Di sản không tên

15/02/2018 - 21:00

PNO - Hơn bốn mươi năm rồi, câu chuyện về sự hòa hợp, hòa giải dân tộc vẫn đang được viết tiếp bằng chính những điều giản dị, những con người nhỏ bé... như thế!

Những ngày tháng Bảy năm rồi, tôi lại về Hàng Dương, Côn Đảo. Trời chiều không một gợn mây, bàng bạc màu của khói, như thể là đóa trầm xông cho cả mảnh đất thiêng. Bạn tôi bảo, đến Côn Đảo, nhớ bước thật nhẹ, thật êm, bởi ở trong ấy không chỉ là đất. 

Tôi đi qua dãy nhà G, nhà F ngày ấy. Những cánh cửa sắt nặng, những bờ tường dày; không tưởng tượng nổi cái âm thanh tanh tách của bảng morse được gõ lên để những tù nhân chính trị liên lạc, truyền đạt chỉ thị, cổ vũ tinh thần chiến đấu. Và cả cái chết của một ai đó sau màn tra tấn khuya qua. 

Ông đã ở đây, chín năm trời. Vợ ông cũng được “cấp hộ khẩu” 5 năm ở Chuồng Cọp. May mà còn sống sót trở về. Ở đâu thì cũng có người tốt kẻ xấu cả thôi con, ông bảo. Đấy, dãy nhà này là nơi một vị bác sĩ người Huế, mỗi lần anh em tù bệnh, ổng toàn kê toa thiệt nặng, kèm thêm thuốc bổ để có cớ cho anh em nghỉ lấy sức, trữ thuốc, cầm giữ được mạng sống.

Di san khong ten
Bà quả phụ Phan Thị Ngoan cùng con trai về thăm lại chốn xưa. Ảnh: Q. Thành

Có ông là tướng cướp, bị đưa ra đây, nhốt chung với tù chính trị, đâu chừng một hai năm sau, “tù hình sự” cũng thành “tù chính trị” luôn, ổng chiến đấu cũng ác chiến lắm à nghen! Giờ ổng ở bên Nhà Bè, mấy hôm nữa anh em đồng chí lại gặp nhau. 

Ở phía bên kia, có một người tốt, đâu những năm 1972 - 1973, ông từng quản tù ở trại Phú Hải, Phú Bình. Ông thường ngó lơ cho anh em tù chính trị có thời gian ra ngoài nhiều hơn, hít thở chút khí trời. Ông từng nói với vợ con, cuộc chiến nào cũng thế, đều đẩy con người về hai phía đối nghịch, chứ ai nào muốn giết hại nhau. Sau cái đêm giải phóng Côn Đảo, ông đã không kịp trở về với vợ con. 

Hơn bốn mươi năm, ngay cái buổi chiều tôi vừa về lại Sài Gòn thì nhận được điện thoại con trai út của ông, anh nói như khóc, như reo trong máy, má anh tìm được cha anh rồi, ông nằm chung cùng bè bạn, chỗ ông nghỉ yên tĩnh, đàng hoàng lắm! 

Lẽ nào…

Ngày lang thang quanh đảo, tôi đã đi ngang qua đấy. Một vách biển là khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất Six senses, nghe đâu năm trước, nhà đầu tư mở rộng khu vực khai thác, đang đào thì gặp phải một nấm mồ, họ ngưng lại mọi việc. Cùng với chính quyền huyện đảo, nghi thức cúng bái được tiến hành, sau đó di dời vào khu vực phía bên trong con đường chính, xây thành khu mộ dài, hoa và hương khói đều đặn.

Bốn mươi năm kiếm tìm và hy vọng, ngày các con đưa bà ngồi 19 tiếng đồng hồ máy bay từ Mỹ về, đi thẳng ra Côn Đảo, đến ngôi mộ chồng và các anh em của chồng, bà bật khóc trong niềm hạnh ngộ mà bà tin rằng, ông đã được… về nhà. 

Di san khong ten

Đường vào mộ chí, hoa sim nở tím rịm. Bà không nỡ ngắt mà nhờ đứa cháu chụp bằng iPhone, chụp đủ góc cạnh ngôi mộ dài, tinh tươm để mang về Mỹ, nhìn ngắm mỗi ngày. Bà mãn nguyện nói với cháu con, vậy là má đã tìm được cha tụi con rồi. Lòng má thanh thản. Má chỉ biết nói cảm ơn, cảm ơn cái nắng mưa bao mùa mà vẫn không làm trôi đi phần mộ cốt; cảm ơn lòng người biết giữ lại một cách tử tế để má con mình còn có cơ may tìm lại. Đừng mang theo bất cứ sự oán giận nào cả, nghe không. 

Tôi cúi đầu trước mẹ của bạn mình, ca sĩ Quang Thành. Giờ tôi hiểu, vì sao trong mọi chương trình ca hát mà anh dự phần như một cuộc rong chơi, Thành luôn chọn bài Ca dao Mẹ, để anh ngân nga: Mẹ ngồi ru con, mây qua đầu ghềnh, lạy trời mưa tuôn, lạy trời mưa tuôn, cho đất sợi mềm, hạt mầm vun lên… mẹ ngồi ru con (Trịnh Công Sơn).

Trên chuyến tàu KN-290 ra thăm Trường Sa, khi ghé lên đảo chìm Tốc Tan A, tôi có dịp ngồi cạnh bà, ni sư Tín Liên. Phía trong kia, ca sĩ Phương Thanh, Nguyễn Phi Hùng, Y Jang Tuyn… đang rộn ràng ca hát cùng chiến sĩ, bà ngồi ngoài này, giữa nắng và gió biển. Lặng thinh. Mỗi pháp tu chỉ là cách để đạt đến sự chân như của đạo.

Di san khong ten

Pháp của bà, theo sư phụ truyền dạy thì khắc chế những phương tiện văn nghệ, cốt là để chuyên tâm mà hành trì chánh niệm. Nhưng trên hải trình này, giữa muôn trùng sóng biển, tiếng hát lời ca có khi lại là bước chân sen của Tất Đạt Đa, đạo không nở từ đâu xa, từ ngay trong chính tình yêu thương chân thật nhất của đồng loại với đồng loại. Mà có khi, cả ngàn bài thuyết pháp, chắc gì trực diện chân tâm bằng những giai điệu, giữa biển khơi đầy hiểm nguy như thế này, bà nói. 

Và cũng chỉ khi đứng trước biển, những tăng ni, linh mục, mục sư, tất thảy đều thành kính cầu nguyện cho những linh hồn đã ngã xuống nơi đây. Họ cũng từ các vùng Tuy Hòa, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh… ra tới Thuyền Chài, Tốc Tan, An Bang rồi nằm lại vĩnh viễn.

Mảnh đất này, có một di sản không tên, mà không một ai đủ quyền năng để trao cho nó, chỉ đủ lương tri và chức trách để ghi nhớ, để biết ơn, để lưu truyền muôn đời, đó là sự hy sinh của cả dân tộc để giữ gìn một dân tộc. 

Tiếng kinh cầu nối tiếp bằng lời quốc ca thiêng liêng vọng lên giữa hồi đại hồng chung từ ngôi chùa Trường Sa một buổi sáng tháng Tư trên đảo Trường Sa Lớn, “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước…” tôi chưa bao giờ thấy xúc động hơn thế, đạo pháp thẳm sâu trong lòng dân tộc. Chỉ có nơi ấy, mới đủ rộng lớn, bao dung, khoan hòa mà chứa đựng, mà cưu mang, mà dẫn dắt mọi sự ra đi, mọi lối trở về, chưa bao giờ muộn, cũng không là sớm. 

Như cái cách bà lần đầu tiên được hát trở lại tại Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh. Đêm ấy, tại khách sạn Equatorial, bà đi từ dưới hàng ghế khán giả bước lên sân khấu, chính xác là từ trong lòng công chúng, bà bước ra vùng ánh sáng, cất câu hát quen thuộc: Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động. Làm sao em biết bia đá không đau… Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng. Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau (Trịnh Công Sơn)…

Sỏi đá cần nhau như bà cần được hát. Nhạc ông Sơn là lối đi, là lối về. Về để hát giữa Huế, quê ông Sơn; hát giữa Hà Nội, quê bà; hát tại Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, nơi tiếng hát của bà bay qua cả một trời tuổi trẻ. Đâu đâu cũng là Việt Nam mình, bà nói thế, để một mai, khi mắt mờ, chân yếu, ngồi một chỗ nào đó trong nhà dưỡng lão, mở cuốn album, bật cái ti vi, thấy tiếng hát mình đi qua những vùng miền, đi qua những con người, biết là mình đã sống một cuộc đời không vô vị.

Di san khong ten
Sỏi đá cần nhau như bà cần được hát

Có một ca khúc, không cần đàn cần trống, chỉ cần một lời đề nghị “hát một bài cho nghe” thì trong khán phòng sang trọng hay giữa sân bãi ngoài trời, hoặc có khi ngay bên giường những đứa trẻ khuyết tật, cụ già neo đơn, bà ngay tức khắc sẽ cất giọng: Em đi qua chuyến đò ôi a… trăng nay đã già. Trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra. Em đi qua chuyến đò lắng nghe con sông nằm kể. Trăng ơi trăng rất tệ mày đi nhớ chóng về… (Trịnh Công Sơn).

Bà nương theo sông nước, cậy lời dặn của trăng “mày đi nhớ chóng về”, ở tuổi 73! Có hề gì, bởi rốt cùng, “tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời”, tan trong vòng tròn sinh tử, tan trong tự tình quê hương một cái tên Mai - cha mẹ cho; và Khánh Ly - công chúng tặng, muôn đời và nhỏ bé trong lời ru của đất mẹ Việt Nam. 

...

Lang thang trên thế giới mạng, tôi tình cờ đọc thấy một dòng trạng thái viết ngày 27/7/2017 của cô gái trẻ có nickname Nguyễn Quỳnh Jenny, đang sống và học tập tại Columbia, bang Maryland, Hoa Kỳ: 

Năm tôi 18, tôi đến nơi mọi người gọi là “giấc mơ Mỹ”. 

Ai cũng bảo ráng học rồi kiếm đường ở lại, duy chỉ có ngoại nói, “nhà mình ở đây, con gắng học rồi về con ơi”. 

Thiên đường hay “giấc mơ” của bạn có thể tít ở đâu đó. Nhưng với tôi, ngay từ lúc bắt đầu đi để “mở mang đầu óc” thì đã xác định, thiên đường của tôi là sự trở về, bởi đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi bao thế hệ đổ biết bao máu xương, là nơi ông ngoại tôi đã ngã xuống…

Rất tình cờ, một ngày cuối năm 2017, tôi ngồi giữa những người phụ nữ, phía Mỹ có bà Merle Ratner Evelyn; phía Việt Nam có bà Ngô Thị Huệ, tức Bảy Huệ, bà Trương Mỹ Hoa, tức Bảy Thư, bà Trương Mỹ Lệ, tức Tư Liêm cùng một số nữ cựu tù Côn Đảo. Ở tuổi xưa nay hiếm, khi được hỏi về bí quyết trường thọ, người phụ nữ tóc trắng như cước, nở nụ cười đôn hậu nói, là nhờ tù đày đó thôi. Nhờ tinh thần vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, kể cả cái chết để chiến đấu, để hy vọng về một ngày chiến thắng, đất nước được hòa bình, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc. 

Di san khong ten
Bà Merle Ratner Evelyn - đảng viên Đảng cộng sản Mỹ - xúc động trong buổi hội ngộ hai đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam: bà Ngô Thị Huệ và bà Trương Mỹ Hoa

Hồi đó, khi tụi Pháp kêu đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hai án tử, thì tui một án chung thân - bà tiếp dòng ký ức. Tôi ngước nhìn, những cái tên hiện diện trong từng trang sách, nay họ ngồi đây, dung dị, hiền từ, nhỏ bé. Bà Tư Liêm, có chồng là một trong ba cựu tử tù đã “mạng đổi mạng” để cứu cựu tù, phi công John McCain; ngày mang thai con, bà bị tra tấn dã man, sinh con trong tù và tiếp tục chiến đấu…

Bất chợt, bà Bảy Huệ nói nhỏ, gì thì gì, mong đừng bao giờ xảy ra chiến tranh. Khổ lắm con ơi…

Thế hệ tôi và những người sinh ra, lớn lên sau năm 1975, sẽ không bao giờ thấu tận cái tiếng kêu thốt lên từ trong tâm khảm ấy của người đã đi qua bao cuộc chiến chinh, nay đã tròn cái tuổi trăm năm. Nhưng, tôi và bao thế hệ sau, sẽ cần hiểu, phải hiểu và khắc ghi những con người đã sống, đã chết, đã hóa thân cho đất nước này, một ngày được hòa bình, độc lập, tự do.

Mảnh đất này, có một di sản không tên, mà không một ai đủ quyền năng để trao cho nó, chỉ đủ lương tri và chức trách để ghi nhớ, để biết ơn, để lưu truyền muôn đời, đó là sự hy sinh của cả dân tộc để giữ gìn một dân tộc. 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI