Di sản hiện thực xã hội chủ nghĩa

02/07/2020 - 10:00

PNO - Câu chuyện hai bức tranh tường của cố họa sĩ Trường Sinh vừa được “giải cứu” mới đây ở Hà Nội hé lộ một phần di sản văn nghệ theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, đã từng rực rỡ, rồi tàn lụi trong đường lối văn nghệ ở ta một thời gian dài. Với phần ký ức còn sót lại qua sách vở, văn học, điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc… thái độ của chúng ta ra sao với khối di sản ấy?

Từ bức tranh cổ động cuối cùng của Hà Nội

Hai bức tranh cổ động ngoài trời cỡ lớn của “vua tranh cổ động” Trường Sinh. Một bức gắn gốm mô tả một cô gái trẻ cầm hoa vẫy chào đón khách ở cửa ô Hà Nội, hoàn thành năm 1981; một bức đắp vữa năm nhân vật được tạo hình khỏe khoắn, trẻ trung cổ vũ tinh thần đoàn kết của thanh niên trong các lĩnh vực xã hội, hoàn thành năm 1982. Hai bức tranh đặt ở đoạn cắt Bạch Mai - Minh Khai (Hà Nội), hiện diện cùng ký ức đô thị gần 40 năm qua.

Khi Hà Nội làm đường vành đai 2, một phần bức tranh tường đã bị phá. Phần còn lại cũng đứng trước nguy cơ xóa sổ. Một giảng viên của Đại học kiến trúc Hà Nội đi qua, ngó thấy, “kêu trời” trên facebook, báo chí vào cuộc, các nhà nghiên cứu lên tiếng, dư luận ồn ào. Sau lá thư của ông Martin Rama - giám đốc Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - gửi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thành phố đã đồng ý đề xuất di chuyển phần còn lại của bức tranh tường đặc biệt này về một địa điểm mới để bảo tồn. 

Tranh cổ động của cố họa sĩ Trường Sinh trước đây
Tranh cổ động của cố họa sĩ Trường Sinh trước đây

Đặt hai bức tranh quý trên trong hệ thống di sản văn nghệ theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa (XHCN) một thời, dưới góc độ di sản văn hóa, lại thấy dường như suốt những năm qua, ta đang “bỏ quên” khá nhiều điều. Nếu không quên, có chăng, là những nỗ lực của từng cá nhân, ở những dự án sách, triển lãm riêng, hoặc một phần nội dung trưng bày ở một bảo tàng lịch sử chiến tranh nào đó, chứ chưa được nhìn như một đối tượng riêng biệt - với đầy đủ sắc thái và những biểu hiện đa dạng của nó.

Hiện thực XHCN là phương pháp sáng tác chủ lưu của văn nghệ được khởi đi chính thức từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, kéo dài tới những năm 1980 của thế kỷ trước, đến Nghị quyết Trung ương 5 Đại hội VI của Đảng năm 1987 thì có xu hướng suy yếu dần rồi nhường “vũ đài” cho văn nghệ giai đoạn mới. 

Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, “nền mỹ thuật phôi thai trước cách mạng nay đã trưởng thành, lan rộng khắp cả nước”, “có thành tựu”, “có những đại diện xuất sắc”. Có thể kể ra những cái tên như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái. Ở lĩnh vực âm nhạc, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Lã Nguyên (bút danh của phó giáo sư - tiến sĩ La Khắc Hòa), “âm nhạc hiện thực XHCN đã đưa âm nhạc Việt Nam đạt đến đỉnh cao và độ nhuần nhuyễn nhất”. Hàng loạt tên tuổi trong giới sáng tác lẫn ca sĩ như Phan Huỳnh Điểu, Văn Cao, Nguyễn Văn Thương, Đỗ Nhuận, Hoàng Việt, Lương Ngọc Trác, Trần Khánh; NSƯT Tuyết Thanh, NSND Lê Dung, NSND Trung Kiên... được tôn vinh.

Chung một dòng sông, một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam
Chung một dòng sông, tác phẩm sống mãi với thời gian

Lĩnh vực văn học cũng đạt được nhiều thành tựu ở các thể loại văn xuôi, truyện và ký, thơ, kịch như văn xuôi của Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Kim Lân, Nam Cao; thơ của Hoàng Cầm, Quang Dũng, Chế Lan Viên, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Tố Hữu; kịch của Nguyễn Huy Tưởng… Trong lĩnh vực điện ảnh, vẫn có những tác phẩm sống mãi với thời gian như Chung một dòng sông (đạo diễn: Nguyễn Hồng Nghi, Phạm Kỳ Nam), Vĩ tuyến 17, ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh), Cánh đồng hoang (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến), Bao giờ cho đến tháng Mười (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Biệt động Sài Gòn (đạo diễn Long Vân)… 

Bên cạnh những thành tựu, văn nghệ giai đoạn này, dưới chiếc áo hiện thực XHCN cũng bộc lộ những hạn chế do thời đại chi phối. Tuy nhiên, mới điểm “nháp”, cũng thấy, gần như chúng ta đã có một nền văn nghệ toàn diện… xứng đáng nhìn nhận như một di sản văn hóa. Văn nghệ hiện thực XHCN đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó, trở thành một hiện tượng của lịch sử văn hóa - xã hội. Song, những ảnh hưởng của nó đến văn hóa giai đoạn sau; những tòa nhà, công trình kiến trúc, những tác phẩm mỹ thuật lưu dấu vết một thời, vẫn ẩn tàng đâu đó trong lòng hiện đại.

“Ta không thể nào biết được, lớp văn hóa ấybao giờ sẽ trở lại”

Nhắc đến văn nghệ giai đoạn này, một số người cho rằng đó là thứ văn nghệ tuyên truyền, là công cụ chính trị, ít có giá trị nghệ thuật. Họ bài trừ nó ra khỏi quỹ đạo phát triển của văn hóa. Từ đó, có những ứng xử chưa đúng cũng như thái độ hời hợt với khối di sản này. 

Cánh đồng hoang- một trong những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam
Cánh đồng hoang- một trong những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam

Theo nhà nghiên cứu Lã Nguyên, không có gì thành văn hóa, thành lịch sử mà người ta có thể đưa nó ra khỏi quỹ đạo lịch sử, văn hóa được. Giờ đánh giá lại, có người khen kẻ chê, đó là quyền của người tiếp nhận. Tuy nhiên, khi nó đã lùi xa vào quá khứ, càng nhanh chóng thoát khỏi xu hướng bị chính trị hóa lúc nó ra đời, để trở thành một đối tượng nghiên cứu khách quan, ta lại tìm được ở đó những giá trị văn hóa đích thực, những điều cần suy ngẫm như một nguyên tắc định hướng nhằm giúp văn nghệ phát triển.

Trước đây, vẫn có một quan điểm sai lầm: văn hóa phát triển theo hướng tiệm tiến. Nhưng càng ngày, người ta phát hiện, nó phát triển theo nguyên tắc rễ chùm, chứ không phải rễ cọc. Nó không chỉ đi lên, mà có tiếp biến, có khi không phải tiến, mà lùi. Đời sống văn hóa cực kỳ phức tạp. Xã hội càng phát triển bao nhiêu, những cổ mẫu trong tư duy văn hóa thời xưa càng được huy động mãnh liệt bấy nhiêu. Nhà nghiên cứu Lã Nguyên nhận định: “Cái ở đằng sau, sẽ chìm sâu, cắm rễ rất lâu vào lớp lang, của vô thức, của ý thức đời sống văn hóa. Ta không thể biết được lớp văn hóa ấy bao giờ sẽ trở lại”. Vì thế, cần một thái độ ứng xử nghiêm túc, cẩn trọng, nhất là trước những quyết định dẹp bỏ. 

Vậy liệu hệ thống di sản này, có liên hệ gì tới công nghiệp văn hóa mà ta nhắc đến nhiều thời gian gần đây? Ông Lã Nguyên cho rằng, hoàn toàn có thể khởi nghiệp bằng con đường văn hóa. Chẳng hạn một số nơi trên thế giới, người ta thu tiền vé từ các bảo tàng XHCN. Ở Đức, khi bức tường Berlin sụp đổ, người ta lấy mảnh tường đính kèm trong bưu thiếp để bán với giá rất đắt; ở Trung Quốc, hình ảnh Mao Trạch Đông được in thành huy hiệu, bán cho du khách và trở thành hiện tượng văn hóa… Ở ta, kiếm được tiền từ hệ thống di sản này, có lẽ, không thể không nhắc đến chuỗi cà phê nhượng quyền Cộng. Đó là mô hình rất thành công.

Cuối cùng, vẫn là cách chúng ta ứng xử và đối đãi thế nào với quá khứ. Khi nó là một phần kiến tạo của lịch sử, văn hóa, thì hệ giá trị của nó, được soi tỏ và ứng dụng như thế nào trong đời sống văn hóa đương đại. Hai bức tranh cổ động của Trường Sinh, mà một phần của nó đã bị đập bỏ trước đó; những băng nhựa lưu giữ ký ức điện ảnh Việt Nam trong kho lưu trữ Hãng phim truyện Việt Nam, dù số hóa thì chất lượng vẫn phọt phẹt không xứng tầm phim nhựa hay những ca khúc nhạc đỏ, lâu lắm rồi, người ta không còn nhắc đến… Tất cả sẽ trả lời chúng ta. 

Đậu Dung

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI