PNO - Tên thật là Nguyễn Diệu Linh, nhưng mọi người thường biết tới cô với cái tên Di Li - bút danh của nữ nhà văn với nhiều cuốn sách best-seller của Việt Nam.
Không chỉ được biết đến như một nữ nhà văn trinh thám hàng đầu, Di Li còn là giảng viên đại học, làm báo, chuyên viên PR và dịch giả. Cuốn sách mới đây của chị phát hành vào ngày 8/3 - Adam và Eva - chỉ viết về hai giới và những chuyện về tình yêu, hôn nhân - đã lọt vào nhiều danh sách bán chạy.
Từ một cô sinh viên "đa-di-năng"
Ngoài đời, Di Li chẳng có vẻ gì xù xì, gai góc như trong những truyện trinh thám cô viết. Cô cũng không mặc những bộ vest nghiêm túc của các giảng viên đại học, lại càng không có vẻ tuềnh toàng có gì mặc nấy của một người bận rộn. Cao, da trắng, mặt bầu bĩnh, mắt lúc nào cũng mở to với nụ cười tươi thường trực trên môi và khuôn mặt trang điểm kỹ lưỡng, đó là Di Li. Gặp Di Li, ai cũng nghĩ đó là một nữ sinh trẻ trung, hiếu động.
Quả thật, ngay từ khi trên ghế nhà trường, Di Li đã là một cô học trò "nhất quỷ nhì ma", thậm chí còn là “trùm sò” của những cô cậu “nhất quỷ nhì ma” ấy. Trong Nhật ký mùa hạ - kể về tuổi thơ, tuổi học trò, tuổi sinh viên của mình - Di Li đã kể lại những trò chơi vô cùng nghịch ngợm. Thế nhưng, cũng chẳng đứa trẻ hàng xóm nào đọc nhiều sách như Di Li. 8 tuổi đã đọc Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Tự Lực Văn Đoàn... và tiếp tục ngốn sạch hầu hết tủ sách của người cha vốn ham đọc. Di Li còn đi thuê truyện ở ngoài và đọc cả những “tiểu thuyết diễm tình ba xu” ở cửa hàng cho thuê.
Năm 12 tuổi, trong một mùa hè nhàn rỗi, đói sách, cô đã đọc xong bộ sử thi Ấn Độ Ramayana với 48.000 câu thơ khó đọc mua ở nhà văn hóa Lạng Sơn, khi theo cha mẹ đi công tác. Những điều này có lẽ đã làm nên vốn ngôn từ cho Di Li khi bước vào nghiệp văn chương sau này.
Thời sinh viên, cô học song song hai bằng đại học cùng lúc, lại học thêm ngoại ngữ thứ ba. Vậy mà Di Li vẫn có thời gian làm thêm, làm đủ việc để tự lập cuộc sống. Khi thì thấy Di Li làm điện hoa, lúc lại làm tour guide, tổ chức sự kiện, song song đó là viết báo, dịch bài. Tốt nghiệp đại học, Di Li được nhận vào làm giảng viên Trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội và đã 13 năm cô đứng trên bục giảng. Di Li còn là giảng viên thỉnh giảng cho một số trường như ĐH Hòa Bình (dạy môn “Kỹ năng viết trong quan hệ công chúng), ĐH Văn hóa (dạy môn “Tiếng Anh trong văn học”)...
Tới nữ nhà văn “đẻ dày”
So với những người viết cùng lứa như Trang Hạ, Phong Điệp, Hoàng Anh Tú thì Di Li bước vào nghiệp văn rất muộn. Phải tới sau khi tốt nghiệp đại học, cô mới sáng tác. Năm 2000, truyện ngắn Hoa mộc trắng - tác phẩm đầu tay của Di Li - ra đời, tiếp sau đó là những sáng tác chậm, đăng rải rác trên các báo. Những truyện ngắn đầu tiên ấy được tập hợp trong cuốn Tầng thứ nhất - xuất bản năm 2007. Liền sau đó là tập Điệu Valse địa ngục - tập hợp 10 truyện ngắn sáng tác cùng năm.
Với tiểu thuyết Trại hoa đỏ, Di Li được coi là người đầu tiên của VN khai mở một thể loại văn học mới, kết hợp giữa trinh thám và kinh dị. Không những được độc giả yêu mến, trở thành best-seller và tái bản, Trại hoa đỏ còn được đánh giá cao tại các nước trong khu vực. Báo chí Hàn Quốc, Nhật Bản ca ngợi Di Li như là nữ nhà văn đang được yêu mến hàng đầu tại VN.
Cùng năm 2009, Di Li cho ra mắt tiếp tập truyện ngắn 7 ngày trên sa mạc và cuối năm, tập bút ký du lịch Đảo thiên đường ra đời, một lần nữa lại gây được tiếng vang.
Từ năm 2010 đến 2012, Di Li tiếp tục tấn công văn đàn bằng 8 cuốn Đôi khi tình yêu vẫn hay đi lạc đường, Cocktail thị thành, Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng, Chiếc gương đồng, Nhật ký mùa hạ, Chuyện làng văn, San hô đỏ, The black diamond (tập truyện ngắn do chính tác giả và một số dịch giả khác dịch sang tiếng Anh). Điều lạ là mỗi cuốn một thể loại: Hài hước, kinh dị, trinh thám, tình cảm lãng mạn, thiếu nhi và phiếm đàm.
Chỉ trong vòng 6 năm, Di Li đã xuất bản tới 23 đầu sách (gồm cả sách chuyên ngành, sách dịch). Hiếm ai có sức “đẻ” tác phẩm dày như Di Li. Cuốn Adam và Eva mới ra mắt chỉ viết về hai giới và những chuyện về tình yêu, hôn nhân đã lọt vào danh sách bán chạy của Vinabook và nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng: “Di Li đã tỏ ra hiểu sành sỏi và cảm nhận lịch lãm về phẩm chất, tính cách, tính nết, tâm tính của giới. Di Li liếc mắt sang giới mày râu, đôi lúc, tôi có cảm giác như cô đi guốc trong bụng họ”.
Di Li còn nổi tiếng là người chơi nhiệt tình. Mỗi lần nổi hứng ngao du là cô lại đi du lịch bụi. Di Li khám phá những điểm đến theo cách của mình chứ không theo những tour mà các hãng lữ hành sắp đặt trước. Có lần Di Li đã đi du lịch Lào, Campuchia, Bali chỉ với 200USD trong túi. Sau này, những gì Di Li khám phá được kể lại tỉ mỉ, sinh động trong cuốn Đảo thiên đường.
Làm nhiều, đi nhiều, nhưng Di Li vẫn dành những khoảng riêng cho mình. Cô có thể tự thưởng cho mình một bình hoa thật xinh tự chọn cắm, tự làm những món đồ xinh xắn cho người thân, nấu ăn và pha chế đồ uống cho gia đình. Di Li cũng yêu thích và thường xuyên tham gia sinh hoạt tại những câu lạc bộ khiêu vũ.
Thật khó để hình dung về cuộc sống của một nữ nhà văn lại có thể sôi động đến như thế. Nhưng điều gì quan trọng nhất với cô? Di Li nói rằng: “Điều cần làm lớn nhất với tôi là sinh một đứa con gái. Thứ hai là đi đủ cả năm châu bốn bể và sục sạo khắp trái đất này. Thứ ba là xuất bản một cuốn sách. Đó là những dấu vết khiến tôi cảm thấy sự hiện hữu của mình không phải là vô nghĩa. Tôi đã thực hiện được tạm đủ những gì mà tôi cho là quan trọng”.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.