Đi phượt, cảnh giác đỉa, vắt chui vào tai và mũi

16/08/2022 - 06:03

PNO - Các ca bị côn trùng, ký sinh trùng đường tai và mũi chủ yếu được phát hiện trong mùa hè khi người dân du lịch tới các miền hoang sơ, tắm ao, tắm suối.

Bác sĩ (BS) chuyên khoa I Sơn Thị Mỹ Tú - Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh - cho biết, mới đây đã ghi nhận một trường hợp bị sinh vật chui vào mũi sau khi du lịch về.

Bệnh nhân là anh P.Đ.T., 30 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức. Anh T. kể cách đây vài tuần cùng bạn bè đi phượt gần một con suối ở tỉnh Bình Phước. Trong thời gian cắm trại, anh cùng mọi người đã xuống suối tắm vài lần. Lúc trở về được vài ngày, anh T. bị chảy máu mũi, soi gương thì phát hiện có vật màu đen thập thò ở lỗ mũi. Anh T. hoảng sợ đi khám. Lúc soi mũi, BS Tú xác định trong mũi bệnh nhân có vật thể sống, nghi là con vắt. Bệnh nhân đã được xịt thuốc tê để gắp con vắt ra ngoài. 

 

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Phan Chung Thủy kiểm tra tai mũi họng  cho một bệnh nhân
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Phan Chung Thủy kiểm tra tai mũi họng cho một bệnh nhân

Phó giáo sư - tiến sĩ - BS Trần Phan Chung Thủy - Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam - cũng cho biết, trong thời gian làm việc tại Phòng khám chuyên gia của BV Tai Mũi Họng TPHCM, bà ghi nhận các ca bị côn trùng, ký sinh trùng đường tai và mũi chủ yếu được phát hiện trong mùa hè. Do người dân du lịch tới các miền hoang sơ, sinh hoạt và nằm ngủ ở nơi nhiều cây cối, tắm ao, tắm suối. 

Mới đây, BS Thủy đã khám cho một bé gái, 12 tuổi, ngụ quận Tân Bình bị đau tai, ù tai. Theo mẹ của bệnh nhi, trước đó gia đình đi dã ngoại và ngủ trong trại. Tới đêm thì em bé kêu đau tai dữ dội, cảm giác như có con gì bò trong tai. Người mẹ đã cố gắng ngoáy tai cho con nhưng càng làm thì bé càng đau. Sau khi soi, BS Thủy phát hiện trong tai trái của bé gái có một con gián đất. BS đã soi gắp con vật ra ngoài. 

Thêm một trường hợp vô tình được BS Thủy phát hiện có đỉa ở trong mũi khi đi khám viêm xoang. Đó là anh N.T.D., 40 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận. Bệnh nhân bị đau nhức vùng xoang mũi, hay bị chảy máu mũi tái đi tái lại. BS nghi ngờ bệnh nhân bị vắt hoặc đỉa bám trong mũi. Anh D. chia sẻ cách đây vài tuần có du lịch ở miền Tây và bơi ở kênh rạch. Cuối cùng, BS đã gắp ra một con đỉa no căng máu từ sâu trong mũi người bệnh.

Theo BS Tú, khi người dân đi phượt hãy xịt thuốc chống côn trùng ngoài da. Sau khi bơi lội, mọi người nên dùng nước muối sinh lý xịt rửa mũi. Nước muối mặn có tác dụng làm niêm mạc mũi co lại, vắt hoặc đỉa sẽ tuột chân bám và dễ dàng hỉ mũi ra ngoài hơn. Đối với tai, nếu nghi ngờ có con vật lạ chui vào chúng ta có thể nhỏ vài giọt dầu ô-liu vào nước ấm rồi dùng dung dịch đó nhỏ vào tai. Sau đó nằm nghiêng, đặt bông gạc thấm sạch nước trong tai chảy ra. Việc nhỏ nước pha dầu ô-liu giúp con vật dịu đi. Khi ấy, mọi người hãy tới BV để được thăm khám, lấy dị vật ra ngoài. 

Ve chó làm tổ trong tai

Không chỉ ghi nhận các trường hợp bị vắt, đỉa chui vào đường mũi và tai, BS Sơn Thị Mỹ Tú còn ghi nhận hai ca bị ve chó làm tổ trong tai. Trường hợp thứ nhất là bà C.T.D., 40 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai. Bà D. tới khám vì cách đây vài tuần bị ù tai, nhột tai. Khi soi, BS phát hiện hai tai bệnh nhân có những con ve chó khiến tai bị viêm. Bà D. cho biết mình nuôi mười con chó và tối ngủ chung với những con chó này. Trường hợp thứ hai là bé gái N.T.K.T., 14 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức tới khám vì ù tai. T. nuôi một con chó và tối cô bé ngủ chung với thú cưng của mình. Khi soi, BS phát hiện trong tai của T. có con ve chó chân dài…

Thanh Huyền

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI