Tất tả từ sân bay sau chuyến công tác nước ngoài, bà Phạm Thị Huân (thường gọi là bà Ba Huân) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ba Huân - đến thẳng Bệnh viện Thống Nhất, vừa túc trực chăm sóc mẹ suốt đêm, vừa điều hành công việc từ xa. Đó là hình ảnh rõ nét nhất đọng lại trong lòng các chị em, họ hàng về bà Ba Huân, bên cạnh hình ảnh cô thiếu nữ ngược xuôi chèo chống ghe xuồng phụ mẹ mua trứng gia cầm 50-60 năm về trước hay một nữ doanh nhân bước lên đài vinh quang nhận huân chương.
“Buôn bán thì phải thật thà, chớ cho ai lận, chớ mà lận ai”
Sinh năm 1954 trong một gia đình nông dân đông con tại Châu Thành, Long An, bà Ba Huân hài hước tự nhận mình là con nhà nòi của nghề buôn bán trứng. Dù rất ham học, bà phải nghỉ học sớm để phụ ba mẹ giữ em và theo mẹ đi thu mua trứng. Ngay từ khi đọc chữ còn phải ráp vần, viết chưa đúng chính tả, bà nhắm mắt vẫn đoán biết được cái trứng trên tay đến từ vùng miền nào, vỏ dày hay mỏng, lòng đỏ lớn hay nhỏ, đỏ au hay nhạt màu…
Mẹ gánh to, con gánh nhỏ, mẹ truyền dạy cho bà từ cách lựa trứng, bảo quản đến kỹ năng bán hàng. “Buôn bán thì phải thật thà, chớ cho ai lận, chớ mà lận ai” - lời mẹ răn dạy hằng ngày như câu kinh, như điệp khúc ăn sâu vào tiềm thức bà.
 |
Bức ảnh quý của bà Ba Huân (thứ hai từ trái qua) chụp cùng ba mẹ, vợ chồng chị Hai và các em vào năm 1970 - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Thái độ giao tiếp, lời ăn tiếng nói khi buôn bán được mẹ bà “tập huấn” kỹ càng: “Ở đời trăm người bán vạn người mua nhưng con đừng thấy vậy mà chảnh chọe, ngoe nguẩy hoặc bất cần. Mỗi người nông dân, mỗi người khách đến với mình đem cho mình hột cơm, phải tôn trọng, phải chiều khách, phải biết ơn. Mỗi người khách rời bỏ mình lần hồi thì quầy hàng sẽ mất số đông, mà mất số đông là mất nghề”.
Những khi lấy hàng nhiều để đón đầu đợt tết, lễ… nhưng lại bán chậm, bà ngồi ủ rũ bên đống trứng. Mẹ biết ý đã kịp thời động viên. Bấm đốt ngón tay, mẹ nói: “Còn tới 7 cữ chợ nữa, nhiều khi người ta mua trễ, không sao đâu, con đừng lo”. Và quả thật, đống trứng hết vèo ở những cữ chợ cuối. Gia đình bà luôn theo dõi chương trình thời sự trên ti vi, báo đài, nghe ngóng thông tin, dự báo nhu cầu thị trường để chủ động trong việc mua bán.
Chịu khó, lanh lợi, niềm nở, 16 tuổi, bà đã có thể thay mẹ gồng gánh việc buôn bán. Đi làm công nhân ở Công ty Nông sản thực phẩm Kiên Giang, bà được giao việc đúng sở trường - thu mua trứng. Công ty cho phép hưởng 5% hao hụt (trứng bị bể trong quá trình vận chuyển), bà kiếm mối bán, gửi tiền cho mẹ nuôi 6 em ăn học.
Khi công ty giải thể, bà lên TPHCM và đại gia đình của bà gắn bó với mảnh đất này đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Các em, cháu hầu hết phụ giúp bà việc thu mua, lựa trứng, chuyên chở. Ba bà cũng là một trong những tài xế cừ khôi chở hàng liên tỉnh. Gióng gánh rồi xuồng ghe, xe tải rồi đoàn xe tải; trong tỉnh rồi vươn ra Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, TPHCM… và xuất khẩu. Những năm tháng chí thú làm ăn với nghề trứng mang lại cho đại gia đình bà cuộc sống ấm no.
 |
Bà Ba Huân (thứ tư từ phải qua) trong lễ khánh thành nhà máy chế biến trứng gia cầm tại Hà Nội vào năm 2015 - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Cho đi để thấy đời đẹp quá
Công việc đang “nở nồi”, hanh thông thì dịch cúm gia cầm ập đến vào những năm 2000 khiến đại gia đình gặp khó. Trước sự lựa chọn đầu tư để đi tiếp hay tuột dốc, lụi tàn, bà trăn trở rồi quyết định bán gia sản, vay mượn thêm để sang tận Hà Lan mua thiết bị xử lý trứng gia cầm. Quyết định táo bạo, mạo hiểm của bà không chỉ cứu cơ nghiệp gia đình mà còn là một bước ngoặt lớn của trứng Việt truyền thống nói riêng, nông sản Việt nói chung vốn “may nhờ rủi chịu”.
Trong hồ sơ xét tặng danh hiệu Anh hùng Lao động của bà Ba Huân có một khoảng trống xót xa ở phần điền học hàm, học vị do chiến tranh, do gia cảnh khó khăn. Nhưng ở đó cũng có một khoảng đầy vun đáng tự hào về những nỗ lực trong lao động, vượt mọi chướng ngại, vươn lên làm giàu chính đáng và sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Sinh thời, ba mẹ luôn đồng hành với bà những khi khai trương nhà máy hoặc các chương trình từ thiện. 2 cụ vui vẻ, thân mật chuyện trò, động viên các học viên ở trung tâm cai nghiện, rớm nước mắt khi thấy trại chăn nuôi gà do Công ty Ba Huân hỗ trợ xây tại trung tâm được khánh thành. Tham gia trường kỳ chương trình bình ổn giá, ủng hộ đồng bào thiên tai, bệnh nhân nghèo, trao tặng học bổng… luôn là một mệnh lệnh từ trái tim nữ doanh nhân Ba Huân và được đại gia đình bà đồng lòng ủng hộ.
 |
Bà Ba Huân cùng em trai ôm hôn mẹ trong chương trình Thay lời muốn nói của HTV, năm 2014 - Ảnh do nhân vật cung cấp |
“Chúng tôi không thể tăng giá để người nghèo vẫn có trứng ăn”. Người dân thành phố và cả nước cảm kích câu nói đơn sơ và cái khoát tay chắc nịch của bà khi ngành chức năng cho phép tăng giá bán. Đó là giai đoạn tháng 7/2021, khi giá thành nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng vì giãn cách xã hội trong cao điểm dịch bệnh COVID-19.
Trong suốt buổi trò chuyện, ký ức bà nhiều lần trở lại Bệnh viện Thống Nhất. Những ngày cuối đời ở bệnh viện, khi gặp bạn của con gái tới thăm, dù đã rất mệt, mẹ bà vẫn gửi gắm: “Con ráng, đừng bỏ nó nghen con. Tội nghiệp nó ít chữ nghĩa, ráng giúp giùm nó…”.
Khi buồn, khi đuối sức, khi thất vọng, bà nhớ lại ngày xưa, lúc sinh thời, ba mẹ thường gọi “Con giám đốc của tui đâu rồi?” hay “Nữ anh hùng ơi, nữ anh hùng à”… Nhớ, để rồi bà lại nở nụ cười, nhắm mắt, hít một hơi dài và bước tiếp…
Tô Diệu Hiền
(*) (Con cò - Chế Lan Viên)