Di Li: “Tôi biết cách để hạnh phúc”

22/11/2013 - 08:41

PNO - PNCN - Sinh năm 1978 tại Hà Nội, hiện là thạc sĩ Quản lý giáo dục, giảng viên Trường Cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội, đồng thời là giảng viên ngành PR Trường ĐH Hòa Bình, DiLi được xem là một nhà văn nữ “nhan sắc”, viết...

edf40wrjww2tblPage:Content

Từng nổi tiếng với các tập truyện ngắn: Tầng thứ nhất (2007), Điệu Valse địa ngục (2007), 7 ngày trên sa mạc (2009)…, năm 2009, DiLi cho xuất bản tiểu thuyết trinh thám kinh dị Trại hoa đỏ và nhận được nhiều phản hồi tốt của bạn đọc. Tính đến nay, DiLi đã có hơn 10 tác phẩm được xuất bản cùng nhiều tác phẩm văn học dịch, sách chuyên ngành tiếng Anh... Cô hiện là hội viên Hội Nhà văn VN. Trong tháng 11 này, DiLi chuẩn bị cho xuất bản cuốn sách chuyên ngành: Tôi PR cho PR - đây là cuốn sách đầu tiên viết về lĩnh vực quan hệ công chúng mà cô được đào tạo bài bản. Tự nhận mình làm gì cũng chuyên nghiệp, ngay cả việc PR sách mình sáng tác, nhưng DiLi cho rằng cô không phải là người lãng mạn như ai đó tưởng tượng về nhà văn.

Di Li: “Toi biet cach de hanh phuc” 

Tôi thích sự chuyên nghiệp

* Chị vừa làm giáo viên, vừa làm truyền thông, lại viết văn, lĩnh vực nào cũng gặt hái được thành tựu. Trong ba công việc ấy, chị thích việc nào hơn?

- Hôm trước khi nói chuyện với nhà văn Nguyễn Việt Hà, anh bảo tôi: Anh thấy DiLi hay nhắc đến sự chuyên nghiệp. Quả thực tôi rất thích sự chuyên nghiệp và đánh giá cao sự chuyên nghiệp. Tôi mới viết xong cuốn Tôi PR cho PR trong 20 ngày với cường độ mỗi ngày 4.000 - 5.000 từ trong sự hưng phấn cao độ. Tôi nghĩ thật khó để phân định mình thích cái gì nhiều hơn. Bởi tôi cũng thích thú với các sự kiện mình tham gia tổ chức. Tuy nhiên, bây giờ nếu chỉ làm một trong ba công việc đó tôi vẫn có thể sống được bằng nghề. Tôi là người rất tham vọng. Tôi nghĩ tham vọng cũng không xấu, dù đa phần người Việt đều giấu và không muốn nói mình tham vọng. Nhưng tôi cho rằng mỗi một cá nhân tham vọng sẽ khiến cho xã hội tiến bộ, bởi khi người ta có tham vọng và quyết tâm đạt được điều đó thì mới thành công.

* Những người có tác phẩm văn chương xuất bản được phân thành hai loại không chính thức là nhà văn và “thợ viết”. Đã xuất bản 13 tác phẩm, chị có thể thẳng thắn xếp mình vào loại người viết nào trong sự sắp xếp tương đối nói trên?

- Tôi nghĩ tiếng Anh chỉ có một từ là writer, người có sách được in có một từ để chỉ là published writer. Tất nhiên, người ta cũng có sự phân loại: nhà văn hạng một, hạng hai, và “thợ viết” theo ý của chị có thể xếp vào nhà văn hạng hai. Nghề nào tôi nghĩ cũng không loại trừ sự xếp thứ hạng. Vậy rất khó để bản thân tôi tự phân biệt. Tôi luôn gọi Cấn Vân Khánh và Quỳnh Trang là nhà văn chuyên nghiệp. Tôi cũng nghĩ mình là nhà văn chuyên nghiệp.

* Khi coi mình là nhà văn chuyên nghiệp, chị nghĩ sứ mệnh của chị là gì?

- Bản thân tôi học được nhiều kiến thức, nhiều giá trị từ văn học. Nên tôi vẫn luôn nghĩ nhà văn cần là một hướng đạo sinh, hướng người đọc tìm được, học được điều gì đó từ tác phẩm của mình. Cho dù, có những câu chuyện mình viết ra đơn thuần giải trí, nhưng ngay cả giải trí cũng là điều cần trong cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện giải trí, tôi vẫn muốn hướng đến những giá trị cơ bản mà bản thân mình đề cao.

* Nhưng có một thực tế: cơ chế thị trường ít nhiều làm cho những người làm công việc cầm bút như các chị dễ dàng thỏa hiệp...

- Có, tôi cho rằng chị nói đúng, sự thỏa hiệp của người cầm bút là có. Chẳng hạn như tôi cũng thỏa hiệp. Tôi có hai cuốn sách Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng, San hô đỏ và từng hy vọng ở nó rất nhiều. Tôi thay đổi cách viết và tự đánh giá nó cao hơn tất cả những cuốn sách mình đã viết. Những người trong giới chuyên môn cũng đánh giá nó cao hơn những tác phẩm khác tôi từng viết, nhưng sau khi in, hai cuốn đó đều bán rất chậm. Sách tôi thường in 3.000 - 5.000 cuốn và trong khoảng một năm đầu bán hết. Nhưng hai cuốn đó, mỗi cuốn tôi in 2.000 bản mà bán cả năm không hết. Nhà xuất bản không vui, tôi thì chán nản, thành ra tôi không viết nữa, và thời gian này tôi chủ yếu ra thể loại khác. Tôi đôi khi cũng thấy một người viết lâu năm như mình, lẽ ra phải viết được một thứ xứng tầm hơn. Và thay vì viết để xuất bản, lẽ ra mình phải viết vì nhu cầu bản thân, cho dù bản thảo cất vào ngăn kéo, nhưng tôi đã không làm vậy.

Di Li: “Toi biet cach de hanh phuc”

Nhà chúng tôi rất nhiều tiếng cười

* Chồng chị có bao giờ đọc sách của vợ không?

- Không! Vì anh ấy không thích đọc.

* Tại sao một người thích đọc, thích viết như chị lại hòa hợp với một người khác biệt thế?

- Khi tôi quen và lấy anh ấy, tôi chưa phải là người viết văn chuyên nghiệp, dù lúc đó cũng có dăm ba bài báo và mọi thứ đến như định mệnh. Tất nhiên nếu bây giờ mà quen với một người như thế, khi mình viết và xuất bản hàng loạt sách mà người ta lại không biết gì về nó thì có lẽ khó thành bạn thân ấy chứ.

* Chị có rất nhiều sự kiện được tổ chức hàng năm. Anh ấy có phải là người đàn ông ngồi ở góc nào đó trong căn phòng để chứng kiến những sự việc như một sự chia sẻ?

- Không. Chúng tôi vẫn là chuyện ai người ấy làm.

* Có phải giữa hai người thiếu sự quan tâm không, hay chị là người rạch ròi đến mức, coi công việc và gia đình là các ngăn khác nhau của cuộc sống mà giữa chúng không có bất cứ sự liên quan nào?

- Tôi là người rạch ròi. Kinh tế trong nhà tôi cũng rạch ròi, tiền ai người ấy nắm, tôi không biết anh ấy có bao nhiêu tiền và ngược lại. Nhưng tôi nghĩ mình sống với bất cứ ai cũng như thế chứ không chỉ chồng. Tất nhiên, tôi nghĩ nếu mình được chia sẻ về mặt công việc nữa chắc sẽ vui hơn, nhưng bây giờ đã như thế rồi, làm thế nào được. Nếu cần sự chia sẻ về văn chương, tôi có những người bạn văn. Bản thân tôi là người biết cân bằng cuộc sống, tôi không thích mình phải buồn và ít khi để mình rơi vào trạng thái ấy. Nếu có lỡ rơi vào, tôi lập tức tìm cách thoát ra khỏi nó.

* Nhưng chị biết đấy, khi để lý trí xen vào câu chuyện tình cảm nó không còn là điều tự nhiên nữa. Liệu chị có trả lời được câu hỏi: mình có hạnh phúc không?

- Hôm trước có một biên tập viên truyền hình nói với tôi rằng, khi cô ấy đọc Adam và Eva (tên một tập truyện ngắn của DiLi), cô ấy thấy tôi viết sắc sảo, nhưng nó không phải là sự sắc sảo cay nghiệt, mà nó là sự sắc sảo của người phụ nữ hạnh phúc. Tôi thấy nhiều người nói về tác phẩm của mình như vậy, và tôi nghĩ có khi sự hạnh phúc của mình nó tỏa ra ngay ở trên ngòi bút. Cũng có thể người không hạnh phúc sẽ cay nghiệt hơn. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình đẹp, không phàn nàn gì cả. Điều đó không đồng nghĩa tôi không có điều gì phải phàn nàn, nhưng tôi chấp nhận được những điều xảy ra trong cuộc sống của mình.

Tôi biết cách làm thế nào để mình hạnh phúc. Những người xung quanh mình hay kêu họ cô đơn, nhưng quả thật tôi chưa bao giờ thấy mình cô đơn cả.

* Tôi thấy chị xếp mọi thứ trong cuộc sống của bản thân vào các ngăn thật ngăn nắp: chị có những người bạn văn để chia sẻ về nghề viết, chị thích truyền thông thì lập một công ty làm PR, và cuộc sống gia đình chị cũng nghĩ nó không liên quan đến những điều còn lại. Vậy người đàn ông sống bên chị nhiều năm, anh ấy có gì chung với chị?

- Chồng tôi là người thích im lặng, anh ấy không phải là con người xã hội. Nhưng tất cả chúng tôi đều thích ở nhà, mọi công việc của chúng tôi chính là ở nhà. Nhà chúng tôi rất nhiều tiếng cười vì cả ba chúng tôi đều hài hước. Ở nhà chúng tôi thường nói chuyện phiếm với nhau và cuộc sống trôi qua nhẹ nhàng.

Tôi nghĩ nhìn vào gia đình tôi từ bên ngoài người khác sẽ không nhận thấy sự khác biệt. Vì chúng tôi luôn ăn tối cùng nhau, thậm chí trưa cũng ăn cùng nhau và ngày cuối tuần hoặc ngày lễ cả nhà cùng nhau đi ăn, đi xem phim. Sự khác biệt nếu có chỉ là ở sự chia sẻ. Tôi không biết nhà khác họ chia sẻ thế nào nhưng chúng tôi chỉ chia sẻ được cùng nhau những thứ người kia biết. Chẳng hạn anh ấy tổ chức sự kiện, tôi có thể hỗ trợ vì PR là nghề của tôi. Thậm chí anh ấy hay hỏi ý tưởng tôi về cách dàn dựng chương trình. Còn văn chương thì anh ấy không chia sẻ được cùng tôi, nhưng tôi nhận thức được điều đó cũng diễn ra trong nhiều gia đình chứ không chỉ riêng mình.

* Và chị có khác thường trong việc giáo dục con cái?

- Con gái tôi 10 tuổi, cháu học lớp 5. Từ khi con đi học cho đến hết năm lớp 4, tôi chưa bao giờ xem sách của con để kiểm tra, cũng chưa bao giờ dạy con học. Thậm chí con học nhiều tôi còn động viên con chơi, đi ngủ sớm hơn. Nói chung, phương pháp giáo dục con của tôi cũng gây ngạc nhiên trong gia đình. Chẳng hạn nếu con xích mích với bạn, tôi không bao giờ can thiệp, không bao giờ nói chuyện với cô giáo về những điều đó vì tôi tin mình biết rõ con mình. Cả nhà tôi bàng hoàng và nói không thể hiểu nổi sao một nhà giáo dục, một thạc sĩ quản lý giáo dục lại dạy con như thế. Nhưng con tôi luôn có thể nói với mẹ tất cả những bí mật của mình, hoặc khi tôi đi mua sắm, con gái luôn là người tư vấn cho mẹ.

Tôi luôn nhìn cuộc sống một cách trực diện để nhận thấy rằng, nếu con mình bị bắt nạt là do con không biết kháng cự. Nếu một gia đình người chồng ngoại tình thì không hẳn người vợ không có lỗi. Thậm chí người đi chợ bị mất cắp, lỗi cũng thuộc về chính họ, vì họ chưa biết bảo vệ bản thân. Mọi thứ trong cuộc sống luôn có nguyên nhân.

* Một người phụ nữ khác biệt thế có hòa hợp với gia đình chồng không?

- Nói chung mọi người cũng không vui vẻ lắm đâu vì người xung quanh đều bảo tôi lạnh lùng. Hàng xóm họ cũng bảo tôi thế (cười). Nhưng tôi nghĩ mình không lạnh.

* Đằng sau cánh cửa khép hờ ở nhà, hình ảnh nhà văn DiLi thế nào?

- Tôi là người nấu ăn ngon, biết nấu và tự tin là có thể nấu ngon nhiều món Âu Á, nhưng tôi không phải là người phụ nữ xắn tay vào bếp mỗi buổi chiều. Cuộc sống luôn phải lựa chọn, trong khi mình quá nhiều việc thì không thể bảo để đấy tôi sẽ làm tất cả. Kể cả khi có thời gian tôi cũng dành cho việc hưởng thụ như đi thư giãn, massage chứ không phải là vào bếp.

Tôi nghĩ đàn ông không nên yêu cầu quá nhiều từ vợ và vợ cũng không nên yêu cầu quá nhiều từ chồng. Nhưng anh ấy có thể thiết kế cho tôi những thứ cần, khi máy hỏng có thể ới, và thỉnh thoảng anh ấy vẫn tặng quà cho vợ. Giữa chúng tôi cũng có những sở thích chung như âm nhạc, điện ảnh. Hoặc mỗi lần tôi đi thi hát anh ấy ghi âm, tự đánh đàn theo đúng tone vợ hát và tôi không phải mất công đi mày mò hoặc nhờ người khác. Trong gia đình tôi, bạn đừng tưởng tượng chúng tôi như ông chằng bà chuộc, cũng không đến mức một người như cái tàu điện, một người là chiếc gối bông.

* Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Kim Sen (thực hiện)

Từ khóa Di Li
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI