Dì Muội "hòa giải"

28/07/2016 - 09:39

PNO - Với cách nói chuyện khéo léo, dung hòa mọi việc, dì Lâm Muội được bà con KP.3, P.6, Q.6, TP.HCM gán cho biệt danh dì Muội “hòa giải”.

Di Muoi
Dì Muội (trái) trong buổi lễ trao học bổng cho học sinh nghèo

Đã ngoài 70, nhưng dì Muội vẫn khỏe mạnh, đầy nhiệt huyết. Sau thời gian làm việc trong ngành y, dì lui về tham gia công tác Hội phụ nữ (PN) từ đó đến nay. Sống bình dị, gần gũi với xóm giềng, nói chuyện khéo léo, dì Muội được mời tham gia vào tổ hòa giải. Khu phố nơi dì sống, có cả người Việt lẫn người Hoa, phần đông bà con mở hàng quán buôn bán tại nhà, chuyện phát sinh mâu thuẫn giữa đôi bên không tránh khỏi.

Một lần, đang nằm trong nhà, nghe tiếng cãi nhau của hai người hàng xóm, dì Muội qua hỏi chuyện mới biết chỉ vì một bịch rác ai đó vứt trước cửa, hai nhà nghi kỵ lẫn nhau, không ai chịu dọn dẹp. Dì Muội một mặt nhỏ nhẹ khuyên can, mặt khác đứng ra tự mình thu dọn rác, khiến mọi người thấy xấu hổ, từ đó ai cũng ý thức giữ vệ sinh chung, không còn tỵ nạnh việc chung hay riêng.

Một đêm trời mưa, đang ngủ say, dì Muội nghe tiếng đập cửa bên ngoài. Dì xót xa khi thấy chị T. xin tá túc vì chồng nhậu say, về đòi tiền không được định đánh chị. Vừa an ủi chị, dì gọi điện cho Hội PN, dân phòng xin hỗ trợ. Sau đêm đó, chờ chồng chị T. bình tĩnh, dì đưa chị về nhà, vừa hỏi thăm công việc vừa khuyên anh hạn chế uống rượu, tu chí làm ăn.

Biết hoàn cảnh hai vợ chồng khó khăn, con cái đang tuổi lớn, dì thường xuyên qua nhà anh chị thăm hỏi, khi đem ít bánh trái, khi vài bộ quần áo cũ xin được. Nhờ kiên trì khuyên nhủ mà từ chỗ khó chịu, ghét dì Muội, chồng chị T. dần quý mến dì, nghe lời dì khuyên dạy, không rượu chè, đánh đập vợ nữa. Từ đó, dì Muội bỗng dưng “nổi tiếng”, hễ khu phố (KP) xảy ra chuyện, người ta lại nhớ, lại nhờ đến dì.

Dì Muội chia sẻ: “Muốn hòa giải tốt, trước hết phải tìm hiểu ngọn ngành sự việc, đặc biệt là không được “đào bới”, trách móc lỗi của người trong cuộc. Mọi người trong KP, hầu hết dì đều biết mặt, nắm rõ hoàn cảnh, hiểu tính nết hàng xóm ra sao. Thấy cãi nhau, ẩu đả, cứ thế mà “lao” vào hòa giải sẽ “hỏng” việc”.

Để KP bình yên, dì Muội cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cái khó đầu tiên là ác cảm của những người chưa hiểu mình; mỗi ngày dì Muội đều rảo quanh KP xem tình hình, phát hiện ở đâu gây nhau là có mặt liền. Nhiều vụ xử lý nhanh gọn, nhưng khi gặp người khó tính, họ nói dì “bà tám”. Chẳng những không buồn, dì Muội lại tỏ ra mềm mỏng, phân tích tình và lý cho họ hiểu, càng nói họ càng “thấm”; có nhiều “ca” khó dì dùng luật răn đe để họ sợ không tái phạm. 

Can đảm, quyết liệt cũng là một phần bản tính của dì Muội. Một lần chứng kiến người con trai cầm ghế đánh cha, dì Muội không chần chừ, lao vào ngăn cản. Sau một hồi khuyên giải, phân tích hành động sai trái cho người con hiểu, lúc này dì Muội mới... nhớ ra tay mình đang chảy máu. Dì gọi đó là tai nạn nghề nghiệp, nói mình được nhiều hơn mất khi người con trai sau đó đã hối hận, yêu thương, chăm sóc cha mình hơn trước.

Niềm vui của dì Muội là khi thấy vợ chồng chung sống hòa thuận, gia đình con cái ấm êm, hàng xóm thương yêu, gần gũi nhau. Mỗi một gia đình giữ được sự dung hòa là cả KP sẽ bình yên. Dì luôn thủ thỉ với chị em “một sự nhịn, chín sự lành” mới giữ gia đình yên ấm. Bản thân dì cũng luôn làm gương, nuôi dạy con cái yêu thương, hòa thuận lẫn nhau để giữ hòa khí gia đình. Nhờ vậy, dì rất có uy tín khi làm người hòa giải. Hiện nay, tuy đã chính thức “rời” Hội PN, nhưng dì Muội vẫn tích cực tham gia công tác “hậu trường”, luôn đứng sau hỗ trợ khi PN cần mình.

Bà Lâm Muội (sinh năm 1943)

- Thời gian công tác Hội: 35 năm.

- Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng PN” năm 2006.

- Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân” năm 1994.

- Biểu dương “Gương sáng PN Hoa” năm 2005 của Hội LHPN TP.HCM.

- Năm 2005: Điển hình PN xuất sắc, Cán bộ Hội cơ sở giỏi.

- Năm 2009: PN làm kinh tế giỏi.

- Năm 2011: Cán bộ Hội cơ sở giỏi nhiệm kỳ 2006 - 2011.

Việt Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI