Đi tắm biển, bị sứa cắn phải làm sao?

26/05/2022 - 06:46

PNO - Sứa biển có nhiều xúc tu với hàng triệu tế bào có chứa chất gây dị ứng, nhiễm độc. Nếu chẳng may bị sứa cắn thì phải sơ cứu như thế nào?

* Bạn đọc Phan Thị Thắm (37 tuổi, ở quận 3, TPHCM) hỏi: Hè sắp tới, gia đình tôi có kế hoạch đi Vũng Tàu tắm biển. Tuy nhiên, tôi khá lo ngại vì biết nhiều trường hợp tắm biển bị sứa cắn. Nếu chẳng may bị sứa cắn, tôi phải sơ cứu cho các con như thế nào?

- Thạc sĩ - bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Bệnh viện Da Liễu TPHCM: Sứa biển có nhiều xúc tu với hàng triệu tế bào có chứa chất gây dị ứng, nhiễm độc. Vì vậy, nếu vô tình chạm vào sứa khi đang bơi, các chất độc này sẽ bám vào da, xâm nhập vào cơ thể người tiếp xúc.

Tùy theo loại sứa có độc chất cao hay thấp, người bị sứa cắn sẽ có những biểu hiện khác nhau. Nếu nhẹ, nạn nhân chỉ có phản ứng ngoài da, nơi tiếp xúc sứa ngứa ngáy, nóng rát, nổi mẩn đỏ, sưng tấy. Nặng hơn, độc tố của sứa có thể làm tổn thương đa cơ quan dẫn đến đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, nôn khan, đau bụng, khó thở, mệt mỏi… thậm chí ngưng thở, hôn mê và tử vong. Đầu tiên, vết cắn chỉ đau, đỏ ửng, phồng rộp, nổi mụn nước, nếu bệnh tiến triển sẽ gây viêm sâu, nhiễm trùng.

Vì vậy, khi đi tắm biển, mọi người không nên chủ quan, đặc biệt với trẻ nhỏ có làn da rất nhạy cảm. Tránh xa khu vực biển được cảnh báo có sứa, cũng như cờ báo hiệu nơi nước sâu nguy hiểm. 

Nếu không may bị sứa cắn, nạn nhân cần phải rời khỏi vùng nước đó ngay lập tức, rửa vết thương bằng nước ấm, thoa thuốc tại chỗ để giảm sưng đau, giảm nguy cơ viêm da tiếp xúc.

Theo dõi vết thương liên tục, nếu phát hiện vị trí tiếp xúc và các vùng da lân cận bị tấy đỏ, sưng, đau nhiều nơi, ngứa ngáy không dứt phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám bởi có thể tua sứa còn sót lại trên vết thương.

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ sơ cứu, điều trị kịp thời. Người bệnh không nên chườm đá, đắp kem đánh răng, chà cát ở bãi biển sẽ dễ gây nhiễm trùng, viêm da lan rộng hơn.

An Nguyên (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI