Đi máy bay sẽ bị ung thư?

29/03/2017 - 11:19

PNO - Trong chuyến bay 7 giờ từ New York đến London, hành khách đón nhận lượng bức xạ tương đương một lần chụp X-quang ngực. Từ New York đến Tokyo, mức bức xạ tăng gấp đôi. Vậy liệu đi máy bay có làm tăng nguy cơ ung thư?

Bức xạ là năng lượng truyền qua các tia, sóng hoặc các hạt, thường được tạo ra bởi các thiên thể, mặt trời và các thiết bị nhân tạo, như máy chụp X-quang và lò phản ứng hạt nhân.

Số lượng phóng xạ hấp thụ ở người thường đo bằng millisieverts. Cư dân Mỹ trung bình nhận khoảng 3 mili/năm từ nguồn tự nhiên, ví dụ như mặt đất và mặt trời. Một lần chụp X-quang ngực phát ra 0,6 millisieverts.

Mối lo ngại chính của việc nhận quá nhiều bức xạ bao gồm ung thư, xuất hiện các khiếm khuyết di truyền sang thế hệ tương lai, và gây hại cho bào thai của phụ nữ mang thai.

Máy bay chủ yếu chịu ảnh hưởng của bức xạ vũ trụ, xuất phát từ các ngôi sao đang bùng nổ bên ngoài hệ mặt trời. Ngoài ra, thân máy bay cũng không ngăn cách nổi tia bức xạ mặt trời.

Di may bay se bi ung thu?
Bức xạ từ các vụ nổ Mặt Trời lan truyền trong vũ trụ và ảnh hưởng đến người dân trên Trái Đất

Nhưng liệu lượng bức xạ trên máy bay có đủ gây nguy hiểm cho sức khỏe hành khách?

Theo Hiệp hội Vật lý Y lý Mỹ, tổ chức khoa học chuyên về an toàn bức xạ, một du khách phải dành 5.000 giờ trên máy bay, nhiều gấp 5 lần số giờ bay của một phi công theo luật hàng không liên bang, mới gặp nguy hiểm về sức khỏe.

Hành khách phơi nhiễm bức xạ nhiều nhất trên các chuyến bay đường dài ở vùng vĩ độ bắc. Đó là vì bầu khí quyển của trái đất dày nhất ở xích đạo và mỏng nhất khi đến gần hai cực.

Theo Cục Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ, hành khách trung bình phơi nhiễm khoảng 0,001 millisieverts / năm, tương đương một chuyến bay 2,5 giờ từ Fort Lauderdale đến New York.

Mặt khác, một chuyến đi 14 giờ từ New York đến Tokyo đón nhận khoảng 0,1 millisieverts.

Lượng bức xạ mà một người nên nhận, dù là trong không khí hay trong cuộc sống hàng ngày, không được quá 50 millisieverts trong một năm hoặc không quá 100 millisieverts trong suốt cuộc đời từ các nguồn phóng xạ tự nhiên.

Di may bay se bi ung thu?
Hành khách trên chuyến bay đường dài đến các khu vực gần cực Bắc chịu ảnh hưởng từ bức xạ vũ trụ nhiều nhất

Đa phần, mọi người đối mặt với nguồn bức xạ cao vì lý do chẩn đoán y tế. Chẳng hạn, một lần chụp CT mạch vành đơn đem lại từ 5 đến 15 millisieverts, nhiều hơn đáng kể so với lượng bức xạ các phi công nhận được trong một năm.

Đối với các phi công và tiếp viên, nguy cơ tổng thể là “gần như không tồn tại”, ngay cả khi họ bay trong 30 năm.

Tuy nhiên ở một số nước, chẳng hạn như Mỹ, các thành viên phi hành đoàn được xem là “tiếp xúc nguồn bức xạ” khi làm việc.

Theo các nhà nghiên cứu của NASA, những phi công thường xuyên bay đường dài có thể phơi nhiễm gần gấp đôi lượng bức xạ của một người làm trong nhà máy điện hạt nhân.

Vì vậy, các hãng hàng không ở các nước Liên minh Châu Âu vẫn đào tạo và giám sát nhân viên của họ như thể họ đang làm việc trực tiếp với các chất phóng xạ. Canada và Nhật Bản cũng ban hành các khuyến nghị tương tự.

Tấn Vĩ (Theo NPR, Traveller, Sun Sentinel)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI