Đi may đo quần áo

18/10/2022 - 20:23

PNO - Những bộ quần áo mới có mùi thơm một cách kỳ lạ. Mùi thơm tho tươm tất ấy đi cả vào trong giấc mơ của những đứa trẻ nghèo ăn cơm độn, khoai độn...

Những năm 80-90 thế kỷ trước, nhà nào có chiếc máy may được xem như giàu có trong làng. Vật dụng đáng giá ấy thường do người thân đi học hay làm việc ở Nga, ở  Đức... gửi về, và nhà giàu lại biết cách sử dụng vật đáng tiền để tiếp tục làm ra đồng tiền: Họ mở cửa tiệm may đo quần áo. 

Cửa tiệm may đo làng tôi cao ráo, nền nhà lát gạch hoa sáng bóng, quạt trần chạy vù vù. Cảm giác đi may đo quần áo của chúng tôi sung sướng như có con chim chiền chiện nhảy trong lồng ngực, hót vang ca suốt cả tháng trời. 

Những bộ quần áo mới có mùi thơm một cách kỳ lạ. Mùi thơm tho tươm tất ấy đi cả vào trong giấc mơ của những đứa trẻ nghèo ăn cơm độn, khoai độn...

Ba má tôi lo chạy ăn từng bữa, để lo cho đàn con thơ no bụng, thì lấy đâu ra niềm vui xa xỉ là mỗi anh chị em trong nhà thường xuyên có bộ đồ mới!

 

Khi quần áo của anh Hai mặc chật, chúng được để lại cho chị Ba. Chị Ba thấy chật thì tới lượt tôi. Vậy là một bộ quần áo qua tay sử dụng của ba - bốn đứa trẻ. Công dụng những bộ quần áo ấy được phát huy tối đa, cho tới khi chúng sờn rách, bạc màu.

Tết năm ấy, ba má tôi được mùa khoai sắn, đem bán đi một mớ và tôi có may mắn được cho tiền để tới tiệm may đo quần áo.

Cửa tiệm may đo ấy, tôi ngước nhìn lên, thấy cao vời vợi. Những thiếp vải lanh, vải "phin" sờ vào mát lạnh, thơm phưng phức, được họ bày biện bắt mắt trên những thanh sào đặt ngang. Ông chủ tiệm may, với đôi kính lão trễ xuống tận cánh mũi, chậm chạp tiến về phía tôi, lấy số đo, rồi trang trọng ghi vào cuốn sổ chằng chịt nét vẽ, nét chữ. Khi đó, tôi bỗng thấy mình lớn như một người lớn, khi được tôn trọng, quan tâm. Tôi nở phồng hai cánh mũi, và mơ màng nghĩ tới ngày hẹn lấy quần áo mới.

Những dịp lễ tết, khách tới đông, chủ tiệm may vẫn cứ thảnh thơi mà làm. Ông bỏ qua sự sốt sắng, lo lắng của khách hàng. Chỉ có lũ trẻ chúng tôi là mất ăn mất ngủ, nhẩm đếm từng ngày tới lịch hẹn. Từ khi đặt may đồ, tôi tới lui qua cửa tiệm hàng chục lần, lần nào cũng chỉ với một câu hỏi quen thuộc: "Đồ may của cháu sắp xong chưa chú"? Và kết quả bao giờ cũng là cái lắc đầu cười xã giao của ông chủ tiệm.

Rồi cái ngày trọng đại ấy cũng tới. Trước khi đi lấy đồ, ba má cẩn thận dặn dò chuyện tiền nong. Mẹ dúi vào tay tôi số tiền phải trả cho chủ tiệm, gói trong hai, ba lần bọc ni-lông. Tôi vừa đi vừa chạy, trong lòng khấp khởi như trẩy hội. Thường thì bộ cánh đặt từ số đo của khách hàng, nhưng khi lên đồ bao giờ cũng dài hơn chút. Chủ tiệm đón lõng ý nghĩ của ba má chúng, nên "khấu trừ" may dài rộng hơn, để sang năm... mặc vẫn vừa.

Tôi xúng xính trong bộ đồ mới. Anh chị em trong nhà, đứa thì xuýt xoa khen lấy khen để, đứa thì ngước ánh mắt thèm thuồng, sờ vào vải mới, rồi cụp mi buồn vì chưa đến lượt mình được may đồ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Nhà đông anh em, chúng tôi thường phải thay phiên nhau để mỗi năm một đứa được may bộ đồ mới. Chứ lo một lượt cho tất cả các con, quả thực quá sức ba má. Dù vậy, cảm giác ganh tỵ của những anh chị em còn lại nhanh chóng tan. Trẻ con mà, buồn đấy rồi lại vui ngay. Chúng tôi ùa chạy ra ngõ đánh khăng đánh đáo, bịt mắt bắt dê…

Bao năm qua đi, ba tôi đã đi về nơi thật xa. Chỉ còn má ở lại với mấy anh chị em tôi. Giờ không cần chờ đến năm mới, bọn trẻ con trong làng luôn khoe quần áo mới. Thời đại công nghiệp, việc mua quần áo cũng dễ dàng, vừa rẻ mà đẹp. Những tiệm may thủ công cũng đã lùi xa vào dĩ vãng, chỉ còn đọng lại trong tôi những ký ức thật ngọt ngào. 

Minh Thuật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI