Ứng xử có văn hoá với di sản
Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng Unesco tại Việt Nam tâm đắc với câu nói của vị đại sứ người Ý: “Hà Nội hay TP.HCM mà mất đi những công trình văn hoá lịch sử thì giống con người mất đi trí nhớ”. Và rằng tại TP.HCM, nơi tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước, tốc độ mất dần ký ức của thành phố này cũng nhanh không kém.
Nói như thế để thấy tại TP.HCM, những thực tế đáng buồn trong việc bảo tồn di sản đã tồn tại trong nhiều năm qua giờ đây vẫn không thay đổi, thậm chí tốc độ biến chất hoặc biến mất còn nhanh hơn gấp bội.
|
Khoảng sân trước nhà cổ của học giả Vương Hồng Sển được trưng dụng làm quán ốc |
|
Nhiều chi tiết trong ngôi nhà được thay đổi để phù hợp với mục đích sử dụng |
Rất lâu sau khi báo chí lên tiếng về việc nhà cổ của cố học giả Vương Hồng Sển đang thoi thóp, cho đến nay, khuôn viên ngôi nhà đã thành quán ốc lớn tại số 11, đường Nguyễn Thiện Thuật, quận Bình Thạnh.
Vân Đường phủ - tên gọi của ngôi nhà được đặt theo bút hiệu của cụ Vương giờ đây bị xâm lấn nghiêm trọng. Phần sân 2 bên bị can thiệp để xây dựng công trình nhà ở, phía trước được dựng hàng rào. Một người đi đường bình thường nếu không tìm hiểu khó biết được đây là công trình từng được công nhận là "di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống".
|
Nhiều hoa văn được chạm trổ trên cột gỗ |
|
Hoa văn độc đáo trên mái ngói |
|
Bên trong nhà cổ Vương Hồng Sển hiện tại |
Ngôi mộ song táng Bình Thành bá Thượng thư Bộ Hộ Trương Minh Giảng cùng phu nhân và ngôi mộ của Thành Tín hầu Thượng thư Bộ Lễ Trương Minh Thành (cha ruột Trương Minh Giảng) tại con hẻm 102 trên đường Lý Thường Kiệt, quận Gò Vấp bao lâu nay vẫn đang hoang phế.
Hiện tại, nếu người dân muốn vào đền thờ Trương gia từ - khu mộ phần của Trương Minh Giảng và vợ phải có giấy giới thiệu của phường 7, quận Gò Vấp. Ông Trương Văn Tư (84 tuổi) cháu đời thứ 7 của Bình Thành bá Thượng thư bộ Hộ Trương Minh Giảng, người đang trông coi nhà từ đường nói ông không tiếp người lạ, cũng không được quyền quản lý khu mộ của dòng tộc.
|
Đền thờ Trương gia từ luôn khoá cổng, người dân muốn vào phải có giấy giới thiệu của phường |
Mộ phần của Trương Minh Giảng và cha mình nằm cách nhau vài chục mét. Nếu khu mộ của Trương Minh Giảng cần phải có giấy giới thiệu để vào thì phần mộ của Trương Minh Thành và vợ nằm trơ ngoài con hẻm. Khu mộ của Trương Minh Thành đang trở thành điểm tập kết rác của người dân tại đây.
Không chỉ những di tích còn đang mập mờ chờ ngày xếp hạng, đến những địa danh đã được công nhận, việc ứng xử với di sản vẫn là câu chuyện đáng bàn.
“Nếu nói về ứng xử với di sản thì trước hết phải nhắc đến những di sản danh chính ngôn thuận được công nhận. Trong đó, chỉ có một số di tích cách mạng hoặc di tích kiến trúc nghệ thuật có liên quan tới cách mạng như Dinh Thống Nhất mới được quan tâm. Nhưng, với di tích được quan tâm nhất thì cách ứng xử cũng chưa trọn vẹn. Điều đau lòng với tôi là 2 di tích khảo cổ của TP.HCM gồm: lò gốm cổ Hưng Lợi (quận 8) và Giồng Cá Vồ (Cần Giờ) đến bây giờ, không ai còn biết đó là 2 di tích quan trọng của thành phố. Chưa nói đến những di tích trong nhà dân, để bảo tồn, gìn giữ còn khó hơn nữa”, Thạc sĩ Lê Tú Cẩm – Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá TP.HCM cho biết.
|
Dọc con hẻm 102 Lý Thường Kiệt nếu hỏi về mộ phần Trương Minh Giảng và Trương Minh Thành không nhiều người biết, họ chỉ biết ở vị trí đó có ngôi mộ còn thờ ai thì không rõ |
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM lấy làm tiếc khi di tích khảo cổ lò gốm Hưng Lợi do bà chỉ đạo khai quật giờ đây bị san lấp hoàn toàn. “Lò gốm Hưng Lợi là một trong 2 di tích khảo cổ lớn tại TP.HCM được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia nhưng cho đến nay đã bị san lấp, nếu muốn trở lại nguyên trạng phải tiến hành quá trình khảo cổ lại từ đầu. Công tác bảo vệ di tích, bảo vệ di sản đã ở đâu khi di tích khảo cổ quan trọng như vậy xuống cấp?”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nói.
Bảo vệ di sản: Khó hơn lên trời
Tại Hội thảo Khoa học Phát triển Du lịch Di sản Văn hoá trên địa bàn TP.HCM vào 22/11, các diễn giả đều chỉ ra tầm quan trọng của việc phát triển đi đôi giữa văn hoá di sản và du lịch nhưng giải pháp chung là gì? Chính sách quy hoạch cụ thể ra sao? vẫn phải… đợi.
|
Đình Thông Tây Hội sau thời gian xuống cấp trầm trọng đã được tu bổ. Trong hình là công trình Nhà hội sở. |
“TP.HCM hiện đang có 172 di tích đã xếp hạng và 100 địa điểm khác đang trong quá trình lập hồ sơ, chờ xét. Thật đáng buồn để nói thời gian qua, nhiều di tích tại TP.HCM bị xâm hại một cách nghiêm trọng, đơn cử di tích chùa cổ Giác Lâm và lò gốm cổ Hưng Lợi. Đây là 2 trong nhiều di tích bị xâm hại và gặp nhiều khó khăn để quản lý, bảo vệ khỏi can thiệp từ bên ngoài. Trong thời gian tới, cần sự phối hợp của nhiều bên và các lãnh đạo từng quận, huyện trên địa bàn thành phố để cùng có giải pháp quyết liệt”, ông Huỳnh Thanh Nhân – Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM chia sẻ.
|
Đình Thông Tây Hội hơn 300 năm tồn tại đã trải qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa |
|
Mỗi năm, đình Thông Tây Hội thu hút khách vào dịp Tết - Lễ hội Kỳ Yên |
Sao phải là “trong thời gian tới” mà không phải ngay bây giờ ? ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết công tác đầu tư, bảo tồn di sản còn lắm nhiêu khê không thể nói là làm ngay được. Di sản hiện tại đang thoi thóp còn chính sách cụ thể vẫn trong thì tương lai thì đương nhiên, nguy cơ chúng có thể biến mất bất cứ lúc nào.
Ngôi biệt thự cổ mang đặc trưng của kiến trúc Pháp số 237 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh đã được lệnh tháo dỡ hoàn toàn vào 25/10 vừa qua. Trước đó 2 năm, ngôi biệt thự này vẫn đang nằm trong vòng xét xếp loại biệt thự cổ dù đã hơn 100 năm tồn tại. Đến lúc bị phá dỡ, căn biệt thự này mới kịp thời được UBND TP.HCM xếp vào nhóm 3 - "biệt thự không phải bảo tồn, gia chủ được tiếp tục thi công" như một cách hợp thức hoá vì căn biệt thự đã được gia chủ tháo dở dỡ dang.
|
Một góc biệt thự cổ số 237 Nơ Trang Long |
Không chỉ căn biệt thự cổ tại số 237, theo bà Lê Tú Cẩm, TP.HCM hiện đang có hơn 100 căn biệt thự xuống cấp cần được sửa chữa nhưng quá trình xin giấy phép từ Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM quá lâu, nhiều chủ sở hữu tự động tháo dỡ.
“Nhiều căn biệt thự quý giá, tuổi đời hàng trăm năm bị xẻ đôi, một bên là biệt thự cổ, một bên là công trình mới nhìn thấy rất đau lòng. Ở những di tích cha truyền con nối thì cầu mong những đứa con sinh sau cố gắng chèo chống để giữ lại kiến trúc của cha ông mình. Nhóm di tích này rất nhiều và đang nằm ngoài tầm quản lý, mức đầu tư”, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá TP.HCM khẳng định.
|
Ngôi mộ của học giả Trương Minh Ký hoang phế. Ảnh: Du Nguyên |
Di sản tại TP.HCM đụng đâu cũng thấy có vấn đề trong công tác quản lý, trùng tu, bảo vệ. Nguyên nhân theo bà Lê Tú Cẩm là do ý thức và khả năng tài chính kém. Di sản không thể tồn tại nếu không có sự quan tâm đúng mực từ nhiều nguồn lực. Ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết con số đầu tư bảo tồn cho khối di sản văn hoá trong năm 2019 của TP.HCM là 700 tỷ đồng. Đây là mức đầu tư cao nhưng đầu tư cao không đồng nghĩa với hiệu quả cao, nếu không được sử dụng đúng.
Bàn về di sản TP.HCM trong bối cảnh muốn đẩy mạnh khai thác du lịch di sản là câu chuyện mới mà không mới vì đã qua nhiều hội thảo, vẫn chưa có đường hướng cụ thể cho cách làm.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam nhận định sự tồn tại của di sản phụ thuộc vào quy hoạch phát triển. Trong các ý tưởng phát triển du lịch phải đưa di sản vào một góc quan trọng và khó khăn lớn nhất của TP.HCM là tốc độ phát triển quá nhanh nên đôi khi, chúng ta không có cái nhìn thấu đáo về mọi mặt. Tốc độ nhanh là tín hiệu vui nhưng nhanh quá là nguy cơ cho thành phố nếu không có chính sách quy hoạch, phát triển bền vững.
|
Một góc chùa cổ Giác Lâm tại số 565 đường Lạc Long Quân, quận Tân Bìn |
|
Phần mái của chùa Giác Lâm được xây dựng công phu |
|
Hoa văn trên ngói luôn là điểm nhấn của các kiến trúc cổ |
“Có tội với tiền nhân, có lỗi với thế hệ tương lai!”, PGS.TS Đặng Văn Bài cảm thán trước câu hỏi về sự phát triển đồng bộ của TP.HCM dẫn đến nhiều công trình di tích bị xoá sổ.
Một thành phố không có ký ức là điều không một công dân nào mong muốn nhưng trong nhịp phát triển hiện tại của TP.HCM, có hay không sự thoả hiệp dễ dàng, đầu hàng nhanh chóng trong công tác bảo tồn di sản và định hướng phát triển của thành phố? Càng nhiều công trình hiện đại được mọc lên, càng nhiều di sản bị quên lãng và đến một mức độ, di sản sẽ còn bề nổi với các công trình nổi tiếng được nhắc đến. Trong khi lớp trầm tích ngầm, nằm ở những công trình bị quên lãng lại là phần làm nên diện mạo di sản của TP.HCM.
Bài toán cân bằng giữa bảo tồn và phát triển chỉ khó ở tầm nhìn ngắn hạn, trong tầm nhìn dài hạn, bảo tồn không hề mâu thuẫn với phát triển. Nếu lấy ví dụ Dinh Thượng Thơ, dù không phải là di sản được Unesco công nhận nhưng về phía văn phòng Unesco nhận thấy đây là công trình thực sự có ý nghĩa với TP.HCM.
Ở những lập luận muốn phá dỡ công trình này, họ đều nói đến lợi ích kinh tế và đưa lên bàn cân để xem cái nào có lợi hơn. Nhưng ở tầm nhìn phát triển bền vững thì việc đánh giá bất kỳ một can thiệp nào đều phải dựa trên 3 tiêu chí về kinh tế, môi trường, xã hội chứ không thể chỉ đề cập kinh tế.
Trước khi xây mới chúng ta phải biết mình đang có gì quý để giữ lại. Những lỗ hổng của hệ thống như chúng tôi quan sát, là vấn đề quy hoạch bảo tồn của thành phố chưa rõ ràng nên trong tình huống này, với tốc độ phát triển nhanh và mạnh của TP.HCM thì những mâu thuẫn như thế này sẽ tiếp tục xảy ra. Do đó, thành phố nên quan tâm đúng mức đến quy hoạch bảo tồn. Khi xác định được những khu vực cần bảo tồn thì phải chỉ ra được những không gian phù hợp cho phát triển mới để tránh mâu thuẫn.
Bà Phạm Thị Thanh Hường
Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng Unesco tại Việt Nam
|
Bài, ảnh: Diễm Mi