Đi qua trăm năm cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

13/01/2024 - 09:09

PNO - Quyển tự truyện dày gần 400 trang được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư hoàn thành vào tháng 10/2023, khi ông ở tuổi 103.

Một kiếp người qua 2 thế kỷ

Đi qua trăm năm vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM phát hành. Tác phẩm ban đầu có tiêu đề là “Một kiếp người”. Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Phó chánh văn phòng UBND TPHCM, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM - kể: tháng 7/2022, khi đến thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã gợi ý ông nên viết một cuốn tự truyện để lại cho đời. “Lời khích lệ của người đứng đầu thành phố đã tạo động lực cho “ông Bụt” 103 tuổi ngồi gõ máy vi tính trong 6 tháng tiếp theo kể chuyện đời mình” - bà Đinh Thị Thanh Thủy chia sẻ. 

Tác phẩm Đi qua trăm năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản  Tổng hợp TPHCM
Tác phẩm Đi qua trăm năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư - Nguồn ảnh: Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM

Trong Mấy lời tâm sự đầu sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư bộc bạch: “Nhìn lại quãng đời đã qua với nhiều kỷ niệm vui buồn, những thăng trầm trong cuộc sống, chứng kiến nhiều chuyển biến thời cuộc, của vận mệnh quốc gia, của đời sống xã hội, tôi thấy đáng để ghi lại cho con cháu biết về quê hương, về các bậc tiền bối; để rút ra những kinh nghiệm về cuộc sống, biết cái gì nên làm, cái gì là nhất thời, cái gì là vĩnh cửu…”. 

Ông sinh năm 1920, đã chứng kiến và trải qua biết bao biến thiên, thăng trầm của đất nước và đời người. Trăm năm ấy được ông kể lại tường tận đến từng chi tiết, bằng một trí nhớ đáng kinh ngạc. Đó là ký ức từ quê nhà Nghệ An cho đến những năm tháng “dập dềnh sóng biển xuôi Nam”, qua những khúc quanh của cuộc đời, đến ngày giải phóng… Ông nhớ cả những món đồ từng mua khi chuẩn bị hành nghề hớt tóc kiếm tiền ở Nha Trang sau năm 1954, từng hồ sơ đã đọc thẩm định khi còn làm việc ở Tổng nha Điền địa Sài Gòn…

Cuộc đời trăm năm của nhà nghiên cứu còn kể với bạn đọc câu chuyện của thời cuộc, của những đổi thay, được - mất và cách đối nhân xử thế… Trăm năm ấy với rất nhiều khúc quanh, biết bao thử thách nhưng cũng lấp lánh vẻ đẹp huyền nhiệm và lớn lao của đời người, của sinh mệnh và vận mệnh. Cho dù phiêu dạt đến đâu, trải qua những điều gì thì nghiệp cầm bút chừng như đã chọn người “được trời phú cho một trí nhớ tốt”. Thời còn làm viên chức, Nguyễn Đình Tư đọc đâu nhớ đó, lại có niềm say mê nghiên cứu địa chí và viết lách. Ông đã in tác phẩm Giang Sơn Việt Nam. Đây: Non nước Khánh Hòa khi làm việc ở Nha Trang vào năm 1969. Sau đó ông viết tiếp Giang Sơn Việt Nam. Đây: Non nước Phú Yên và Non nước Ninh Thuận - Phan Rang (1974)…

Hình ảnh quen thuộc của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trong lòng độc giả yêu mến ông là một bậc trí thức lúc nào cũng xuất hiện trước công chúng với áo dài, khăn đóng. Đó là phong cách mà cũng là tình yêu dành về quốc phục, như lời ông tỏ bày là “một người dân bình thường luôn tự hào là con Lạc cháu Hồng, của một dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến”. 

Người của trăm năm vẫn còn viết tiếp

Sau khi hoàn thành tự truyện đời mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trở lại với những dự án nghiên cứu đã được lên kế hoạch: Từ điển địa danh hành chính Bắc Bộ, Trung Bộ; Lịch sử thành lập và phát triển các tỉnh Bắc Bộ - Trung Bộ - Nam Bộ và Tây Nguyên… Thật đáng ngưỡng mộ trước sức làm việc bền bỉ và trí óc mẫn tiệp của cụ già năm nay đã 104 tuổi. Ông nói mình “nhờ tổ ấm phúc nhà” mà ở tuổi này, vẫn có thể tự đi lại bình thường, không cần dùng gậy hay người dìu, trí nhớ vẫn còn tốt. Thậm chí ông xem sách báo cũng không cần phải đeo kính. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được yêu mến và được tôn vinh bởi nhiều công trình nghiên cứu có giá trị: Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ (giải Bạc, Sách hay năm 2009), Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (giải A, giải thưởng Sách quốc gia năm 2018), bộ sách Gia Định - Sài Gòn TPHCM (giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu năm 2023)… Ông được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sử học Việt Nam, được xác lập Kỷ lục Việt Nam là “Nhà nghiên cứu 80 năm lao động, sáng tạo, cống hiến, đóng góp nhiều nội dung giá trị về lịch sử, văn hóa, địa chí của các vùng miền, tỉnh/thành phố Việt Nam với gần 60 tác phẩm đã xuất bản”.

 

Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (giải A, giải thưởng Sách quốc gia năm 2018)
Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ , bộ  sách  được  trao giải A, giải thưởng Sách quốc gia năm 2018

“Tôi đã xác định lập trường và nguyện vọng của tôi từ đầu: Có hiểu nước mới yêu nước. Muốn hiểu nước không gì hơn đi thăm viếng khắp nơi, tìm hiểu từng quả núi, từng mạch sông, đọc lại từng trang sử oai hùng của tiền nhân để thấy được rằng giang sơn của chúng ta tươi đẹp về phong cảnh, lãnh thổ của chúng ta phong phú về tài nguyên, dân tộc chúng ta anh hùng đầy chí quật cường…” - ông bày tỏ. Đó cũng là giá trị tinh thần xuyên suốt thể hiện qua những cuốn sách được tiếp cận từ góc độ nghiên cứu - địa phương chí. 

Thế hệ độc giả sau này biết đến ông với các công trình nghiên cứu, nhưng từng có một nhà văn Nguyễn Đình Tư với các truyện dài: Nguyễn Xí, Dì ghẻ con chồng, Thù chồng nợ nước, Nguồn sống, Vàng trong miệng đất (truyện cổ tích)… được in trước năm 1945. Sau giải phóng, ông đã hoàn thành bộ trường thiên tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân (dày gần 1.500 trang) trong khoảng thời gian rảnh rỗi lúc làm nghề sửa xe đạp mưu sinh ở cổng đường ray số 7.

Lục Diệp

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI