Chị Nguyễn Thị Thu Hồng (SN 1978, ngụ tại thị trấn Hậu Nghĩa, H.Đức Hòa, tỉnh Long An) là một trong ba gương người hoàn lương tiêu biểu giao lưu tại buổi truyền thông phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội với chủ đề “Chắp cánh tương lai”, do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Công an và Hội LHPN tỉnh Long An tổ chức sáng 9/10 tại trường THPT Hậu Nghĩa (H.Đức Hòa, tỉnh Long An).
Một ngày làm việc của chị Hồng bắt đầu từ tờ mờ sáng, kéo dài đến 1-2 giờ sáng hôm sau. Chị chạy như con thoi, hết đi hát ở các tiệc cưới, lại “cày” thêm mảng kinh doanh quần áo. Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, gương mặt rạng rỡ và nụ cười tươi tắn của chị, thật khó hình dung người phụ nữ này từng bị kết án tám năm tù giam vì tội mua bán trái phép chất ma túy.
Chị nói đời “cay” là do lỗi của chính mình và giờ chị đang cố sửa cho thành “ngọt”. Học hết lớp 9, chị Thu Hồng ở nhà phụ gia đình bán quán cà phê. Chị vốn mê hát, lại được trời phú cho chất giọng ngọt ngào nên đám tiệc cưới hỏi nào ở quê cũng có mặt chị. Tích cóp được ít tiền, chị mở shop quần áo.
Đến năm 24 tuổi, chị lập gia đình với một người đàn ông giỏi chơi đàn organ. Cứ ngỡ âm nhạc kết nối hai trái tim, và cuộc hôn nhân sẽ hạnh phúc, nào ngờ… Khi con trai đầu lòng mới hơn một tuổi thì cuộc hôn nhân của chị đổ vỡ. Từ đó, chị bắt đầu chuỗi ngày tối tăm mặt mũi kiếm tiền nuôi con.
Nghe người ta mách nước “buôn ma túy giàu lắm”, chị bập vào và bị bắt. Trong thời gian thụ án ở trại giam Z30D của Bộ Công an ở tỉnh Bình Thuận, không ngày nào chị thôi day dứt. Nhớ con đến quặn lòng, nhưng cứ nghe tin con ra thăm, chị lại bàng hoàng. “Tôi không thể cho con một gia đình đầy đủ mẹ cha nên đã tự hứa sẽ nuôi thằng bé bằng tình thương và những điều kiện vật chất tốt nhất. Vậy mà, rốt cuộc mình lại vướng vòng lao lý, mặt mũi nào gặp con”, chị tâm sự.
|
Chị Hồng nói: Đời "cay" là do lỗi của chính mình và giờ tôi đang cố sửa cho thành "ngọt". |
Sau 5 năm rưỡi thụ án, chị được tha tù trước hạn. Về địa phương, chị mất hai năm tránh né ánh mắt người đời. Chị mặc cảm đến mức tự giam mình trong nhà, không dám đi đâu, không dám nhìn thẳng mặt ai. Có những ngày, chị ngồi khóc vì nghĩ đến tương lai mờ mịt, lo con trai hỏi những câu nhói tim như “tại sao mẹ lại buôn ma túy?”, “tại sao con không có cha bên cạnh?” rồi sẽ giận, sẽ xa lánh mẹ. Thế nhưng, con chị chẳng những học giỏi mà còn rất ngoan.
Chị Hồng tự hào khoe: “Con trai tôi hiện học lớp 9 ở TP.HCM. Thằng bé chưa bao giờ hỏi về quá khứ của mẹ. Thỉnh thoảng, cháu nói “con thương mẹ”. Chỉ một câu vậy thôi mà tôi cảm thấy như mình được kéo ra khỏi bóng tối, vững tin đi tiếp hành trình cuộc đời”.
Vực dậy tinh thần, chị Thu Hồng loay hoay tìm việc. Đó là lúc chị cay đắng nhận ra: sự kỳ thị đối với người “ở trại ra” còn khá nặng nề. Cuối cùng, chị được người bạn gái tên Mai Liễu nhận vào làm trong shop quần áo. Vốn chịu thương chịu khó, lanh lẹ, có khiếu thẩm mỹ và cũng từng kinh doanh quần áo nên chị Hồng nhanh chóng thạo việc.
Cảm thông sâu sắc với bạn, chị Mai Liễu thường chủ động đưa chị Hồng tới những buổi gặp mặt bạn bè, ca hát, vui chơi lành mạnh. Sở trường hát nhạc dân ca, nhạc nhẹ của chị Hồng vì thế mà lại có “đất diễn”. Thấy chị hát hay, tính tình vui vẻ, lại biết đối nhân xử thế nên dần dần những ánh mắt coi khinh thuở nào đã dịu lại. Rồi người ta mời chị đi hát đám cưới.
Như bao phụ nữ khác, chị Hồng cũng mong mỏi có một gia đình êm ấm, vợ chồng thuận hòa, thành ra có bữa đứng hát chúc phúc cho người mà tủi muốn khóc. Dẫu vậy, cuộc đời chị đang thật sự sang trang, sống những ngày bình yên, lao động hăng say và nhiều ước mơ.
Bữa gặp chúng tôi, chị Mai Liễu chia sẻ: “Thấy Hồng đang làm việc chăm chỉ để hòa nhập với cuộc sống bình thường,tôi rất vui. Tôi luôn tin trên đời này còn nhiều điều tốt đẹp dành cho Hồng, để Hồng hướng tới”.
Bà Trương Thị Thu Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam cho biết, ngày 8/5/2002, Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an đã ký Nghị quyết liên tịch số 01 về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”.
Ngày 30/12/2015, Hội LHPN Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII), Bộ Công an cũng ký kết kế hoạch số 3605/KHPN về “Phối hợp cải tạo, giáo dục phạm nhân, trại viên, học sinh nữ và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, giai đoạn 2016-2020”.
|
Bà Trương Thị Thu Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo, Hội LHPN Việt Nam. |
Trên cơ sở này, Trung ương Hội và các tỉnh, thành đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, như: giao lưu Ước mơ ngày trở về; diễn đàn Mẹ, gia đình và tương lai của con; Thắp lửa trên đường về; Thắp sáng niềm tin… nhằm tạo động lực, cổ vũ chị em nữ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả.
Phụ nữ, dù trong vai người trở về hay là tổ ấm đợi người về thì chị em cũng dễ bị tổn thương hơn nam giới. Gieo niềm tin, sự sẻ chia là “gieo hạt lành” trên lối về của người lầm lỗi. Còn với người lầm lỗi, mỗi việc tốt của họ sẽ là một viên gạch trên con đường trở về cộng đồng.
“Do đó, chúng tôi mong cả xã hội sát cánh cùng những người mẹ, người vợ, người chị có thân nhân từng lầm lỗi đồng thời mở rộng vòng tay với phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Họ đã phải trả giá cho những sai lầm trong quá khứ, nên họ cũng xứng đáng được trao cơ hội làm lại cuộc đời”, bà Thu Thủy chia sẻ.
Mẫn Nhi