Dị tật sinh dục bé trai: Điều trị sớm để tránh vô sinh

22/08/2014 - 20:30

PNO - PN - Dị tật sinh dục là những bất thường về cấu trúc của cơ quan sinh dục, do sự rối loạn quá trình biệt hóa trong thời kỳ bào thai. Phát hiện sớm dị tật sinh dục không chỉ giúp bé giữ được chức năng duy trì giống nòi mà còn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhận biết dị tật: không khó

Theo ThS-BS Phan Tấn Đức (Khoa Niệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2), không khó để cha mẹ có thể phát hiện những dị tật cơ quan sinh dục ngoài ở bé trai. Các dạng dị tật sinh dục ngoài thường gặp là bệnh lý ống bẹn, không có tinh hoàn, lỗ tiểu đóng thấp hoặc cao và cong dương vật bẩm sinh. Những dạng dị tật này có thể quan sát và phát hiện bằng mắt thường.

Đối với dị tật không có tinh hoàn, biểu hiện điển hình nhất là sờ không có tinh hoàn trong bìu. Nếu sờ không thấy tinh hoàn ở trong một hoặc hai bên của bìu, thì đó là dấu hiệu cho thấy trẻ bị tinh hoàn ẩn hoặc tinh hoàn lạc chỗ. Ðôi khi có thể sờ thấy tinh hoàn nằm trong hoặc ngoài ống bẹn nhưng không thể đưa nó vào trong bìu. Việc tinh hoàn nằm không đúng “nơi quy định” nếu để lâu, có thể gây xoắn tinh hoàn, hoặc nhiệt độ của cơ thể làm tổn thương tế bào sinh tinh, dẫn đến vô sinh.

 Để nhận biết dị tật lỗ tiểu đóng thấp hay cong dương vật bẩm sinh, cha mẹ có thể quan sát lúc bé đi tiểu. Nếu thấy nước tiểu bắn xéo qua một bên hoặc nước tiểu xuôi xuống chân thì phải đưa bé đến bệnh viện khám. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng 2 phẫu thuật từ ba đến bốn ca trẻ mắc dị tật này. Ngoài ra, cha mẹ nên lưu ý bề mặt da dương vật. Nếu quan sát thấy hiện tượng dư da mặt lưng, thiếu da mặt bụng hoặc dư nhiều da ở đầu dương vật thì đều là dấu hiệu của loại dị tật này.

 Bên cạnh đó, quan sát bìu của trẻ, nếu thấy bìu to bất thường hoặc khi to khi nhỏ thì đó là dấu hiệu của bệnh lý ống bẹn (thoát vị bẹn, thủy tinh mạc) hoặc bướu tinh hoàn. Sưng vùng bìu kèm đau (nhất là cơn đau xuất hiện vào ban đêm) ở trẻ khi bắt đầu dậy thì là dấu hiệu xoắn tinh hoàn. Cần phải đưa bé đến bệnh viện khám ngay vì thời gian cứu tinh hoàn chỉ trong vòng sáu giờ. Nếu để muộn phải cắt bỏ tinh hoàn.

 Nhiều bậc cha mẹ tỏ ra lo lắng khi thấy trẻ bị hẹp da quy đầu. Thực tế hẹp da quy đầu không được coi là dị tật, có đến 90% trẻ bị hẹp da quy đầu sinh lý sau sinh. Thông thường chỉ can thiệp y tế khi trẻ không tiểu được hoặc tiểu đau, viêm nhiễm. Nhưng nếu bé sinh ra có đầu dương vật ló ra ngoài thì có khả năng là cơ quan sinh dục bị dị tật cần được khám để can thiệp kịp thời.

Di tat sinh duc be trai: Dieu tri som de tranh vo sinh

Điều trị sớm “cứu” cả tâm sinh lý

Lên ba tuổi, trẻ đã nhận biết được giới tính cũng như bộ phận sinh dục của mình. Việc nhận thấy bộ phận sinh dục của mình khác với bạn sẽ tạo cho bé cảm giác mặc cảm. Vì vậy, điều trị sớm cho bé không chỉ tốt về mặt sinh lý mà còn “giải cứu” cả về mặt tâm lý cho bé.

 Về điều trị không có tinh hoàn, nếu sờ thấy tinh hoàn đang ở một vị trí nào đó ngoài bìu thì thời điểm mổ tốt nhất là khi trẻ bước qua sáu tháng tuổi. Phẫu thuật này thường không mất nhiều thời gian, bé có thể xuất viện trong ngày. Trong trường hợp tinh hoàn ẩn sờ không thấy thì chờ bé đủ một tuổi sẽ mổ nội soi tìm tinh hoàn đưa về bìu.

 Cong dương vật bẩm sinh, nếu độ cong không ảnh hưởng đến chức năng thì có thể can thiệp lúc bé hai hoặc ba tuổi. Nhiều người quan niệm không ảnh hưởng đến chức năng thì không cần phẫu thuật. Điều này đúng về mặt sinh lý nhưng về tâm lý thì không ổn, bởi trẻ sẽ mang cảm giác tự ti, mặc cảm về cơ thể của mình và cảm giác đó còn đeo đẳng theo trẻ đến lớn. Đối với bệnh lý lỗ tiểu đóng thấp/cao, cần được điều trị sớm vì nó ảnh hưởng đến việc xuất tinh khi trẻ bước vào tuổi dậy thì.

Theo BS Phan Tấn Đức, dị tật cơ quan sinh dục bên trong thường phức tạp hơn so với dị tật bên ngoài trong việc điều trị. Thông qua siêu âm trước sinh, các loại dị tật bên trong được phát hiện khi trẻ còn trong bụng mẹ và trẻ sẽ được can thiệp ngay sau khi sinh an toàn. Tùy từng loại dị tật có thể sinh thường hoặc sinh mổ chủ động. Vì vậy, trong thời kỳ mang thai, chị em nên đi khám thai định kỳ để được phát hiện và can thiệp sau sinh kịp thời nếu có.

 Ngoài ra, trẻ có thể gặp những tai nạn như té xe, đá banh, súc vật cắn gây tổn thương cơ quan sinh dục. Trong những trường hợp này, dù vết thương không bị trầy xước, ra máu, cha mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám ngay nhằm tránh hậu quả, vì có những chấn thương mắt thường không thể nhìn thấy được như vỡ tinh hoàn do bị đá vào bìu.

“Dị tật cơ quan sinh dục ở trẻ nên được điều trị trước ba tuổi. Giai đoạn này vết mổ mau lành, mức độ thành công cao hơn. Đặc biệt, điều trị sớm còn ổn định được tâm lý cho trẻ. Vì nếu để đến lúc trẻ nhận biết được và có những mặc cảm thì rất khó để đưa trẻ trở về với cuộc sống bình thường”, BS Phan Tấn Đức chia sẻ.

LINH GIANG

Bài 2: Dị tật sinh dục ở bé gái: Dễ nhầm với bệnh phụ khoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI