Đi qua những ngày gian khó

27/02/2016 - 08:48

PNO -  “Mình đã cùng nhau vượt qua bao tháng ngày gian khó, cớ gì giờ cuộc sống đủ đầy lại phải xa nhau?”.

Cô chú tôi kết hôn khi chú vừa tốt nghiệp đại học, cô đang là sinh viên năm thứ ba. Lý do, nói như ngôn ngữ của thời nay là “bác sĩ bảo cưới”. Hai bàn tay trắng, gia đình hai bên đều nghèo nên cô chú phải tự xoay xở. Chú kể, bạn bè đứa thì cho vay tiền, đứa cho chú mượn bộ com-ple. Ngày cưới, cô dâu mặc chiếc váy suông bạn tặng thay vì khoác áo cưới. Ảnh cưới chỉ chụp vài tấm hôm đưa dâu, cũng do bạn chụp, tráng rửa cho luôn.

Có vợ rồi có con, chú phải cật lực kiếm tiền. Ngoài công việc chính, ai thuê gì chú cũng làm, bất kể ngày đêm, có khi cả tháng chẳng có một ngày nghỉ. Mùa hè, tôi đến phòng trọ của chú chơi với bé Sóc, thấy chú cởi trần ngồi dịch tài liệu. Nhà có mỗi cái quạt lọc xọc dành cho hai mẹ con. Cô tôi cũng chẳng sung sướng gì khi đang học hành đàng hoàng phải bảo lưu kết quả để làm mẹ. Tiền chồng làm được chẳng đủ trang trải trong nhà, nên đôi dép tổ ong mòn cả đế cô vẫn không dám thay.

Di qua nhung ngay gian kho
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chú đi làm cực đến mấy nhưng về đến nhà là chọc ghẹo, nô đùa với con. Cô dù có lúc con ốm, tiền chẳng còn mấy đồng trong nhà, cũng chẳng kêu ca với chồng nửa lời. Túng thiếu thì lén lút vay mượn để chồng khỏi phải lo lắng thêm. Khổ vậy nhưng cô chú vẫn thương nhau, chẳng mấy khi vợ chồng nặng nhẹ, bà chủ nhà trọ khó tính thế còn khen: Tiền nào mua được hạnh phúc của chúng nó!

Khoảng thời gian khó khăn đó kéo dài gần chục năm thì cơ hội đến. Trong một lần đi phiên dịch cho đoàn khách nước ngoài, chú lọt vào “mắt xanh” của một nhà quản lý. Tiếp đó là một vị trí làm việc hấp dẫn. Cuộc sống khá dần lên. Chú quan hệ ngày càng rộng, vắng nhà cũng ngày càng nhiều hơn, ăn cơm cùng vợ con ít hơn.

Tiền bạc bắt đầu rủng rỉnh, cô đầu tư vào bất động sản, còn cho bạn bè vay mua xe, mua nhà… Thừa tiền nhưng thứ cô tôi luôn thiếu là nụ cười trên gương mặt. Những tiếng thở dài của cô ngày một nhiều hơn. Cô cũng không nhu mì như xưa nữa mà dễ nổi nóng, cáu gắt, “xù lông” khi nghe chuyện chú có các “bóng hồng” ở ngoài, khi chú bỏ cơm nhà mà không một cú điện thoại báo trước.

“Gia đình chứ không phải nhà trọ của anh đâu. Anh đừng cậy kiếm được tiền rồi thích làm gì thì làm” - trước đây cô hiền lành biết bao, giờ lại quăng quật thẳng thừng với chồng những lời như thế. Chú thất vọng về cô. Cô cũng chẳng còn nhận ra người đàn ông của những ngày gian khó xưa đâu nữa.

Họ cãi nhau thường xuyên, đem những bực bội, căng thẳng trong lòng trút vào nhau.Một lần, trong lúc vợ chồng to tiếng, cô tôi không nhịn được nữa đã viết đơn ly hôn. Chú cũng chẳng đắn đo mà ký ngay. Tòa hòa giải hai lần không thành. Mẹ tôi cố khuyên giải nhưng rồi cũng chịu thua.

Những tưởng cô chú sẽ đường ai nấy đi nhưng đến lúc phân định tài sản, họ chợt chững lại nhìn nhau. Kiểm điểm lại, đến tận mười năm sau ngày cưới, tài sản của cô chú chẳng có gì đáng giá, chỉ có cái ti vi đen trắng, cái quạt cóc cổ lỗ, cái nồi cơm điện cũ nát… Những thứ ấy cô chú đã thanh lý từ lâu nhưng vẫn còn trong ký ức của một thời nghèo khó mà vợ chồng yêu thương, chia sẻ mọi điều.

Giờ cô chú đã có một khối tài sản không nhỏ, nhưng vợ chồng lại chẳng giữ được nhau... Khi đó, cô bật khóc, mắt chú cũng đỏ hoe. Hai người bỗng ôm lấy nhau, lạc giọng: “Mình đã cùng nhau vượt qua bao tháng ngày gian khó, cớ gì giờ cuộc sống đủ đầy lại phải xa nhau?”.

Thu Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI