“Di sản” áo dài của má

28/01/2024 - 06:22

PNO - Má rất quý bộ áo dài đó, hễ tết là lấy ra mặc, như mặc lên một khối nhớ nhung đẹp đẽ, mặc lên một ký ức huy hoàng của cả một giai đoạn thăng trầm.

Cứ mỗi lần tết về, tác giả đều dành dụm sắm cho mình 1 bộ áo dài  thật ưng ý - ẢNH: TRẦN PHƯỚC
Cứ mỗi lần tết về, tác giả đều dành dụm sắm cho mình 1 bộ áo dài thật ưng ý - Ảnh: Trần Phước 

Hồi nhỏ, tôi vẫn không thôi thắc mắc tại sao má luôn chọn mặc áo dài hoặc áo bà ba gấm hoa nền nã đi chúc tết họ hàng. Tại sao má không mặc quần âu áo kiểu hoặc diện váy đầm như những phụ nữ khác? Má chỉ cười hiền. Má không hợp với đồ tây. Má kéo 2 ống quần dài lên, chân má đầy những đường cỏ cắt ngang dọc, bén ngót. Đôi chân má quen nhúng xuống ruộng bùn, quanh quẩn với lúa, với cỏ dại mênh mông.

Gần tết cũng là lúc nhà mới xong vụ lúa đông xuân. Má quần quật với ruộng đồng, tay chân lúc nào cũng chờn vờn với lúa. Đôi chân má đầy vết cắt như bảo chứng cho một nhà nông chính hiệu. Đôi chân đó làm sao có thể tự tin phô ra dưới lớp váy đầm xa xỉ. 

Má thích mặc áo dài tết nhưng má chỉ có đúng 1 bộ “áo dài vía”, mỗi năm chỉ mặc mấy ngày mùng. Sau này tôi mới ngã ngửa khi phát hiện ra sự thật về bộ áo dài tết của má. Đó chính là bộ áo dài cưới mà năm xưa bà nội tôi đã tự tay đi lựa vải, đặt may chỗ thợ xịn nhất vùng. Áo dài vải gấm nổi đỏ như xác pháo, quần đen ống rộng bằng lãnh Mỹ A loại quý giá nhất thời đó. Bà nội phải nhờ người quen đặt mua từ xứ lụa Tân Châu đem lên.

Thứ vải lụa ấy được dệt từ tơ tằm cao cấp theo phương pháp satin 8 - kỹ thuật dệt khó nhất trong ngành dệt tơ tằm. Sau khi dệt theo phương pháp thủ công tuyệt xảo, tấm lụa được nhuộm qua nước của vỏ trái mặc nưa. Một tấm lãnh Mỹ A hoàn hảo phải qua 6 “da”, tức 6 lần nhuộm. Để rồi khi chạm vào thứ tơ lụa với một màu đen tuyền nhưng nhức và bóng loáng tuyệt đẹp đó, cảm giác như vừa chạm nhẹ vào làn da mềm mịn của thiếu nữ đương thì.

Má rất quý bộ áo dài đó, hễ tết là lấy ra mặc, như mặc lên một khối nhớ nhung đẹp đẽ, mặc lên một ký ức huy hoàng của cả một giai đoạn thăng trầm. Đến đời tôi, lãnh Mỹ A chỉ còn như một huyền thoại. Bây giờ, tôi nhớ mãi cái dáng má ngồi trên xe lam cùng mấy dì trong xóm, trong bộ áo dài gấm đỏ, quần lãnh Mỹ A, mắt má ngời sáng trong chuyến xe đầu năm đi viếng chùa.

Tôi bây giờ cũng thương áo dài như má từng thương. Áo dài đã gắn bó với tôi suốt 3 năm phổ thông. Thời đó nhà còn khó khăn, má vẫn ráng dành dụm dẫn tôi đi lựa loại vải đẹp nhất, mát nhất để may 2 bộ áo dài trắng tinh khôi, như một phần thưởng xứng đáng. 3 năm học trôi qua, buồn vui đều gắn liền với bộ áo dài. Thêm mấy năm học ngành du lịch, tôi vẫn có duyên với đồng phục áo dài thướt tha. Bộ áo dài với 2 tà áo gần chạm gót vừa kín đáo vừa duyên dáng lạ lùng. 

Những năm gần đây, cứ mỗi lần tết về tôi đều dành dụm sắm cho mình 1 bộ áo dài thật ưng ý. Nhờ tình yêu với tà áo dài truyền thống, tôi bất ngờ kết nối được với một người bạn cùng tuổi, quê miền Tây lên Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề may áo dài má bạn truyền lại. Bạn là con trai mà khéo từng đường kim mũi chỉ. Cách bạn chọn vải cho tôi cũng thật ưng lòng. Bộ áo dài là cái cớ để chúng tôi trò chuyện với nhau về bao nhiêu điều lạ lùng của nó. Tại sao áo dài có cái cổ cao kín mít, có cái cổ thuyền mát mẻ, có cái 2 tà, có cái 4 tà…? Tại sao giữa bao nhiêu kiểu dáng cải biên, cách tân đến mức khiến người ta choáng váng, bộ áo dài truyền thống vẫn là đẹp nhất?…

Gần cuối năm nay, giữa Sài Gòn ra đời một câu lạc bộ “Di sản áo dài”. Những bộ áo dài thế hệ tôi đang mặc chẳng phải cũng thừa kế từ “di sản” rực rỡ của những bà má như má tôi đó sao!

Xuân này, tôi vẫn chọn áo dài đón tết. 

Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI