Đi qua 2 bệnh viện vẫn không biết mang “u nặng nhất thế giới”

25/01/2021 - 10:33

PNO - Khối u ở tụy khiến chị T. đau nhói người hơn một năm trời. Nhưng phải qua đến bệnh viện thứ 3, chị mới được phát hiện đúng bệnh

 

Chị T.T.X.T., 36 tuổi sau khi được mổ lấy khối u nặng 2,2 kg ở tụy
Chị T.T.X.T., 36 tuổi sau khi được mổ lấy khối u nặng 2,2 kg ở tụy

Ngày 25/1, sau mổ 14 ngày, chị T.T.X.T. (36 tuổi, Phú Nhuận, TPHCM) dáng vẻ khỏe mạnh, tươi tắn chia sẻ câu chuyện của mình. Hơn một năm trước, chị xuất hiện cảm giác đau nhói ở bụng.

Những cơn đau tăng dần và bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở hai bên hông, phía dưới xương sườn.

Mỗi khi với tay lấy đồ là cơn đau xuất hiện. Những khi nằm sấp hay nằm ngửa, chị T. cũng bị đau nhói. Cùng với đó, hai chân chị bắt đầu sưng to, phù nề.

Chị đi khám ở 2 bệnh viện tại TPHCM. Nơi đầu tiên chị đến là phòng khám về chấn thương chỉnh hình nhưng bác sĩ chỉ khám bên ngoài và cho thuốc giảm đau.

Nơi thứ hai, tại một bệnh viện công lập lớn của TPHCM, bác sĩ chẩn đoán chị có vấn đề về ống mật nhưng không xác định rõ và cũng không phát hiện ra trong bụng chị đang có khối u rất lớn.

Thời gian này, ai gặp cũng hỏi: “Ủa, T. đang có bầu hả?”. Chị T. cho biết trong vòng 1 năm, trọng lượng chị tăng lên khoảng 10 kg. Cứ ngỡ mình tăng cân, ban ngày chị tập thể dục, ban đêm nịt bụng trước khi ngủ.

Khối u nặng đến 2,2 kg trong bụng chị T. khiến ai cũng nghĩ chị chắc đang mang bầu
Khối u nặng đến 2,2 kg trong bụng chị T. khiến ai cũng nghĩ chị chắc đang mang bầu

Khoảng 1 tháng sau, chị T. quyết định đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy vì những cơn đau xuất hiện nhiều hơn, ảnh hưởng đến sinh hoạt.

Tại đây, các kết quả siêu âm, CT bụng cho thấy chị T. đang mang một khối u rất to ở trong bụng. Khối u này đã chèn ép gây hoại tử một phần các cơ quan xung quanh như cuống gan, ống mật, tĩnh mạch cửa...

Bác sĩ khoa Gan – Mật -  Tụy, Bệnh viện Chợ  Rẫy quyết định phải mổ gấp vào ngày  11/1/2021 vì nếu trễ hơn, khả năng điều trị càng khó do khối u ăn sâu thêm vào cơ thể. Khối u này cũng gây nên tình trạng trĩ cho bệnh nhân vì gây giãn đường nối trực tràng.

Bác sĩ Đoàn Tiến Mỹ, Trưởng khoa Gan – Mật – Tụy, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết khi các phẫu thuật viên rạch một đường mổ dài đến 25 cm mới đủ không gian để lấy khối u ra bên ngoài. Khối u dài khoảng 20 cm, nặng 2,2 kg, nằm ở thân tụy.

Theo bác sĩ Đoàn Tiến Mỹ, đây là khối u tụy có kích thước lớn nhất được ghi nhận tại Bệnh viện Chợ Rẫy và có thể là lớn nhất được ghi nhận trên thế giới.

Thông thường các trường hợp u tụy khác, chỉ phải mất trung bình 4 giờ thì trường hợp chị T., phẫu thuật viên mất khoảng 10 giờ để lấy khối u.

Sau ca mổ, chị T. phải điều trị tiểu đường tuýp 2 vì phần tụy bị cắt đi khoảng 70%, không còn hoạt động tốt như trước.

Nguyên nhân xuất hiện khối u này vẫn chưa thể biết được. Các bác sĩ đang cho thực hiện sinh thiết khối u để tìm nguyên nhân. Sau ca mổ, chị L. khỏe mạnh, không còn đau đớn, hai chân hết sưng phù, có thể đi lại và vận động dễ dàng.

BS Đoàn Tiến Mỹ trao đổi với chị T.
BS Đoàn Tiến Mỹ trao đổi với chị T.

Bác sĩ Đoàn Tiến Mỹ cho biết 95% khối u ở đường tiêu hóa xuất hiện ở ống tiêu hóa như dạ dày, thực quản... chỉ có 5% khối u xuất hiện ở cơ quan ngoài tiêu hóa như gan, mật, tụy, bàng quang. Trong 5% này, u ở tụy chỉ chiếm 1%.

Khối u của chị T. thuộc dạng hiếm gặp. Vị trí của khối u nằm ở đầu - thân tụy nên các triệu chứng ít biểu hiện ra bên ngoài. Chỉ khi khối u to lên, gây ra các triệu chứng bên ngoài, bệnh nhân mới phát hiện được.

Vì vậy, khối u ở tụy thường khiến các bác sĩ nhầm lẫn với tình trạng viêm dạ dày. Có bệnh nhân phải uống thuốc trị viêm dạ dày từ 3-4 tháng không hết bệnh mới phát hiện ra mình bị u tụy.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI