Cấp thiết bảo vệ di sản nghe nhìn ở Việt Nam: Bài 2:

Di sản không phải là câu chuyện của sự tự tin

17/05/2022 - 06:38

PNO - Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trao đổi với nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp về di sản nghe nhìn trong lĩnh vực điện ảnh.

Ở nước ta, do chiến tranh cũng như điều kiện lịch sử, bộ sưu tập âm thanh và nghe nhìn quý giá đã thất thoát nhiều. Có những tư liệu giờ không thể tìm thấy nữa. Do vậy, cấp thiết bảo vệ di sản nghe nhìn cũng là bảo vệ một phần còn sót lại của lịch sử dân tộc.

Bài 1: Thiếu một chiến lược tổng thể

 

Từ trái qua:  Đạo diễn  Nguyễn Hoàng Điệp, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm
Từ trái qua:  Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm

 

Phóng viên: Chào ông Lê Hồng Lâm, khi tìm tư liệu để hoàn thành biên khảo Người tình không chân dung, ông có gặp nhiều khó khăn khi công tác lưu trữ ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế? 

Ông Lê Hồng Lâm: Tôi mất gần một năm cho công việc tìm kiếm tư liệu vì thứ nhất, nguồn tư liệu về điện ảnh Sài Gòn trước năm 1975 chỉ tồn tại ở dạng “hạn chế”, phải có giấy giới thiệu để tiếp cận nguồn tư liệu sách, báo hạn chế ở Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM. Nhưng ngay cả khi được tiếp cận nguồn tư liệu này, cũng không đầy đủ, nếu không muốn nói là khá sơ sài, vì công tác lưu trữ ở ta không thực sự tốt. Tôi buộc phải tìm nhiều nguồn lưu trữ cá nhân như bộ sưu tập của các nhà báo, nhà nghiên cứu và giới nghệ sĩ. Sau đó, khi nhận được nguồn tài trợ của Hội đồng Anh, tôi sang Mỹ hơn một tháng để tiếp tục tiếp cận những nghệ sĩ và các nhà văn, nhà báo còn sống ở Mỹ để thêm nhiều nguồn tư liệu khác. Những nguồn tư liệu từ các “nhân chứng sống” này giúp tôi có những thông tin trực quan, chính xác và quý giá để hoàn thành dự án sau gần hai năm thực hiện. 

* Chúng ta có một lịch sử điện ảnh đi sau thế giới, nhưng cũng có những giá trị riêng của nó. Khối di sản đó còn lại đến ngày nay ra sao nếu xét về mặt lưu trữ?
Ông Lê Hồng Lâm: Theo tôi biết thì công tác lưu trữ, bảo tồn, phục chế và số hóa đang được Viện Phim Việt Nam triển khai. Ở Mỹ, thế hệ con cháu của hãng phim Mỹ Vân (một trong những hãng phim lớn nhất của miền Nam trước năm 1975) cũng đang tiến hành phục chế 10 bộ phim tiêu biểu nhất của họ và được lưu trữ vĩnh viễn tại một thư viện lớn tại Mỹ. 

Bà Nguyễn Hoàng Điệp: Công bằng mà nói, ở Việt Nam, công tác lưu trữ bảo quản các cuốn phim ở dạng vật lý (phim nhựa, băng từ...), đặc biệt các cuốn phim nhựa được sản xuất trong giai đoạn bao cấp là tốt và đầy đủ. Nhưng hình như, việc phát huy giá trị của điện ảnh giai đoạn này thì càng ngày càng thấy ít thì phải.

* Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, vì sao vậy?

Bà Nguyễn Hoàng Điệp: Có nhiều lý do, nhưng tôi mạo muội cho rằng lý do khá gốc rễ là chúng ta chưa nhìn nhận điện ảnh như là di sản. Vì thế, cách ứng xử của chúng ta với điện ảnh cũng chưa tương xứng. 

Cuốn biên khảo Người tình không chân dung của tác giả Lê Hồng Lâm khảo cứu điện ảnh miền Nam giai đoạn 1954 - 1975
Cuốn biên khảo "Người tình không chân dung" của tác giả Lê Hồng Lâm khảo cứu điện ảnh miền Nam giai đoạn 1954 - 1975

* Chúng ta có thể tự tin gọi cả một lịch sử ấy là di sản hay không? Hay có cách nào định danh chúng là di sản không?

Ông Lê Hồng Lâm: Dù có được công nhận hay không, với tôi, rõ ràng chúng là di sản. Những tác phẩm này đã phản ánh lịch sử và cuộc sống của người Việt một thời, đã từng có giai đoạn phát triển rực rỡ, có một đời sống riêng, và một số trong đó vẫn tiếp tục được lưu trữ để có một đời sống nối dài của nó cho đến ngày nay. 

Bà Nguyễn Hoàng Điệp: Di sản không phải là câu chuyện của sự tự tin, nói cách khác, một thứ có trở thành di sản hay không thì nó không phụ thuộc lắm vào sự tự tin của chúng ta. Điện ảnh có nhiều ưu điểm và chưa cần đến chúng ta (người Việt hôm nay), thì trong thực tế, công tác lưu trữ, bảo quản và phát huy giá trị của điện ảnh với vai trò như một di sản - đã được tiến hành từ lâu tại nhiều quốc gia. Tất nhiên, tôi không thể chủ quan khi cái gì cũng viện ra mẫu câu quen thuộc: thế giới đã làm thế này, trong khi ta vẫn... 

Tôi đi học về di sản học, thì biết đến khái niệm di sản tư liệu. Khái niệm này phổ biến với ngành di sản trên thế giới, nhưng nó chưa đi vào luật, văn bản liên quan của chúng ta. Thậm chí, chính những người đang hoạt động trong các lĩnh vực liên quan cũng chưa làm quen với cụm từ di sản tư liệu. Nếu muốn ghi danh, định danh di sản, trước tiên bạn phải biết sẽ ghi danh nó ở ô mục nào, và chúng ta có thật sự nhìn nhận đánh giá thứ chúng ta có trong tay tương đương tầm mức của ô mục đó không. Nó khá mạch lạc và... không quá cảm xúc theo kiểu có tự tin hay không. 

Tuy nhiên, tôi thích câu hỏi này, và cá nhân tôi trả lời bạn như một người Việt Nam yêu điện ảnh. Tôi tự tin với sự giàu có của kho tàng di sản tư liệu Việt Nam đang sở hữu, và thực ra đã cực kỳ dày công, tốn kém để xây dựng, giữ gìn. Nhưng tôi không tự tin về vế sau, tức những việc liên quan đến nhận thức, ý thức, chiến lược đầu tư đúng tầm theo kịp sự phát triển của công nghệ, kể cả việc theo đuổi quá trình ghi danh… Muốn gọi nó là di sản, nó mãi là di sản trong lòng chúng ta thôi. Còn nếu muốn có một sự chính danh, thì... cần “lao động” nhiều nữa. 

* Xin cảm ơn. 

Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI