Đi lên nhờ vốn vay của Hội

12/01/2016 - 07:32

PNO - Từ nguồn vốn vay của Hội, chị Nguyễn Thanh Tuyền, không chỉ vươn lên làm kinh tế khá mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động khó khăn.

"Liều một phen"

Công ty TNHH thiết bị trường học Tam Thanh (gọi tắt là Công ty Tam Thanh) nằm ở KP.1, P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM gồm hai cơ sở gần nhau. Trong khi chị Tuyền lui cui sắp xếp mấy bộ lắp ghép kỹ thuật bằng nhựa và mô hình cây thể dục cho trẻ mầm non thì chị Huỳnh Hồng Hạnh (SN 1991) tập trung vào màn hình máy tính để thiết kế những mẫu hoa văn cho sản phẩm.

Thành lập từ năm 2013, ban đầu, công ty chỉ bán đồ chơi bằng nhựa và xốp cho các trường mầm non. Đến tháng 5/2015, chị Tuyền mạnh dạn đầu tư mua thêm nguyên liệu, thuê nhân công làm các mặt hàng thủ công tại nhà như: quần áo biểu diễn, hoa trang trí, bảng biểu… Ban đầu, công ty chỉ có anh, chị em trong gia đình Tuyền kiêm nhiệm nhận hàng, giao hàng thì nay đã có 10 nhân viên. Vào những tháng cao điểm (tháng 6 - 9 hằng năm), thu nhập bình quân khoảng 3 - 5 triệu đồng/người/ tháng.

Chị Tuyền thổ lộ: “Giờ tôi đã có thể gánh vác được chi tiêu gia đình, phụ mẹ lo cho các em. Chị em nhận hàng của công ty về nhà làm thì có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt hằng ngày. Đây là điều khiến tôi hài lòng và cảm thấy những bước đi đầu tiên trên con đường kinh doanh của mình dần vững vàng”.

Chị Tuyền lớn lên ở Q.7. Nhà nghèo, có chín anh em, ba mẹ Tuyền khi buôn thúng bán bưng, khi rong ruổi với tập vé số kiếm tiền nuôi con. Tốt nghiệp Trường cao đẳng bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp TP.HCM, Tuyền làm nhân viên kế toán cho một công ty chuyên sản xuất, cung ứng thiết bị dạy học, đồ chơi lứa tuổi mầm non.

Di len nho von vay cua Hoi
Chị Thanh Tuyền giới thiệu các sản phẩm của công ty

Hai năm sau, chị rời công ty này. Phải đắn đo lắm, cuối cùng chị quyết “liều một phen”. Tháng 5/2013, chị thành lập Công ty Tam Thanh. “Lúc đó, mọi thứ đều khó khăn, nhất là vốn. Các dì, các chị ở Hội PN phường đã đến thăm cơ sở sản xuất và động viên, phát vay 30 triệu đồng. Giải quyết xong khó khăn về vốn thì lại đến đầu ra. Một lần nữa, Hội PN giúp giới thiệu các trường mầm non trên địa bàn để tôi làm quen, quảng bá sản phẩm của mình” - chị Tuyền nhớ lại.

Tạo việc làm cho chị em

Gia đình Hồng Hạnh thuộc diện hộ nghèo. Trước đây, cha Hạnh làm phụ hồ, mẹ ở nhà nội trợ. Gần đây, cha Hạnh yếu hơn, không làm được việc nặng như trước. Cô em gái Huỳnh Hồng Tú (SN 1993) của Hạnh học hết lớp 12 phải nghỉ, xin một chân nhân viên trong cửa hàng bán bánh ngọt.

Về phần mình, Hạnh tốt nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing năm 2014 rồi đi bán quần áo trong siêu thị. Một lần tình cờ, Hạnh ghé nhà chị Tuyền chơi và ấn tượng với những sản phẩm thủ công dành cho trẻ mầm non. Khi ấy, công việc của Hạnh và Tú đều là bán thời gian, không mấy ổn định. Biết hoàn cảnh Hạnh, chị Tuyền rủ “hay em về làm với chị”. Từ đó, cuộc sống của Hạnh rẽ sang hướng mới, ổn định và tươi vui hơn.

Hạnh phụ trách vẽ mẫu sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Để không rập khuôn, nhàm chán, chị thường tìm tòi thông tin, phác thảo nhiều mẫu hoa lá trang trí đẹp mắt. Từ khi công ty có thêm cơ sở làm hàng thủ công, Hồng Tú cũng nhận sản phẩm về nhà làm. Nhờ chăm chỉ, thu nhập hằng tháng của hai chị em khá dần lên nên Hồng Hạnh dự tính tích góp để Tú đi học lấy cái nghề, còn mình thì đầu tư nhiều hơn cho môn tiếng Anh.

Hạnh chia sẻ: “Chị Tuyền đối xử với nhân viên như người nhà. Cái gì chị em tôi không biết, chị hướng dẫn rất tận tình. Làm việc ở đây, tôi thấy thoải mái và học hỏi được nhiều điều, nhất là kinh nghiệm làm việc, thiết kế, vẽ mẫu bằng đồ họa”.

Di len nho von vay cua Hoi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI