Đi qua vùng tối với giấc mơ màu

24/12/2023 - 06:59

PNO - Cách đây hơn 2 năm, có một phụ nữ rơi vào trầm cảm sau sinh, mất kết nối với mọi mối quan hệ xung quanh và đặc biệt là với chính mình.

Chị mệt mỏi, bấn loạn, uất ức, không thể nói chuyện được với ai và luôn tự ti. Nhưng những lúc “tỉnh ra”, chị tin rằng không thể như mọi người vẫn khuyên “ai mà chẳng thế, cố chịu rồi sẽ qua”. Chị quyết định đứng dậy, tìm cách đi qua vùng tối. 

Nhờ mẹ trông con, chị đăng ký một lớp học vẽ 2 tiếng mỗi ngày, 2 buổi mỗi tuần chỉ với mục đích được ra ngoài, thoát khỏi 4 bức tường. Để rồi từ một bà mẹ bỉm sữa chưa bao giờ nghĩ rằng mình biết vẽ, vẽ gì cũng xấu, toát mồ hôi hột qua từng buổi học, bây giờ, chị đã có những bức tranh tham gia triển lãm. Chị được bạn bè gọi vui là họa sĩ dù công việc chính là về truyền thông.

Bóng tối đã ở lại phía sau. Từng nét chấm phá đã họa nên một bức tranh cuộc sống đầy màu sắc. Chị tìm lại được sự tự tin, theo đuổi những đam mê, nuôi dạy 3 cậu con trai trong bình an, mối quan hệ vợ chồng kết nối sâu sắc dựa trên sự minh bạch và tôn trọng không gian riêng. Chị là Lại Thị Thu Giang (41 tuổi), hiện đang sống tại Hà Nội. 

Chị Thu Giang tại triển lãm Những giấc mơ màu
Chị Thu Giang tại triển lãm Những giấc mơ màu

***
Chị Giang kể: “Tôi khi đó luôn cảm thấy rất ngột ngạt, chỉ muốn bước ra ngoài để tiếp xúc lại với xã hội. Tôi tình cờ thấy cô giáo cũ đăng một bức tranh và nói cô đang đi học vẽ. Những bức tranh đầy màu sắc như có lực hấp dẫn đặc biệt khiến tôi quyết định… đi học vẽ.

Khi ấy, con tôi mới được 5 tuần tuổi. Tôi thức đêm trông con nên ban ngày rất mệt. Nhiều hôm tôi đang ngồi học vẽ thì vã mồ hôi khi người rực sữa. Tôi hầu như không nói chuyện với ai vì lúc nào cũng vội vàng đến, rồi sấp ngửa chạy về cho con bú. Mỗi ngày, tôi chỉ học và vẽ được rất ít, xấu vô cùng. Nhưng dù xấu thế nào thì chỉ mỗi việc được hướng dẫn và vẽ cho ra một hình hài gì đó, với tôi, đã là một điều kỳ diệu”.

Từ những ngày vừa ôm con vừa vẽ cho đến ngày có thể thoải mái đặt con ngồi cạnh giá vẽ, chị Giang đã đi qua những con sóng ngầm dữ dội của trầm cảm sau sinh một cách an toàn và đầy kinh ngạc về bản thân. 

Chị nhận ra việc học vẽ giúp người vẽ cân bằng được cảm xúc. Nhìn mọi thứ hiện ra dưới đôi bàn tay theo thời gian, chị tự tin hơn, tin rằng chỉ cần mình dành công sức và sự kiên trì thì có thể làm được mọi điều, không những vẽ mà còn có nhiều thứ khác.
“Khi đi học vẽ, tôi cũng thấy mình mềm tính hẳn, bản thân bớt khắt khe hơn với người khác. Tôi hiểu thầy cô hướng dẫn nhưng cứ làm sai vì tôi chưa đủ trải nghiệm để điều khiển được nét vẽ hay mọi thứ theo ý mình”.

Mỗi ngày, với một tiến bộ nhỏ, chị Giang cảm thấy tư duy, cơ thể, chân trời mới đều được mở ra. Chị nhận ra mọi thứ thuộc về hiển nhiên, nhìn thấy thế chứ không phải là thế. Ví dụ sắc trắng của bông hoa thì không phải chỉ từ màu trắng mà cần kết hợp rất nhiều màu khác như đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím theo những cấp độ khác nhau. “Tôi trải nghiệm sâu sắc bài học chỉ so sánh với bản thân, ngày hôm nay tốt hơn hôm qua là được, đừng so sánh với người khác. Và tôi áp dụng triệt để bài học này trong mọi lĩnh vực hay khi dạy con, làm việc với nhân viên…” - chị Giang chia sẻ.

Hiện tại, chị Giang đã có thể thoải mái sử dụng cọ, màu theo ý muốn để hoàn thành những  bức tranh như ướp đủ hương sắc thiên nhiên
Hiện tại, chị Giang đã có thể thoải mái sử dụng cọ, màu theo ý muốn để hoàn thành những bức tranh như ướp đủ hương sắc thiên nhiên

***

Bước ra khỏi vùng tối, chị Giang ngày càng trở nên sôi nổi hơn, muốn đóng góp sức lực của mình cho cộng đồng. Chị và các thành viên khác của Câu lạc bộ Tôi vẽ đã tổ chức triển lãm Những giấc mơ màu - nơi trưng bày bộ sưu tập đến từ những phụ nữ dù đang là mẹ bỉm sữa hay đã ngoài 70, từ sinh viên cho đến nhân viên văn phòng… Mỗi người đều có câu chuyện riêng nhưng gặp nhau ở điểm chung: tìm đến hội họa để cân bằng cuộc sống.

Như chủ nhân bức tranh Mầm sáng được trầm trồ rất nhiều trong sự kiện, được giới chuyên môn đánh giá cao, được đăng ký sưu tập ngay khi chưa vào giờ khai mạc là chị Vũ Phương - một bà mẹ 3 con, hiện sống tại Hà Nội, chưa từng nghĩ đến chuyện vẽ tranh. “Cuối mùa hè 2022, tôi chở con đi học vẽ mỗi sáng thứ Bảy. Vì nhà ở rất xa xưởng vẽ nên tôi ngồi chờ để đón con về. Sau vài lần ngồi… ngáp, lướt Facebook, tranh thủ làm việc, mọi người bảo tôi hay là trong lúc chờ con thì mẹ cũng vẽ xem sao. Vậy là tôi đành ngồi vào ghế theo kiểu… cho phải phép. Rồi tôi cứ vẽ.

Có những lần bận, thật lâu tôi mới đến được xưởng vẽ nhưng đến khi tôi hoàn thành bức tranh đầu tiên, về quả ớt, thì cả hội trầm trồ: “Ôi Phương ơi, Phương vẽ đẹp thế, còn đẹp hơn cả quả ớt của cô!” - chị Vũ Phương kể. Từ câu cảm thán rất thật đó, hành trình vẽ của Vũ Phương đã đi đến bức tranh Mộc lan - từ đông sang đến hết xuân thì nở rực rỡ, rồi đến bức Rong rêu cổ tích - từng chút từng chút một hiện ra trong veo trong mắt lũ trẻ, cho đến đầm sen ẩn chứa nhiều thông điệp trong bức Mầm sáng…

Câu chuyện từ việc không biết vẽ cho đến khi tự hào ký tên mình dưới mỗi bức tranh tham gia triển lãm như của chị Giang, chị Phương không phải là hiếm tại xưởng vẽ. Ai đến đây cũng tự phá bỏ những giới hạn và thường sẽ kể nhiều hơn chuyện cầm cọ.

“Đó là chuyện của chị Ngọc đã dũng cảm 1 lần trong đời dám cho mình cơ hội thực hiện ước mơ từ bé. Hay Thu Ngân - một du học sinh thế hệ Z - nỗ lực vượt ra ngoài vùng an toàn mà bố mẹ xây nên để được trải nghiệm thứ mình thích là vẽ truyện tranh, vẽ minh họa thay vì là một nhân viên kiểm soát tài chính. Hay chuyện câu lạc bộ hâm mộ vô cùng cô Vân và nhiều cô chú gần 70 tuổi học sơn mài, học vẽ lụa… để tự tìm niềm vui, niềm say mê mới cho mình và chống lại chứng suy giảm trí nhớ của người già…” - chị Giang chia sẻ.

“Hiện tại, gặp ai đang trầm cảm hoặc bế tắc, tôi đều khuyên họ thử bước ra ngoài, học một môn gì đó mới. Tôi tin rằng đó không chỉ là vẽ mà có thể là nhảy, đàn, hát, thể thao, khâu vá… Chỉ cần bạn kiên trì làm thì sẽ tìm lại được cảm giác tự tin vào đôi tay, vào giá trị của mình” - chị Giang kể về rất nhiều lần chị dành lời khuyên cho người khác. 

Những ý tưởng đẹp đã không ngừng xuất hiện. Khi tổ chức triển lãm, chị Giang và thầy giáo, các học viên của câu lạc bộ đã đón tiếp những vị khách rất đặc biệt: các cụ trong trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Cả nhóm đã sững sờ trước tinh thần của các cụ.

“Tôi nói với thầy và các bạn trong lớp vẽ rằng: “Các cụ chính là tương lai của chúng ta sau này còn chúng ta bây giờ có thể là một phần của quá khứ thanh xuân của các cụ” - chị Giang chia sẻ. Sau đó, cả nhóm thống nhất sẽ nối tiếp ký ức cho các cụ bằng việc tổ chức một workshop tại trung tâm dưỡng lão.

***
Hiện tại, chị Giang đã có thể thoải mái sử dụng cọ, màu theo ý muốn để hoàn thành những bức tranh như ướp đủ hương sắc thiên nhiên. Thế nhưng, chị vẫn tham gia lớp đều đặn mỗi tuần 2 lần, đưa các con đến xưởng học vẽ cùng mẹ.

Trải nghiệm lên rừng xuống biển khắp 5 châu của người đàn bà 40 cho chị nhận ra thế giới bên ngoài quá kỳ diệu rồi từ đó chạm vào tâm thức. Còn với hội họa, đây là hành trình chị khám phá những góc khuất thẳm sâu, nhận ra những điều chưa biết về vũ trụ nhiều như những gì chưa biết về bản thân. Điều đó làm chị yêu mình hơn, say đắm hơn và không ngại làm một người… nói nhiều để được chia sẻ nhiều hơn. 

Cát Tường - Ảnh do nhân vật cung cấp

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI