Đi “tắm rừng”!

26/11/2023 - 07:57

PNO - Thường thì khi đi du lịch, người ta hay bận tâm đến ngắm cảnh đẹp, chụp hình ưng ý, ăn món ngon, mua đồ lưu niệm độc đáo hay sản vật địa phương với giá hời… chứ ít nghe nói đến “tắm rừng”. Đây là khái niệm khá mới, hay được nhắc đến gần đây, mà mỗi khi nhớ, tôi lại tranh thủ đưa trải nghiệm này vào những chuyến đi của mình.

 

 

Nhiều giờ bách bộ trong rừng sẽ đem đến cho bạn một luồng năng lượng tích cực theo cách tự nhiên nhất
Nhiều giờ bách bộ trong rừng sẽ đem đến cho bạn một luồng năng lượng tích cực theo cách tự nhiên nhất

Thí dụ như chuyến đi Đài Loan (Trung Quốc) hơn 10 ngày khá đủ cho tôi khám phá nhiều điều hay ho nhưng tôi lại nhớ và ấn tượng nhất với chuyến đi vườn quốc gia Alishan. 

Tình ca Alishan quyện theo những bước chân

Hành trình đi bộ leo núi Alishan của tôi bắt đầu trong tiết trời lạnh có mưa. Đây đó trên đường đi là những cành đào mỏng manh đung đưa theo gió như đánh dấu giúp tôi từng chặng đã đi. Những con đường gỗ là nét đặc trưng ở Alishan.  Chúng dễ dàng kích thích thêm niềm vui đi bộ và xóa cảm giác đang leo núi khi sự phân bố của các bậc tam cấp theo từng khu vực rất hợp lý.

Alishan rất phù hợp cho những kẻ lữ hành lãng đãng, ưa thả mình vào thiên nhiên trong lành và trầm trồ nhìn ngắm vẻ đẹp trữ tình đậm màu xanh núi rừng. Cảnh rừng Alishan yên bình với những cây cổ thụ đẹp như tranh. Mùi gỗ âm ẩm thoảng ra dễ chịu như một thứ hương liệu rất riêng của rừng, khiến lồng ngực luôn muốn hít vào thật sâu và thở ra thật chậm theo từng bước chân.

Tôi cứ nghĩ mình không may khi gặp mưa nhưng hóa ra đi bộ xuyên rừng Alishan trong làn mưa và mờ sương thật thú vị. Những cây thông, cây bách cao vút và thẳng đứng như thế đã hàng trăm, thậm chí ngàn năm. Thi thoảng có những đoạn suối nhỏ róc rách dưới mấy chân cầu gỗ bắc ngang rừng, quyện giữa chúng là những màn sương khi mờ khi tỏ.

Lối dành riêng cho người đi bộ xuyên rừng khá thoáng đãng và không quá nhiều dốc cao. Con đường rợp bóng thông đưa tôi đến hồ Tỉ Muội, gồm 2 hồ to nhỏ nằm cạnh nhau. Nước mặt hồ chị xanh ngắt, 2 mái tranh như 2 chị em gái nép vào nhau, xung quanh là những hàng cây rủ bóng xuống mặt nước tĩnh lặng. Tôi thấy mình như lạc vào cảnh tiên, nhất là khi ngang qua những cây đào mọc rải rác ven lối đi, bên cây cầu gỗ, nhà mát dọc các triền núi. 

Nhiều giờ bách bộ trong rừng như đem đến cho tôi một luồng năng lượng tích cực theo cách tự nhiên nhất. Khi ấy, tôi chỉ cảm nhận chứ chưa biết rằng mình đã và đang bắt đầu đi theo một xu hướng đang được nhiều người tìm đến: tắm rừng.

Nghệ thuật tắm rừng 


Có một câu nói tiếng Anh tôi từng nghe, rằng “Alishan is the perfect place for forest bathing”, hiểu nôm na: núi Alishan là nơi tuyệt vời nhất để “tắm rừng”. Tôi không hiểu lắm cho đến khi đọc được cuốn sách Shinrin yoku - Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật của bác sĩ Qing Li - một chuyên gia hàng đầu thế giới về liệu pháp tắm rừng. Rồi tôi vỡ lẽ ra hành trình đi Alishan của mình cũng là một cách tắm rừng và nhận ra trong rất nhiều chuyến hành trình xa gần, mình đã vô tình trải nghiệm phương pháp hay ho này.

Với tôi, ấn tượng nhất là khi đến Nhật, nơi xuất phát nghệ thuật tắm rừng. Người Nhật rất yêu rừng. Rừng bao phủ 2/3 diện tích Nhật Bản và đây là một trong những quốc gia xanh nhất thế giới. Có rất nhiều ngôi đền, chùa nằm trong những cánh rừng giữa phố. Không khó để tìm đến những ngôi đền ở Tokyo, Kyoto, Kurashiki, Nara… có cây cổ thụ mọc dày đặc và tỏa bóng mát, đem lại một không gian khác biệt hẳn phố thị bên ngoài, mà khi bước vào, người ta hít căng lồng ngực mà nghe mùi đất, mùi cỏ cây, mùi hoa, mùi lá… Chỉ mấy tiếng đồng hồ đi viếng những ngôi đền, chùa nổi tiếng xứ sở này là bạn đã được tắm rừng. 

Đừng nghĩ chuyện tắm rừng đòi hỏi sự cầu kỳ. Trước tiên, chỉ cần tìm một địa điểm. Không mang điện thoại, máy ảnh theo hoặc nếu có thì hãy để nó nằm yên trong ba lô. Hãy để cơ thể dẫn đường, đi theo cái mũi của bạn một cách thư thả. Hãy tìm một nơi khiến bạn cảm thấy dễ chịu và tràn ngập niềm vui. Các công viên nhiều cây xanh cũng là nơi để chúng ta phục hồi sức khỏe theo tinh thần tắm rừng.

Thiên nhiên cuốn đi hơi thở cũ kỹ và thổi vào chúng ta một sức sống mới. Khi kết nối với rừng qua toàn bộ 5 giác quan là lúc bạn cảm thấy được chữa lành và tiếp thêm sinh lực. Sau mỗi chuyến đi như thế, năng lượng tích cực được tích tụ nhiều để chúng ta có thể tiếp tục những hành trình khác trong cuộc sống.

Lối đi trong rừng
Lối đi trong rừng

Nhiều cơ hội trong mỗi chuyến đi 

Hầu như tour du lịch nào đến Nhật cũng đều đưa khách đến khu rừng tre Sagano. Đây là một trong những địa điểm thanh tịnh và trầm lắng nổi tiếng thế giới. Chỉ cần đi vào sáng sớm hay chiều tối, tránh giờ cao điểm đông khách du lịch là bạn đã có cơ hội thú vị để tắm rừng. Sẽ là lúc bạn được nghe tiếng lao xao, kẽo kẹt, xào xạc thật dễ chịu khi gió thổi xuyên qua rừng tre. Âm thanh của rừng tre Sagano là 1 trong 100 âm thanh đặc trưng của nước Nhật mà Bộ Môi trường Nhật Bản đã chọn thu âm và lưu trữ trong dự án góp phần khắc phục nạn ô nhiễm tiếng ồn. 

Không chỉ với Nhật Bản, nếu để ý, bạn sẽ thấy nhiều tour du lịch ít nhiều cũng dính dáng đến những địa điểm có nhiều cây xanh, là đền, chùa, rừng, núi, vườn quốc gia…, chẳng hạn các tuyến tour phổ thông rất ăn khách với người Việt như Trương Gia Giới hay Thành Đô, Cửu Trại Câu (Trung Quốc)...  

Hơi tiếc khi các khu du lịch sinh thái ở ta không chú trọng lắm đến trải nghiệm cho du khách đi bộ một cách thoải mái nhất trong rừng. Thông thường, những nơi này mải tập trung vào những trò chơi, tiểu cảnh, hoạt động hướng ngoại nhất thời nào đó mà họ cho rằng sẽ tăng thêm sự hấp dẫn. Thật ra, các khu du lịch thác Dray Nur, Dray Sáp (Buôn Ma Thuột), Lang Biang (Lâm Đồng), hồ Thang Hen (Cao Bằng)… hay các vùng còn nhiều cây xanh ở… các khu du lịch, vườn quốc gia tại Lâm Đồng, Tây Nguyên, Bắc Kạn… là những điểm tắm rừng khá lý tưởng. Hoặc không cần đi xa, vườn quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai) với những con đường mòn xuyên rừng cũng thích hợp cho trải nghiệm tắm rừng.

Tắm rừng cũng góp phần nuôi dưỡng tình yêu rừng. Có vậy mới mong sẽ đi kèm những hành động trực tiếp hay gián tiếp để góp phần giữ lấy rừng. Chúng ta đã có khá nhiều nỗ lực trồng rừng nhưng xem ra vẫn không kịp tốc độ… trọc của rừng, của núi. Hiểu được rằng rừng đem đến sức khỏe và sự sống, bạn sẽ muốn chăm sóc và bảo vệ rừng. 

Theo Vụ Dân số Liên hiệp quốc, đến năm 2050, 75% dân số thế giới (ước tính khoảng 9 tỉ người) sẽ sống ở các thành phố, nghĩa là con người sẽ ở trong những khối bê tông nhiều hơn. Tin tốt là chỉ cần đắm mình vào thiên nhiên trong khoảng thời gian ngắn, chúng ta có thể cải thiện được sức khỏe. Nhất là khi liệu pháp tắm rừng có thể thúc đẩy hệ miễn dịch. Thông tin đó chắc rất quan trọng với bạn trong thời gian này, đúng không?

Bạn có thể đến tắm rừng ở các vườn quốc gia nổi tiếng tại Việt Nam như: Cát Tiên, Bù Gia Mập, Yok Đôn, Bạch Mã, Cúc Phương, Ba Bể, Cát Bà… Ngoài ra, những khu vực rừng núi gần phố thị như núi Bà Đen (Tây Ninh), Sơn Trà (Đà Nẵng)… hoặc các công viên lớn, nhiều cây xanh ở Hà Nội, TPHCM như vườn Bách Thảo, công viên Thủ Lệ, công viên Thống Nhất, Thảo Cầm viên, công viên Gia Định… cũng là những sự lựa chọn.

 

Sơn Trà

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI