PNO - PN - Nhiều tài xế cho biết đã thông qua trung gian để tìm đến một công ty tại Q.3, TP.HCM mua các thiết bị báo hiệu đoạn đường có cảnh sát giao thông bắn tốc độ. Ngoài địa chỉ này, còn hàng chục cá nhân, công ty khác ở Q.1, Q.5,...
edf40wrjww2tblPage:Content
Q. đang bán và hướng dẫn cách sử dụng "bùa" chống bắn tốc độ Cobra
VÔ HIỆU HÓA CẢNH SÁT GIAO THÔNG
Sáng ngày 15/7, qua nhiều trung gian giới thiệu, chúng tôi gặp một tài xế tên Hùng (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Hùng nói do dạo này lái xe tuyến Bắc - Nam bị “ăn biên bản” nhiều quá nên sẽ đi mua “bùa” chống bắn tốc độ. Tranh thủ đợi sửa xe ở TP.HCM hai ngày, Hùng hỏi các đồng nghiệp khác trong giới tài xế để có địa chỉ mua hàng. “Bùa”, theo Hùng là một thiết bị có thể báo hiệu cho tài xế khi xe sắp đến đoạn đường có cảnh sát giao thông (CSGT) đang đo tốc độ xử phạt các xe vi phạm. “Tháng trước em đi từ TP.HCM ra Nam Định, khi vừa qua khỏi TP.Biên Hòa thì xe khách Hà Nội phía sau vượt lên và “đạp” (tăng ga - PV) thoải mái. Nghĩ là có xi-nhan (báo hiệu - PV) của xe ngược chiều nên em chủ quan “đạp” theo gần 100km/g”, Hùng kể. Khi đến đoạn qua ngã ba Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai), xe khách Hà Nội bất ngờ bật xi-nhan bên phải. Tưởng phía trước chuẩn bị dừng lại nên nhường đường, Hùng vượt trái lên phía trước và tiếp tục giữ tốc độ như cũ. Nào ngờ chỉ được khoảng vài cây số thì bị CSGT Đồng Nai “vịn” lại. Xe Hùng vừa dừng cũng là lúc xe khách Hà Nội “nghiêm chỉnh” đi qua đúng tốc độ quy định. Nghe được câu chuyện tương tự như mình vừa gặp ở các tài xế khác thường chạy tuyến xe khách Bắc - Nam, Hùng mới vỡ lẽ xe khách Hà Nội… có “bùa”.
Theo chân Hùng, trưa ngày 15/7, chúng tôi có mặt tại đầu hẻm 314 Điện Biên Phủ, Q.3. Hùng lấy điện thoại gọi vào số điện thoại 0909.698.xxx và nói: “Em đến công ty rồi anh ơi”. Đầu dây bên kia chỉ đường xong cũng là lúc chúng tôi có mặt trước trụ sở công ty T.R.S.S. Tiếp chúng tôi là một thanh niên tên Q. khoảng 24 tuổi. Q. nói: “Loại chống bắn tốc độ mà anh cần bên em hết hàng rồi, chắc phải đợi em đặt hàng về, khoảng mười ngày mới có”. Q. mở máy tính cho chúng tôi xem đoạn video có cảnh một xe ô tô ở Mỹ sử dụng thiết bị chống bắn tốc độ. Đi qua các giao lộ có hệ thống đo tốc độ tự động, thiết bị này kêu “tít tít” liên tục, báo cho người điều khiển biết để giảm tốc, dù trước đó lao đi với vận tốc hơn 100km/g. Hùng năn nỉ: “Em kiểm tra lại kỹ cho anh chứ nhà ở xa quá, không đợi lâu được đâu”.
Thanh niên tên Q. tỏ vẻ dò xét, sau đó đi sang căn phòng bên cạnh rồi theo cầu thang sát tường lên lầu. Khoảng năm phút sau, Q. quay lại mang theo một hộp đựng “bùa” có tên Cobra Touch Screen XRS 9970 và nói: “Chỉ còn duy nhất cái này. Giá hơi rát”. Hùng hỏi: “Bao nhiêu?”. Q. nói: “8.560.000 bao gồm VAT 10%”.Thấy “bùa” cao giá quá, Hùng hỏi: “Sao mắc dữ vậy em?”. Q. giải thích: “Đây là loại có thể dò được tới 15 loại băng tần. Ngay cả các loại súng bắn tốc độ bằng laser mà CSGT sử dụng hiện nay cũng đều bị phát hiện”. Do chúng tôi không đủ tiền, Q. bảo đặt cọc để giữ hàng. Sau đó Q. viết cho chúng tôi một phiếu thu đặt cọc 300.000đ có đóng dấu công ty TNHH T.R.S.S. và hẹn ngày mai quay lại lấy hàng. Trước khi đi, Q. gửi cả danh thiếp giới thiệu công ty là một trung gian nhập khẩu chuyên về các thiết bị tin học, điện thoại, kỹ thuật số có trụ sở ở Mỹ. Q. nhắc nhở: “Khi xuất hóa đơn VAT của thiết bị này, công ty em sẽ viết tên một mặt hàng khác nhé anh”.
Rời khỏi công ty T.R.S.S., chúng tôi được một đầu nậu khác tên H. hẹn gặp chào giá hàng loạt thiết bị khác có cùng chức năng như: Bel, Cobra, Escort, PNI, Whistle. Theo chỉ dẫn của H., một mình tôi đến công ty Đ.C. có trụ sở trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, Q.3. Khác với T.R.S.S, công ty Đ.C. chuyên về các thiết bị phá sóng và cho biết “có một thứ “độc” lắm là Blinder giúp phát hiện CSGT bắn tốc độ và gây nhiễu sóng của thiết bị bắn tốc độ, nhưng anh phải đợi một tuần sau em nhập từ Mỹ về”.
Dù các thiết bị được cánh tài xế coi là “bùa” như đã kể trên đều thuộc danh mục cấm nhập khẩu và sử dụng nhưng hiện nay, nhiều công ty tư nhân vẫn có đủ cách tuồn vào Việt Nam dưới nhiều hình thức. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một công ty có trụ sở tại trung tâm thương mại ở Q.1 cũng thản nhiên quảng cáo loại thiết bị này.
NGUY HIỂM NHƯNG… KHÓ XỬ
Trong một lần thực tế trên quốc lộ (QL) 20, chúng tôi ghi nhận hàng loạt xe khách và xe tải có dấu hiệu “qua mặt” CSGT. Cuối tháng 6/2014, xe khách T.L. mang BS: 60L-24… chở bảy người từ TP.HCM về huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Vừa rẽ từ QL 1A vào QL 20, tài xế đạp ga phóng như bay với tốc độ hơn 80km/g. Khi đến đoạn gần xã Phú Túc, huyện Định Quán, hộp thiết bị màu đen gắn ở cabin xe kêu “tít, tít” liên tục, tài xế bắt đầu giảm ga. Xe đi thêm 2km nữa thì gặp Đội CSGT ở cây số 91 của Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh Đồng Nai. Sau khoảng 1km nữa, tài xế lại tiếp tục đạp ga với tốc độ tên bắn như lúc trước.
Vào đầu năm 2014, T., một giám đốc công ty vận tải tại TP.Biên Hòa cũng “bất ngờ” khi được chào hàng năm “bùa” tốc độ có tên Cobra 11 băng tần giá khoảng 2,8 triệu/một cái. Loại này chỉ báo động khi có sóng radar tần số X, K, Ka + tín hiệu laser. Phía chào hàng cho biết: “Do biết T. mới thành lập, công ty có năm xe khách nên tư vấn gắn “bùa” để đỡ chi phí nộp phạt, lại tiết kiệm được thời gian quay đầu xe”.
Luật sư Phạm Tấn Thuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Thiết bị phát hiện máy bắn tốc độ của CSGT là mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu (phụ lục I) ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ. Theo đó, các thiết bị cấm có giá trị từ 5.000.000đ đến dưới 10.000.000đ thì bị phạt tiền từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ. Với số lượng hàng cấm nhập khẩu theo lô hàng có giá trị từ 70.000.000đ đến dưới 100.000.000đ thì bị phạt tiền tới 100.000.000đ. Theo luật sư Thuấn, về cơ bản mức phạt này bị “hụt hơi” ở chỗ giá trị hàng hóa vi phạm tính theo giá trị ban đầu thực tế chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 giá trị bán ra ở thị trường Việt Nam. Do vậy, các cá nhân, doanh nghiệp vì lợi nhuận sẽ có nhiều chiêu lách luật để “tuồn” hàng về. Đơn cử như chiêu thông dụng nhất là khai báo sai tên mặt hàng khi nhập khẩu. Do các thiết bị tin học, viễn thông có hình dáng na ná nhau nên các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm lợi dụng điều này để “qua mặt” hải quan. Ở góc độ người mua và sử dụng thiết bị, hiện rất khó để xử lý hình sự hành vi “cản trở người thi hành công vụ”, dù đây là một cách “hiểu luật” thông dụng mà ai cũng nghĩ tới. Ngay cả hành vi tưởng chừng phù hợp nhất có thể xử lý là “cản trở hoặc gây rối hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số (Điều 225-BLHS)” cũng rất khó để chứng minh vì nó thuộc về ý thức chủ quan của tài xế.
Về phía CSGT, lực lượng này cho biết rất khó phát hiện các tài xế sử dụng thiết bị này.
Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM cho biết, qua theo dõi thông tin báo đài, Ban ATGT cũng thấy rõ việc nhập các thiết bị “chống” CSGT như vậy là quá nguy hiểm, nhất là trong hoàn cảnh cả nước đang tập trung kéo giảm tỷ lệ tai nạn giao thông. Với thông tin xuất hiện các thiết bị đối phó này, sắp tới Ban ATGT sẽ rà soát lại tình hình tai nạn giao thông ở các tuyến QL cửa ngõ và vùng ven thành phố. Nếu có dấu hiệu nhiều phương tiện liên tục vi phạm về tốc độ gây tai nạn, Ban ATGT sẽ đề nghị Công an thành phố và kiến nghị UBND TP có biện pháp ngăn ngừa ngay những thiết bị “hại người” này.