Di sản để lại từ nhà thơ cuối cùng của phong trào Thơ Mới

23/11/2020 - 06:29

PNO - Chỉ với chừng ấy năm, và chỉ với bằng ấy người, họ đã cùng nhau làm nên cả “một thời đại trong thi ca” (chữ dùng của Hoài Thanh). Nguyễn Xuân Sanh - gương mặt văn học cuối cùng của phong trào Thơ Mới (1932-1945) ra đi vào ngày 22/11 đã để lại một khoảng trống lớn về đổi mới thơ ca nói riêng và văn chương Việt Nam nói chung.

Nhắc đến Nguyễn Xuân Sanh, không thể không nhắc đến nhóm Xuân Thu (sau này quen gọi là Xuân Thu nhã tập) - ra đời vào những năm cuối của phong trào Thơ Mới - đang đi vào chỗ nhàm chán, bế tắc, có khuynh hướng “nhai lại” những sáo mòn đã thành công thức của một bộ phận thơ ca lãng mạn đang chìm đắm trong ảnh hưởng của thơ Pháp và thơ Đường.

Sáu con người dưới bóng Xuân Thu, gồm Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Lương Ngọc đã thổi một cơn gió độc, lạ vào văn đàn Việt Nam lúc bấy giờ. Ngay trang đầu tập sách Xuân Thu nhã tập có dòng đề tựa: “Dưới bóng Xuân Thu sẽ thực hiện: trí thức - sáng tạo - đạo đức”. 

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh (1920-2020)
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh (1920-2020)

Xuân Thu chỉ tồn tại trong mấy năm (1942-1945), nhưng để lại một tuyên ngôn rất độc đáo về văn nghệ. Là một nhóm nghệ thuật có tính tổ chức, nhóm có hẳn một nguyên lý sáng tác, một hệ thống quan điểm nghệ thuật riêng, hoạt động trên nhiều thể loại: thơ, văn, tiểu luận, mỹ thuật, âm nhạc… Chủ trương của nhóm là cổ vũ cái mới, phủ nhận và vượt lên cái lỗi thời… Không lặp lại cái tôi của Thơ Mới và chống lại sự ảnh hưởng của phương Tây để ngăn cái họa mất gốc. Muốn tìm về sự trong trẻo và đời sống tự nhiên của con người, và phải có dấu ấn cho riêng dân tộc mình.

Dù thời điểm đó, nhóm Xuân Thu nhã tập không nhận được sự ủng hộ của công chúng, vì người ta cho rằng những sáng tạo đó mang tính bí hiểm, khó hiểu. Nhưng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và những người bạn của mình đã làm được một điều mà lịch sử văn học không thể chối bỏ hay lãng quên. Và khi có một độ lùi về mặt thời gian, đủ tỉnh táo và bình yên, đọc lại các sáng tác của nhóm, có thể thấy rằng, thứ nghệ thuật mà các ông theo đuổi cũng là cái đẹp thuần túy của dân tộc này. Cái họ hướng đến và tìm về là cái đẹp tâm hồn, thoát ly cuộc sống đầy rẫy giả tạo, sáo mòn, lai căng, trở về với cái đẹp của đời thực ở xung quanh mình. Như các ông từng quan điểm, “trong”, “đẹp”, “thật” cũng là cái đạo trong nghệ thuật. Trong bối cảnh đời sống bát nháo lúc đó, nghĩ được, làm được như các ông là điều không hề dễ dàng. 

Đó là một bước tiến rất mạnh mẽ vì tinh thần của văn học là “trên đường”. Nghĩa là luôn cách tân, tìm tòi, khám phá cái mới. Đó cũng là con đường chân chính của sáng tạo thơ ca. 

Trong bài Buồn xưa, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh có một câu thơ rất nổi tiếng là “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”. Trong lúc thiên hạ tìm mọi cách để giải mã nó hoặc khoác lên một chiếc vỏ có vẻ “nguy hiểm”, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh nói đại ý, câu thơ đó thực ra rất giản dị, không có gì ghê gớm hay cao xa. Hóa ra, hằng ngày, cụ thắp hương, thay hoa và bao giờ cũng có trái cây để trên bàn thờ. Bốn mùa đi qua bát hương, đĩa hoa quả đó quanh ngày, quanh tháng quanh năm… 

Là người cuối cùng của phong trào Thơ Mới, sự ra đi của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh cũng khép lại một thời đại trong thi ca lúc bấy giờ, để lại một nỗi buồn, sự luyến tiếc lẫn khoảng trống cho văn chương Việt Nam hôm nay. Một thời đại vinh quang, vĩ đại của thơ ca Việt Nam, mà những người đóng góp vào đó đều để lại một dấu ấn, đều trở thành một tấm gương cho thế hệ sau về lao động và sáng tạo văn chương, nghệ thuật.

Nhắc đến họ, cũng giống như một liều thuốc để khích lệ thế hệ trẻ quyết liệt hơn, sáng tạo hơn nữa. Là người viết thơ, không phải “cố” để cho thật nhiều người đọc, để nổi tiếng, mà để tìm ra giá trị đích thực của thơ ca, của cái đẹp. Tất nhiên, khi lựa chọn con đường thơ như vậy, nhà thơ đã sẵn sàng chấp nhận mọi thách thức mệt mỏi và cô đơn, mà không phải ai cũng chấp nhận được. Nhưng trong sáng tạo nghệ thuật, chỉ khi cô đơn đến tận cùng, mới sáng tạo ra một cái gì đó đáng giá.

Chính thời đại của các ông, nhất là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và nhóm Xuân Thu nhã tập đã để lại một thông điệp về sự không đầu hàng, không khuất phục, và một bài học về sự dấn thân vì văn học dù đã có những lúc, bạn đọc và công chúng chưa “đọc” hết, chưa lắng nghe hết tiếng nói của họ. Đó là một thời người ta làm văn nghệ trong sáng, hồn nhiên, vì văn chương nghệ thuật, chứ không phải vì bất cứ thứ áo mũ nào trang điểm bên ngoài văn chương. 

Nhà thơ Trần Anh Thái

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI