Đi leo núi mà trẻ cứ ngỡ như đi chơi

31/08/2019 - 07:30

PNO - Đứa trẻ lớn lên và mặc định trong suy nghĩ được đi leo núi chính là được đi chơi và thói quen rèn luyện sức khỏe được vun đắp từng ngày như thế.

Na Uy nổi tiếng là quốc gia Bắc Âu bình yên, luôn lọt top nơi đáng sống nhất hành tinh. Không chỉ vậy, Na Uy còn được biết đến là đối thủ đáng gờm trong thi đấu thể thao. Tất cả không xuất phát từ một chiến lược đào tạo tài năng nhí mà lại xuất phát từ cách khuyến khích sự say mê vận động của những đứa trẻ.

Dân số Na Uy chỉ vỏn vẹn 5,3 triệu dân nhưng quốc gia này lại đứng đầu trong danh sách quốc gia có thành tích tốt nhất tại Thế vận hội Mùa đông, sự kiện thể thao quan trọng nhất hành tinh dành cho các môn thể thao thi đấu trên băng hoặc tuyết. Na Uy bỏ xa Mỹ trong bảng tổng sắp huy chương tính cho đến thời điểm này trong khi Mỹ là quốc gia đặc biệt đầu tư cho các vận động viên từ rất sớm.

Điều khiến nhiều người bất ngờ là ở Na Uy, người lớn chẳng hò hét hay quay cuồng với thành tích tập luyện, thi đấu của trẻ, chẳng tạo áp lực buộc trẻ phải vượt qua bất cứ ai. Thay vào đó, ở Na Uy có những trung tâm vận động lớn, những hồ bơi sạch và rộng. Đấy chính là nơi gieo trong trẻ tình yêu, niềm đam mê dành cho việc rèn luyện thể lực, hết mình với những cuộc chơi thay vì mang tâm lý so kè thắng thua.

Liên đoàn Thể thao Quốc gia Mỹ từng làm khảo sát mà kết quả chỉ ra rằng 70% trẻ em Mỹ từ bỏ chơi thể thao vào năm 13 tuổi. Một trong những lý do được đề cập nhiều nhất chính là các em không còn cảm thấy hứng thú, vui vẻ khi tham gia bởi những hoạt động ấy đã “chuyển màu” thành áp lực cùng sự thúc ép khiến các em kiệt sức.

Di leo nui ma tre cu ngo nhu di choi
Trẻ Na Uy không chơi thể thao để ganh đua mà chơi để được vui

Ông Tore Ovrebo, Giám đốc Ủy Ban Olympic Na Uy, cho biết, chỉ đến khi 13 tuổi, trẻ mới tiếp cận với khái niệm thi đấu thể thao, thắng và thu trong một cuộc đua, trận đấu là gì. Trước đó, trẻ tiếp cận thể thao và được giáo dục đây là cách gắn kết tình bạn, là hoạt động mang đến niềm vui, tiếng cười.

Nếu ở Mỹ, các huấn luyện viên theo dõi và nhắm từng em vào đội tuyển cho các môn thể thao thì ở Na Uy, trẻ được chơi tất cả các môn mình thích. Chẳng ai gợi ý các em nên chuyên sâu theo đuổi môn thể thao nào vì họ không muốn vô tình giới hạn tài năng, bóp méo niềm vui của đứa trẻ thành cuộc đua thành tích của người lớn. Nếu ở các quốc gia nổi tiếng với thành tích thi đấu thể thao khác, việc theo dõi cân nặng của trẻ dưới 10 tuổi là điều quan trọng thì ở Na Uy, đây là điều chẳng ai nhắc đến.

Người lớn quan sát trẻ và không can thiệp vào cân nặng của các em, thậm chí theo dõi cân nặng cũng không, tránh việc tạo áp lực gây ra rối loạn ăn uống ở trẻ khi chúng còn quá nhỏ.

Các em được tự do ăn uống đúng theo chuẩn mực phát triển. Đến năm 13 tuổi, những đứa trẻ ở Na Uy mới bắt đầu học cách thi đấu phân thắng thua nhưng huấn luyện viên vẫn phải bảo đảm duy trì trong tập thể tinh thần tương trợ, sự đoàn kết thay vì sự đố kỵ hay thái độ phải giành chiến thắng bằng mọi giá.

Khi cùng nhau thi đấu, các em luôn giữ lấy tinh thần mình đang bước vào một cuộc chơi đòi hỏi sự nỗ lực, chiến thắng là mục tiêu chứ không phải là đích đến duy nhất.

Ở Na Uy có hơn 300 đỉnh núi cao hơn 2km và đây chính là điều kiện lý tưởng để các vận động viên có cơ hội luyện tập thường xuyên. Với người dân Na Uy, môn leo núi là môn thể thao dành cho tất cả mọi người. Đứa trẻ lớn lên và mặc định trong suy nghĩ được đi leo núi chính là được đi chơi và thói quen rèn luyện sức khỏe được vun đắp từng ngày như thế. Đó mới chính là triết lý đẹp đẽ, mang đậm tinh thần thể thao, là bài học vỡ lòng quý giá cho những đứa trẻ ở Na Uy.

Tinh thần thi đấu không phải là yếu tố duy nhất giúp các vận động viên Na Uy giành hàng loạt chiến thắng vang dội. Nhưng nếu không có tinh thần ấy, sẽ khó mà có được những vận động viên thi đấu bền bỉ, nỗ lực vượt qua chính mình từng ngày để giành lấy thành tích ấn tượng.

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI