Sau sự việc đánh rơi trẻ, ngày 18/7, nhân viên BV Phụ sản Hà Nội đã phải dùng biện pháp bế từng bé đi tắm - Ảnh: T. Khuê
Cứ “lót tay” cho yên tâm
Do gia đình có điều kiện nên bác Trà (Q.Hà Đông - TP. Hà Nội) chủ động thuê một phòng dịch vụ riêng tại khu D BV Phụ sản Hà Nội để đón thằng cháu đích tôn. Theo bác Trà, dịch vụ như thế này đã bao gồm tất cả các phí chăm sóc mẹ và em bé. Nhưng vì lo cho cháu, bác Trà cũng không tính toán, nên chi thêm để cho mọi chuyện tốt đẹp hơn. “Mỗi lần có người đến đưa cháu đi tắm, tôi cứ nhanh nhẹn bỏ vào túi áo 50.000đ. Còn làm vệ sinh và chăm sóc vết mổ cho mẹ cháu thì 50.000đ. Thế cho yên tâm hơn thôi chứ cũng không ai đòi hỏi” - bác Trà chia sẻ.
Con dâu bác Trà, chị Hương cho biết, ngoài các chi phí bắt buộc của BV thì còn bồi dưỡng bác sĩ mổ ba triệu đồng, bồi dưỡng ê kíp mổ một triệu đồng. “Những chi phí khi tắm bé, vệ sinh mẹ cũng thêm một chút để yên tâm con được tắm sạch sẽ, mẹ được vệ sinh nhẹ nhàng hơn” - chị Hương nói.
Ở khu A2 BV Phụ sản Hà Nội phòng chật chội, không có máy điều hòa nên ngột ngạt. Chị Hồng Nhung (quê Thanh Hóa) kể, hầu như ai vào đây sinh con đều chuẩn bị sẵn “tiền lẻ”. Thường thì nhân viên y tế sẽ kéo xe đến trước cửa phòng và gọi các mẹ bế con ra xe để đi tắm, hoặc đi từng giường đón bé ra xe. Mỗi xe khoảng năm đến bảy cháu tùy từng phòng. “Tiền lẻ” sẽ được các mẹ, các bà để rất kín đáo trong áo của em bé để khi tắm cởi đồ bé là nhân viên y tế sẽ nhìn thấy. Theo chị Nhung, giờ “giá chung” là từ 30.000-50.000đ, tùy từng gia đình.
“Có phải hôm nào đến giờ tắm các bé đều thức đâu. Hoặc có bé đến giờ đón đi tắm còn đang ăn dở. Hôm đầu tiên vết mổ còn đau tôi chưa kịp đổi “tiền lẻ”, nhân viên y tế vào bế thốc bé đi rồi đặt cái bịch vào xe đẩy. Xót hết cả ruột gan. Hôm sau phải rút kinh nghiệm để “tiền lẻ” vào túi, thì thấy họ nhẹ nhàng lắm” - chị Nhung cho biết.
Chưa kể, nhiều trường hợp phải lo “tiền lẻ” cả chỗ lấy quần áo cho mẹ và bé hay drap, gối muốn thay mới thường xuyên hơn.
Tâm lý người bệnh hay thói quen bác sĩ?
Chị Xuân Phương (khu Vạn Phúc, Hà Đông) đăng ký dịch vụ đẻ thường tại BV Phụ sản Hà Nội trọn gói là 15 triệu đồng nhưng khi tắm bé cũng có thói quen để vào túi áo cho người chăm sóc 50.000đ. “Ai cũng làm thế, mình không làm, con mình được tắm chưa chắc kỹ và sạch bằng con người ta. Cứ làm thế cho yên tâm hơn” - chị Phương nói.
Nhiều người khi khám thai hay nhập viện sinh con cũng gặp cảnh “bất tiện” với nhân viên y tế. Chị Thu Hằng (nhà khu Trung Kính, Hà Nội) nhớ rõ cái ngày nhập viện cấp cứu vì vỡ ối. Vào phòng cấp cứu BV Phụ sản Hà Nội chẳng nhận được sự lo lắng nào từ bác sĩ mà còn bị mắng té tát. “Họ mắng là tại sao gia đình không đăng ký đẻ. Tại sao không biết quan tâm đến việc vỡ ối, rồi lại mắng chủ quan. Vì sinh lần đầu mà lại vỡ ối sớm hơn ngày dự kiến nên gia đình cũng bối rối. Nghe bác sĩ mắng mà em khóc vì tủi thân và lo sợ. Đáng lẽ họ phải động viên, đằng này họ lại nói những lời khó nghe như vậy” - chị Thu Hằng than. Sau đó, gia đình chị lại vẫn phải làm theo thói quen, có tí phong bì để họ tiếp đón nhẹ nhàng hơn.
Tại một hội thảo mới đây bàn về vấn đề y đức, GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, quy tắc ứng xử nâng cao y đức vừa thuộc phạm trù đạo đức vừa thuộc phạm trù pháp luật. Hành vi của người thầy thuốc ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, chỉ có lương tâm và người cùng hành nghề mới có thể kiểm soát được y đức.
Cũng theo GS-TSKH Hùng, với những người đang mang trọng bệnh, đầy lo lắng và đau đớn, “lót tay” bác sĩ, y tá… là để giải quyết nỗi lo lắng của bệnh nhân, điều này có nghĩa là đã có sự mất niềm tin vào chất lượng dịch vụ từ BV. Nếu không đưa thì người nhà của mình bị bỏ mặc, đau đớn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng; nếu không đưa thì mũi tiêm bị đau; bệnh nhân và người nhà bị mắng té tát vì những lý do cỏn con… Không có cách nào tạo niềm tin cho họ ngoài việc phải đút phong bì. Phải có phong bì người nhà mình mới được chăm sóc chu đáo hoặc khỏi mất công chờ đợi. Hầu hết bệnh nhân đều đưa thêm tiền cho nhân viên y tế, từ khâu khám, xét nghiệm, đến lúc mổ, ra viện.
Nhiều người cho rằng, gốc rễ của nạn phong bì chính là sự quá tải ở các BV tuyến trung ương. Khi nhu cầu quá lớn, mà ai cũng muốn được việc mình trước, sẽ sinh ra nạn phong bì. Mặt khác, lương nhân viên y tế còn thấp, trong khi họ phải mất nhiều thời gian đào tạo và công việc chịu sức ép rất lớn. Ngoài ra, còn phải nói tới văn hóa ứng xử với bệnh nhân của y, bác sĩ…
Trúc Khuê
Chịu trách nhiệm sức khỏe 5 năm cho các bé bị rơi Ngày 18/7, BV Phụ sản Hà Nội đã có báo cáo vụ năm trẻ sơ sinh bị rơi khi đi tắm ngày 14/7 với Thành ủy Hà Nội. Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, Sở cũng đã chỉ đạo lãnh đạo BV Phụ sản Hà Nội báo cáo rõ và xem xét hết trách nhiệm liên quan đến sự việc này. Cũng trong ngày 18/7, trả lời qua điện thoại, TS-BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho biết, ngày 18/7, lãnh đạo BV đã quyết định thực hiện theo yêu cầu của người nhà năm bé sơ sinh bị rơi khỏi xe đẩy đi tắm là theo dõi sức khỏe đủ 5 năm thay vì một năm như đã thỏa thuận. Những bệnh lý trong thời gian 5 năm này liên quan đến sự cố ngã từ xe đẩy sẽ được phía BV chi trả chi phí. Cũng theo TS-BS Ánh, hiện sức khỏe năm bé đã ổn định. BV Phụ sản Hà Nội đã đặt làm lại các xe đẩy trẻ đi tắm to hơn và vững hơn loại xe cũ. BV cũng quy định phải có hai người đón bé đi tắm, tránh sự việc đáng tiếc xảy ra như vừa qua. Theo quan sát của PV ngày 18/7 tại BV Phụ sản Hà Nội, nhân viên y tế ở đây bế từng bé đi tắm chứ không dùng xe đẩy như mọi khi. “Vì phải đặt xe vài ba ngày mới có nên chúng tôi chưa có xe đẩy thay thế, nhân viên phải bế các bé ra phòng tắm. Thêm vào đó, chúng tôi sẽ làm lại lối đi đến phòng tắm phẳng hơn” - TS-BS Ánh trao đổi. Trước đó, lúc 9g sáng ngày 14/7 tại BV Phụ sản Hà Nội, điều dưỡng Vân Anh đón năm cháu tại khoa A3, đặt các cháu lên xe đẩy rồi đẩy đi tắm. Tuy nhiên, khi đẩy xe qua đoạn dốc trước cửa phòng số 32, khoa A3 (BV Phụ sản Hà Nội), điều dưỡng bị trượt chân khiến chiếc xe đẩy với năm trẻ sơ sinh nằm trên bị nghiêng đổ, cả năm bé đều bị rơi xuống đất. Sau đó, năm bé này được chuyển sang BV Nhi trung ương theo dõi sức khỏe. |
Trẻ sơ sinh được chăm sóc tại bệnh viện Theo quan sát của phóng viên tại Khoa Sơ sinh, BV Từ Dũ TP.HCM, mỗi bé được nằm riêng biệt trong một cái nôi di động. Các y tá thực hiện việc tắm rửa, thay quần áo cho bé tại mỗi phòng bệnh, chứ không đẩy nôi đến các khu vực vệ sinh. Nôi di động này được thiết kế có bốn bánh xe, khi di chuyển thì mở khóa ra, còn khi đặt cố định thì khóa lại để bánh xe khỏi xê dịch. Chị Lê Thị Kim Hoàng, Điều dưỡng trưởng Khoa Sơ sinh, BV Từ Dũ TP.HCM cho biết, hiện mỗi ngày Khoa Sơ sinh điều trị nội trú cho 300 - 450 trẻ. Các y tá, hộ lý chăm sóc cho các bé như: uống sữa, chăm sóc răng miệng, tắm rửa, vệ sinh… Để thực hiện công việc này, BV luôn tổ chức tập huấn về cách trải chăn drap, ẵm bé khi tắm... cho nhân viên. |