Di sản cổ vật Việt: 'mỏ vàng' treo lơ lửng

28/11/2018 - 20:56

PNO - Thả nổi quản lý cổ vật, cơ quan chức năng đang hạ thấp vai trò của mình trước những vấn đề cổ vật Việt phải đối mặt. Chưa ai biết tương lai di sản cổ vật Việt sẽ thế nào khi người trong cuộc cũng chào thua.

“Mỏ vàng” di sản cổ vật

Triển lãm Nét cũ dấu xưa do Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phối hợp với Hội Cổ vật TP.HCM vừa được khai mạc. Triển lãm trưng bày 130 cổ vật quý, đại diện cho văn hoá – lịch sử nhiều thời kỳ của Việt Nam. Các cổ vật trưng bày được tuyển chọn từ hàng ngàn cổ vật do thành viên Hội Cổ vật TP.HCM sưu tầm.

Clip không gian triển lãm Nét cũ dấu xưa:

Điểm nhấn của triển lãm Nét cũ dấu xưa là bộ sưu tập gốm Cây Mai – dòng gốm nổi tiếng một thời của Nam bộ xưa, gồm các sản phẩm gốm thờ cúng và gốm trang trí. Ngoài ra, nhiều cổ vật như vũ khí, ấn chương (con dấu), đồ dùng uống trà… cũng được các nhà sưu tập gửi đến trưng bày.

Theo ông Nguyễn Văn Quỳnh - Chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM - số lượng cổ vật được trưng bày tại triển lãm rất nhỏ. So với bộ sưu tập của các thành viên trong nhóm, mỗi thành viên có thể mở một cuộc triển lãm cá nhân như thế này mà không cần suy nghĩ. Điều đó có nghĩa, gần 100 thành viên của Hội Cổ vật TP.HCM đều có “vốn liếng” cổ vật rất lớn. Chưa kể, số lượng thành viên của Hội chưa bao gồm tất cả những người có thú chơi sưu tầm đồ cổ trên cả nước.

Di san co vat Viet: 'mo vang' treo lo lung
Triển lãm Nét cũ dấu xưa trưng bày 130 cổ vật.

“Chưa có thống kê nào về số lượng người chơi cổ vật tại Việt Nam. Tôi cũng không thể nắm được con số này vì dù có nói cũng là ý kiến chủ quan của tôi. Tuy nhiên, số lượng anh em sưu tầm cổ vật rất đông. Trong thời buổi cổ vật càng ngày càng có giá, số lượng người chơi tăng lên nhanh chóng và một số coi việc buôn bán đồ cổ từ thú chơi đơn thuần nay trở thành công việc chính”, ông Nguyễn Văn Quỳnh nói.

Không phủ nhận giá trị và số lượng cổ vật đang tồn tại (gồm chưa khai quật và số lượng thuộc sở hữu tư nhân) là vô cùng lớn, nhưng trong thời buổi di sản Việt đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, di sản vật thể - cổ vật cũng không có kết cục nào khác về công tác quản lý, bảo tồn, cấp phép sở hữu cổ vật.

Di san co vat Viet: 'mo vang' treo lo lung
Điểm nhấn của triển lãm - bộ sưu tập gốm Cây Mai.

Trong khi, vì lợi nhuận làm mờ mắt, nhiều trường hợp trộm cắp cổ vật tại chùa chiền, tác động đến các công trình khai quật di tích để “cuỗm” cổ vật, nhiều thương vụ tuồn cổ vật ra nước ngoài… ngày càng tinh vi thì chậm trễ một bước trong công tác quản lý, “mỏ vàng” cổ vật càng bị đe doạ trầm trọng.

Thiếu đội ngũ có trình độ giám định

Tại triển lãm Nét cũ dấu xưa, nhiều cổ vật được đánh dấu hỏi về thông tin niên đại, nguồn gốc. Theo nhân viên bảo tàng, vì mâu thuẫn trong việc xác định niên đại của cổ vật nên nhiều nhà sưu tập, nghiên cứu không đưa ra được thông tin nhất quán cho đồ vật đó.

Di san co vat Viet: 'mo vang' treo lo lung
Gốm Cây Mai được trưng bày gồm gốm trang trí và thờ cúng.

“Lâu nay, giới sưu tầm cổ vật tự thảo luận với nhau và dựa vào kinh nghiệm cá nhân để xác định độ quý của một cổ vật nào đó. Tại Việt Nam không có tổ chức giám định cổ vật. Do đó, mâu thuẫn nhau về thời gian xuất hiện, nguồn gốc cổ vật liên tục xảy ra. Ví dụ như buổi triển lãm này, nhiều cổ vật được chủ sở hữu định mức xuất hiện vào thế kỷ 17 – 18 nhưng bảo tàng lùi sang 19. Chúng tôi không thấy lạ vì đâu có đơn vị giám định nào đứng ra để phân xử. Việc xê dịch vài trăm năm với một cổ vật là bình thường”, chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM khẳng định.

Di san co vat Viet: 'mo vang' treo lo lung
Tượng Tiêu diện đại sĩ thuộc bộ sưu tập gốm Cây Mai

Thiếu một đội ngũ giám định có trình độ kéo theo nhiều hệ luỵ mà những người sưu tầm đồ cổ phải khóc ròng vì bỏ tiền thật nhưng họ không có quyền sở hữu. Hiện tại, cổ vật không được cấp phép sở hữu, cũng không được đăng ký sở hữu vì không có giấy tờ xác thực nguồn gốc, niên đại.

Ông Nguyễn Văn Quỳnh cho biết trong gần 10 năm kể từ khi Hội Cổ vật TP.HCM thành lập, ông cùng các thành viên đã đề đạt lên Sở Văn hoá – Thể thao TP.HCM tổ chức giám định cổ vật cho anh em nhưng rất khó khăn. Bên sở yêu cầu phải cung cấp được nguồn gốc xuất xứ của cổ vật nhưng việc này quá khó vì cổ vật đã sang tay nhiều người.

Di san co vat Viet: 'mo vang' treo lo lung
Ly uống trà với hoa văn rồng bay thuộc thế kỷ 19.

"Cổ vật không có "sổ đỏ" thành ra chúng tôi bỏ tiền mua thật nhưng giống như đang buôn bán lậu. Nếu một ngày nào cơ quan chức năng khám xét và yêu cầu tịch thu cổ vật không rõ nguồn gốc thì chúng tôi mất trắng sao? Quy định chồng chéo, chậm trễ đưa ra chính sách mới của các cơ quan có liên quan tưởng chừng đang siết nhưng hoá ra họ đã thả nổi hoạt động ở mảng di sản cổ vật”, ông Quỳnh cho biết.

Thay đổi khái niệm “chảy máu” cổ vật

“Chảy máu” cổ vật, cụm từ quen thuộc với những nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật khi hơn chục năm qua, tình trạng tuồn cổ vật trái phép sang nước ngoài sau đó lại hồi hương được nhắc đến. Ngay trong chính triển lãm Nét cũ dấu xưa, nhiều cổ vật cũng đã từng chu du như thế.

Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu cổ vật Việt Nam, phải nhìn nhận đúng về khái niệm “chảy máu” di sản bởi vì, nhiều di sản hồi hương nhưng giá trị rất thấp.

Di san co vat Viet: 'mo vang' treo lo lung
Lục lạc thế kỷ 13 - 14 thuộc bộ sưu tập của Nguyễn Hữu Triết.

“Mọi người hay nói đến “chảy máu” cổ vật nhưng họ không biết được giá trị của cổ vật đó đáng giá bao nhiêu. Đôi lúc, một số cổ vật có giá trị thấp, thậm chí có đầy ra ở Việt Nam nhưng tại nước ngoài, giá trị cổ vật của họ khác với ta nên họ ca ngợi, dốc tiền để mua hoặc dốc sức đưa về lại nước sở tại nhưng giá trị cổ vật đó rất thấp”, nhà nghiên cứu – sưu tầm cổ vật Nguyễn Thanh Tuyền nói.

Trước câu hỏi làm sao để ngăn chặn việc cổ vật bị tuồn ra nước ngoài bất chấp giá trị cao hay thấp, chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM cho biết phải mở cửa. Số lượng cổ vật mỗi năm thất thoát sang nước ngoài rất lớn, việc đó đáng ngại hơn vì Luật Di sản Văn hoá đã cấm buôn bán cổ vật sang nước ngoài.

Nên chăng, theo ông Quỳnh phải mở cửa và quy định chặt chẽ như thế nào là cổ vật tuyệt đối cấm buôn bán, như thế nào là cổ vật được phép “chảy máu” vì có rất nhiều gốm, sứ cận hiện đại, Việt Nam có rất nhiều nhưng giới sưu tầm quốc tế lại thích thì tại sao không cho phép buôn bán?

Di san co vat Viet: 'mo vang' treo lo lung
Tượng phật Di đà Tam tôn thế kỷ 19, được làm bằng gỗ.

“Để tránh chảy máu cổ vật, không có cách nào khác là chúng ta đừng tránh né. Ngay khi cấm, số lượng rò rỉ còn ở con số không tưởng thì buộc lòng phải làm quyết liệt còn không thì hãy mở cửa, quy định giá bán thật cao, thật tương xứng với giá trị cổ vật và đưa ra giới hạn cổ vật nào tuyệt đối không được bán thì mới may ra hạn chế được nạn buôn bán cổ vật trái phép”, ông Nguyễn Văn Quỳnh nói.

Thả nổi quy định quản lý cổ vật, chính cơ quan chức năng đang hạ thấp vai trò của mình trước những vấn đề mà cổ vật Việt phải đối mặt. Người sưu tầm muốn có một tổ chức giám định cổ vật uy tín, muốn chơi trong một sân chơi văn minh, muốn đẩy lùi các hoạt động buôn lậu cổ vật cũng “lực bất tòng tâm”. Sau tất cả, việc kêu gọi người sưu tầm cổ vật ý thức hơn với đồ vật quý giá mà mình đang sở hữu sẽ chẳng đi về đâu nếu các cơ quan chức năng vẫn “bình chân như vại”, thiếu quyết liệt, non tầm nhìn.

Một số hình ảnh tại triển lãm Nét cũ dấu xưa:

Di san co vat Viet: 'mo vang' treo lo lung
Các thông tin về cổ vật được dán trên kính.
Di san co vat Viet: 'mo vang' treo lo lung
Gốm Pháp Lam được trưng bày trong triển lãm thuộc bộ sưu tập của nhiều người.
Di san co vat Viet: 'mo vang' treo lo lung
Hoa văn rồng bay là hình ảnh quen thuộc trên gốm sứ cổ.
Di san co vat Viet: 'mo vang' treo lo lung
Bộ sưu tập vũ khí cổ được người xem quan tâm. 
Di san co vat Viet: 'mo vang' treo lo lung
Tượng Phúc Lộc Thọ được trưng bày trong triển lãm.

Bài, ảnh: Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI