Dì Năm Tuyết - nguyên Phó tổng biên tập đầu tiên của Báo Phụ nữ TPHCM đã đi xa

10/04/2023 - 19:37

PNO - Chiều ngày 10/4, bà Nguyễn Thị Tuyết (dì Năm Tuyết), Phó tổng biên tập thời kỳ đầu tiên Báo Phụ nữ TPHCM đã rời cõi tạm…

Chiều ngày 10/4, facebook của những cô chú, anh chị cựu phóng viên, nhân viên Báo Phụ nữ TPHCM cùng loan tin buồn: “Dì Năm Tuyết, vị Phó tổng biên tập thời kỳ đầu, rất thân thương của báo Phụ nữ TPHCM đã rời cõi tạm…”. Nhiều anh chị em gọi nhau, nghẹn khóc.

Dì Năm Tuyết tên thật là Nguyễn Thị Tuyết, sinh năm 1934, trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở tỉnh Bến Tre. Ba mẹ dì tham gia kháng chiến từ thời chống Pháp.

Theo lời kể của dì, gia đình dì có 9 anh chị em, thì 6 người đều tập kết ra bắc sau 1954, sau đó về lại miền Nam hoạt động. Còn dì Năm Tuyết và 2 người chị thì ở lại tham gia cách mạng. Theo cách mạng, đôi chân bé nhỏ của dì đã đi khắp miền Nam Tổ quốc.

Dì Năm Tuyết luôn mỉm cười hiền hậu.
Dì Năm Tuyết luôn mỉm cười hiền hậu
Dì Năm Tuyết - thứ hai từ phải qua thăm dì Mười Mai, họa sĩ đầu tiên của Báo Phụ Nữ, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Báo vào năm 2016
Dì Năm Tuyết (thứ 2 từ phải qua) thăm dì Mười Mai, họa sĩ đầu tiên của Báo Phụ nữ TPHCM, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Báo vào năm 2016
Dì Năm Tuyết (ngồi) và dì Nguyễn Thị Thanh (dì hai Thanh) cùng vui trong kỷ niệm sinh nhật tuổi 40 của Báo Phụ  Nữ.
Dì Năm Tuyết (ngồi) và dì Nguyễn Thị Thanh (dì Hai Thanh) cùng vui trong kỷ niệm sinh nhật tuổi 40 của Báo Phụ nữ TPHCM
Dì Năm Tuyết (hàng đầu, bìa trái) thắp hương viếng dì Mười Mai
Dì Năm Tuyết (hàng đầu, bìa trái) thắp hương viếng dì Mười Mai

Năm 22 tuổi dì lập gia đình với chú Phạm Công Cảnh – một đồng chí cùng tham gia kháng chiến, sau này là Giám đốc Công ty Phát hành phim và chiếu bóng TPHCM. Khi đó, chú Cảnh công tác ở xứ ủy Nam bộ, còn dì làm ở Văn phòng quận ủy Bến Tre.

Năm 1963, dì được điều về Văn phòng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục (khu xứ Ủy Nam kỳ - vùng Dương Minh Châu – Tây Ninh) và bắt đầu nợ duyên với nghề báo khi được tổ chức phân công học khóa báo chí trong rừng để về tiểu ban báo chí nhận công tác ở tờ Báo Cờ Giải phóng.

Tờ báo có 5 người. Dì Năm Tuyết được cấp trên trực tiếp là bà Đỗ Duy Liên (dì Tư Duy Liên, sau này là một trong những người khai sinh Báo Phụ nữ Sài Gòn - Báo Phụ nữ TPHCM hôm nay) giao nhiệm vụ nghiên cứu báo Việt Nam Cộng hoà để đọc và viết bài phản biện. Nói là tờ báo, nhưng Cờ Giải Phóng chỉ có 5 người nên dì Năm Tuyết vừa viết bài, vừa được giao luôn nhiệm vụ sửa chính tả.

Thời gian ấy vỏn vẹn 2 năm (1963-1964) thôi, nhưng với dì Năm Tuyết đã ghi dấu biết bao kỷ niệm. Như dì nói với chúng tôi mỗi lần có dịp gặp lớp phóng viên trẻ sau này: “Kể hoài không hết đâu con. Sau này, mỗi lần nhắc kỷ niệm về thời làm Báo Cờ Giải phóng, dì và dì Tư Duy Liên thường ôm nhau cười”.

Năm 1965, cả dì Tư Duy Liên và dì Năm Tuyết cùng được điều về Ban Phụ vận Sài Gòn – Gia Định. Khi đó, dì Năm Tuyết được giao phụ trách chợ Sài Gòn. Do công tác, dì phải vào vai người bán rau củ trong chợ. Bán để nuôi 3 con, để chồng an tâm công tác, khi đó chú Cảnh còn hoạt động bí mật. Năm 1967, dì bị bắt do có người chỉ điểm. Vào tù, từ Tổng nha Cảnh sát, ra Thủ Đức, về Chí Hòa, rồi 2 lần ra Côn Đảo. Trong tù, dì lại tiếp tục theo các phong trào đấu tranh tuyệt thực, chống chào cờ; tưởng nhớ, để tang Bác Hồ…

Năm 1972, dì được trao trả 1 lần nhưng khi về Thủ Đức, dì cùng nhóm bạn tù cùng đấu tranh lần nữa, lại bị mang ra Côn Đảo.

Năm 1974, dì được trao trả lần 2 ở Lộc Ninh.

Sau ngày đất nước thống nhất, dì được điều về lại Ban Tuyên huấn và được phân công về quận 5 phụ trách tuyên truyền ở chợ An Đông. Cuối năm 1975, dì được tổ chức yêu cầu chuyển công tác về Báo Phụ nữ Sài Gòn.

Dì kể: “Khi trao quyết định cho tôi, người phụ trách nói: “Tư Duy Liên xin em về Báo đó”. Thời đó làm việc gì cũng tuân theo điều động của tổ chức. Chị em hiểu nhau lắm, nên dù sau nhiều năm không gặp nhau, nhưng nghe Tư Duy Liên “xin” tôi về Báo là tôi rất cảm động. Tôi mừng lắm. Bởi thâm tâm tôi muốn làm nghề của mình, nghề báo, hơn nữa tôi biết về Báo là được làm việc với Tư Duy Liên, người chị hiểu ý mình nhất”.

Về Báo Phụ nữ TPHCM, dì Năm Tuyết bắt đầu từ công việc của một phóng viên rồi được đề bạt phụ trách thời sự, lên Phó tổng biên tập Báo.

Yêu nghề vô cùng, nhưng năm 1986, sau một cơn bạo bệnh, vị Phó tổng biên tập đầu tiên của Báo Phụ nữ TPHCM phải tạm dừng công tác, xin nghỉ hưu sớm trong tiếc nuối của biết bao bạn bạn bè đồng nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết - nguyên Phó tổng biên tập Báo thời kỳ tiếp nối dì Năm Tuyết từng tâm sự với chúng tôi: “Đó là một người hết sức nhân từ. Dì nhìn cái gì cũng bằng con mắt khách quan, đầy tình yêu thương nhưng cũng là một người rất công bằng, công tâm trong quản lý. Phải nói là chị học được ở dì Năm Tuyết rất nhiều”.

Chúng tôi về Báo Phụ nữ TPHCM sau năm 2000, tức sau 25 năm ngày tờ báo được khai sinh. Khi ấy, như dì Năm Tuyết nói, nhờ con cái, y bác sĩ bồi dưỡng thật nhiều, sức khỏe của dì tốt dần lên, hồi phục, dì lại là thành viên tích cực, hăng say trong kết nối các cựu cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Phụ nữ TPHCM. Vì thế, chúng tôi may mắn được gặp dì thật nhiều lần. Những lần họp mặt, viếng thăm các bậc tiền bối sáng lập tờ báo, kỷ niệm sinh nhật báo 25 năm, 30 năm, 40 năm… Bao giờ chúng tôi cũng được gặp dì về thăm và đồng hành cùng những chuyến đi tri ân người đi trước. Dì luôn hiển hiện, hiền hậu mỉm cười, nụ cười mỉm “đặc trưng dì Năm Tuyết”.

Hôm nay dì Năm Tuyết của chúng tôi có lẽ đang mỉm cười nơi chín suối. Xin tiễn biệt dì!

Thông tin lễ tang Dì Năm Tuyết Dì Năm Tuyết - nguyên Phó Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Phụ nữ TPHCM
Thông tin lễ tang dì Năm Tuyết - nguyên Phó tổng biên tập đầu tiên của Báo Phụ nữ TPHCM

Bài: Diễm Chi

Ảnh: Phùng Huy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI