra còn các loại dị tật như nang cạnh niệu đạo, sa nang niệu quản lạc chỗ.

Dính môi bé là hai môi bé dính nhau ở đường giữa một phần hoặc gần như trọn chiều dài. Đây là dị tật thường gặp nhất trong các loại dị tật. Nhận biết qua triệu chứng về tiết niệu như dòng nước tiểu bất thường, ướt quần sau khi tiểu do nước tiểu đọng lại âm đạo. Việc điều trị đơn giản, tuy nhiên, sau khi được tách dính, bé phải được theo dõi và thường xuyên tách cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ để ngừa bệnh tái phát.

Các loại dị tật này thường gây ra tia nước tiểu không phun thẳng ra trước hoặc xòe ra thành nhiều tia nhỏ.

Vì vậy, khi quan sát bé tiểu, thấy tia nước tiểu chia ra thành nhiều tia nhỏ hay nước tiểu bắn xòa ra xung quanh, hoặc bé có hiện tượng són tiểu, cha mẹ nên đưa bé đi khám ngay, vì đó là dấu hiệu cho thấy bé đang bị mắc một trong các loại dị tật trên. Theo PGS-TS-BS Lê Tấn Sơn, việc điều trị các dạng dị tật này khá đơn giản, tuy nhiên, nên điều trị cho bé trước ba tuổi nhằm tránh ảnh hưởng đến tâm lý của bé về sau.

 LINH GIANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI