|
Các sản phẩm du lịch hiện đang thiếu món về văn hóa truyền thống |
Nỗi buồn đặc sản văn hóa Sài Gòn
“Nhiều hướng dẫn viên du lịch ở TP.HCM thiếu lòng tự hào và sự trân quý đối với di sản văn hóa của dân tộc. Điều họ quan tâm là khoản hoa hồng của nơi họ dẫn khách đến chứ không phải niềm tự hào giới thiệu được với du khách những tinh hoa, giá trị văn hóa của Việt Nam”.
Ông Huỳnh Anh Tuấn (Giám đốc công ty sân khấu - nghệ thuật Thái Dương) |
Nói đến đặc trưng của văn hóa Sài Gòn - TP.HCM, không thể không nhắc nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) và cải lương. Lạ thay, trong số những sản phẩm du lịch được giới thiệu đến du khách trong những năm gần đây như Lễ hội áo dài, Ngày hội Du lịch, TP.HCM - 100 điều thú vị, du lịch đường thủy… thì ĐCTT, cải lương vẫn cứ đứng bên lề.
Ngay trên website của Sở Du lịch TP.HCM, ở phần khám phá du lịch, cũng không có dòng nào về đặc sản văn hóa ĐCTT, cải lương của TP.HCM, mà chỉ kết nối trong một số chương trình về miền Tây.
|
Hiếm hoi còn chương trình À ố show được giới thiệu cho khách du lịch |
Tháng 7/2006, chương trình cải lương của Nhà hát Trần Hữu Trang ra mắt trong chuỗi xây dựng các sân khấu TP.HCM phục vụ du dịch. Buổi diễn 60 phút gồm phim tư liệu về sự hình thành, phát triển của cải lương Việt Nam và bốn trích đoạn tiêu biểu do các nghệ sĩ trẻ đoạt giải Trần Hữu Trang biểu diễn. Rất tiếc, dự án phải khép lại sau vài suất diễn, vì không phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khách du lịch.
Đến nay, hai điểm diễn nghệ thuật thu hút đông đảo khách quốc tế nhất là Rối nước Rồng Vàng và À ố show, còn ĐCTT, cải lương rất hiếm khi được nhắc đến.
Các hãng du lịch lữ hành than phiền TP.HCM quá ít địa chỉ để du khách trải nghiệm văn hóa du lịch; trong khi đó ĐCTT, cải lương vẫn loay hoay tìm cách tiếp cận khách quốc tế. Từng có hãng lữ hành đề xuất xây dựng một chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ khách du lịch tàu biển dừng chân tại cảng TP.HCM (trong khoảng nửa ngày). Nhưng đề xuất rơi vào lãng quên. Khách vẫn đến và chẳng biết làm gì trong khoảng thời gian ngắn ngủi lưu lại TP.HCM.
Đường ai nấy đi
|
Không gian đờn ca tài tử tại lễ đón nhận bằng của Unesco vinh danh đờn ca tài tử tại hội trường Thống Nhất |
Những người làm cải lương hiện nay không có điều kiện tiếp cận các đối tượng du khách để hiểu nhu cầu, thời gian của khách, để cân đối thời lượng của chương trình. Họ chỉ biết chọn những gì đặc sắc nhất mình có để xây dựng thành chương trình và… bị các hàng lữ hành chê không phù hợp mà cũng chẳng biết phải sửa ra sao.
Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều khẳng định, đa số khách quốc tế đến TP.HCM đều mong muốn có những trải nghiệm văn hóa đặc sắc. Nhưng đó là cái gì? Nếu có sự phối hợp giữa đơn vị du lịch và văn hóa trong việc khảo sát nhu cầu của khách, để cùng thiết kế và xây dựng một sản phẩm du lịch đặc trưng cho TP.HCM và vùng đất phương Nam, liệu có thể đưa ĐCTT và cải lương đến với khách quốc tế?
Trong thập niên 1990, Saigontourist từng thành công với sản phẩm du lịch là văn hóa truyền thống, biểu diễn định kỳ tại Khu du lịch Bình Quới 2.
|
Đờn ca tài tử chưa được giới thiệu đến các khách du lịch |
Nhiều ý kiến cho rằng, chương trình của Saigontourist thành công do có sự phối hợp giữa một biên đạo múa rất am hiểu về múa dân gian là NSND Thái Ly và đạo diễn Phạm Thu Nga - người có nhiều năm làm ở phòng nghiệp vụ du lịch, am hiểu về phát triển sản phẩm văn hóa du lịch dựa trên nhu cầu thưởng thức của du khách.
Ngoài ra, Saigontourist đã chủ động đưa biểu diễn nghệ thuật vào chương trình tour trọn gói khi “chào hàng” với khách. Chính nhóm khán giả này đã góp phần quảng bá chương trình, nên nhiều nhóm du khách không đi tour của Saigontourist cũng tìm đến mua vé xem biểu diễn.
|
Các giá trị văn hóa truyền thống chưa được đưa vào khai thác tốt với khách du lịch |
Thực ra, việc đưa chương trình biểu diễn nghệ thuật vào tour trọn gói không phải là cách làm mới mẻ. Ở TP.HCM, À ố show và Rối nước Rồng Vàng đã kết nối với các hãng lữ hành và thành công; còn ĐCTT, cải lương thì bặt tiếng.
Có người bảo, khó đưa nghệ thuật truyền thống Việt Nam thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, do TP.HCM có quá ít nhà hát đủ chuẩn phục vụ khách quốc tế. Đúng, nhưng không phải là tất cả. Với đặc thù của ĐCTT, cải lương, không nhất thiết phải có một không gian “hộp” sang trọng. Sự mộc mạc của loại hình nghệ thuật này, tài năng của tài tử, nghệ sĩ là điểm nhấn khác biệt mà du khách không thể tìm được ở những nhà hát, sân khấu biểu diễn sang trọng khác.
Tận dụng lợi thế sông nước, có cái bắt tay giữa văn hóa và du lịch, bằng tình yêu và niềm tự hào dành cho vốn quý của dân tộc thì việc mở cánh cửa cho di sản văn hóa của nhân loại tiếp cận với “nhân loại” không phải là điều bất khả.
Thảo Vân