Di sản địa phương và những chân dung mờ nhạt

17/07/2019 - 15:19

PNO - Quá trình đô thị hóa, gắn liền với hiện tượng đồng hóa địa phương, đã mài nhẵn những sự khác biệt, tạo ra những khuôn mặt địa phương mờ nhạt mắt, môi.

Về Huế đã làm được một điều lớn hơn cả dự định khiêm tốn ban đầu của nhóm thực hiện nó: gợi ra được giá trị của khối di sản địa phương còn ẩn mình, bị bỏ ngỏ, không chỉ ở Huế, mà trên cả nước.

Một gợi mở về bảo tồn di sản

Về Huế là dự án nghệ thuật đa phương tiện, mang tính cộng đồng, do nhóm kiến trúc sư, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu người Việt Nam và nước ngoài thực hiện, sẽ diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, TP.Huế, từ ngày 20-29/7 tới và dự kiến tổ chức tại TP.HCM vào tháng Tám.

Không chọn kiến trúc cung đình mà người ta thường nhắc khi nói về Huế, cũng không chọn quần thể di tích cố đô Huế đã được xếp hạng, Về Huế tập trung khảo cứu, giới thiệu và trưng bày những di sản kiến trúc địa phương vẫn còn lẩn khuất trong chính không gian đô thị và làng xã, đang dần mai một ở nội đô và vùng phụ cận như Châu Hương viên, biệt thự của Thượng thư Ưng Thông, đình Phú Vĩnh, đình Xuân Dương, miếu Quan Thánh, miếu Đại Càn, đình Giáp Thượng…

Di san dia phuong va  nhung chan dung mo nhat
Lộc Minh đình - nhà riêng của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, tọa lạc trong Châu Hương viên, giờ đổ nát, hoang tàn. Ảnh: Thuận Hoá

Dự án kể một câu chuyện khác về Huế, về những vật thể văn hóa vẫn tồn tại ở mảnh đất này, nhưng đang dần bị lãng quên và hoang phế, bằng cách tạo ra một không gian nhiều lớp, quá khứ - hiện tại - tương lai đan cài, nhằm gợi đối thoại về bảo tồn di sản kiến trúc trong cộng đồng. Triển lãm hướng đến những di sản “sống” trong đời sống văn hóa đô thị (đặt trong tương quan với những di sản bảo tàng, những di sản đã “đông cứng” trong không - thời gian).

Theo kiến trúc sư Nguyễn Yến Phi, người dân thường nhìn nhận di sản kiến trúc như những công trình riêng lẻ chứ không phải là một phần của đô thị, của những câu chuyện về đời sống văn hóa và lịch sử. Thông qua việc nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng của kiến trúc địa phương, nhóm tác giả muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến tạo nơi chốn, mối tương quan giữa kiến trúc và phát triển cộng đồng lẫn sự kết nối giữa lịch sử, văn hóa và kiến trúc nói chung.

Bảo tồn “mẫu gen văn hóa”

Như nhiều quốc gia đang phát triển khác, đô thị hóa đã và đang gây nhiều vấn đề bất cập với không gian sống ở Việt Nam, cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, từ thành phố về nông thôn, đồng bằng về miền núi. Khi danh mục kiểm kê di sản được lập ra dường như cho có, khi chúng ta chưa có nổi bản đồ di sản (dù Luật Di sản văn hóa được ban hành từ năm 2001, tới nay đã gần 20 năm), rất nhiều công trình di sản bị đập bỏ, nhường chỗ cho những dự án mang tên kiến thiết và phát triển. Trong cuộc đập bỏ không nương tay ấy, có cả những di sản đã được xếp hạng. Nhưng có lẽ, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là khối di sản địa phương chưa được xếp hạng. Hiện trạng đó diễn ra ở nông thôn và cả ở thành thị - nơi được xem là trình độ dân trí cao, có hiểu biết về văn hóa.

Nhìn vào xã hội Việt Nam hiện tại, có thể thấy, sự đa dạng văn hóa đang dần thu hẹp khi đặt trong tương quan với các hoạt động phát triển. Rất nhiều xung đột, ngã giá giữa bảo tồn - phát triển đã nổ ra và phần thắng thường nghiêng về phe phát triển.

Di san dia phuong va  nhung chan dung mo nhat
Trưng bày công trình biệt thự của Thượng thư Ưng Thông (Huế)

Lâu nay, di sản thường được nhìn như những điểm lẻ, tiêu biểu, manh mún mà chưa được khai thác trong cái rộng - dài mà nó bao hàm. Nói Về Huế vượt khỏi phạm vi một triển lãm về di sản địa phương thông thường là vì vậy. Bằng việc khảo cứu hệ thống di sản địa phương chưa có danh phận, bị bỏ quên, nó đã mở ra một góc nhìn khoa học, logic, hiện đại, trong việc nhận diện lại giá trị di sản trong bối cảnh mới. Giữa lúc sự đa dạng văn hóa bị đe dọa, chúng ta có những khuôn mặt địa phương nhạt nhòa, thiếu mắt, môi và cá tính, bản sắc, Về Huế là một ý tưởng thú vị cho những tỉnh, thành khác muốn bảo tồn, gìn giữ “mẫu gen văn hóa” của địa phương mình.

Huế đâu chỉ có quần thể di tích cố đô. Huế còn có những di sản nằm lẫn trong nhân gian. Tương tự, nhắc đến Sài Gòn - TP.HCM, đâu chỉ có Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Hội trường Thống Nhất… mà còn có những ngôi biệt thự bỏ hoang, nằm rải rác khắp thành phố, đang chờ ngày bị đập bỏ hoặc ngôi mộ của học giả Trương Minh Ký ở Q.Gò Vấp hoang vắng, tiêu điều, bị cỏ dại che phủ như thể nó cần phải bị lãng quên…

Mang trong lòng chứng tích về quá trình tạo lập và phát triển, di sản địa phương cần được nhìn trong thể thống nhất, toàn vẹn. Đó là điều cần và nên. Thậm chí, với những công trình, vì điều kiện lịch sử - chiến tranh mà không còn nữa, chúng ta cũng không được phép quên, nói gì những di sản “sống” đang còn ngay trước mắt. 

Du Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI