Sống không được với lương hưu
|
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân xót xa khi lương hưu của người lao động quá thấp |
Thảo luận tại tổ TPHCM, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cho biết ông đồng tình với việc xây dựng lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ. Tuy nhiên, ông trăn trở khi thực tế hiện nay nhiều người lao động làm việc đủ thời gian, đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng khi về hưu lương không đủ sống. "Vừa qua nhiều công nhân cho biết, người lao động có thể làm việc 30 năm, doanh nghiệp đóng đủ BHXH, nhưng về hưu nhận lương hưu 2,5 triệu, 3 triệu đồng/tháng, sống không được. Chúng ta phải nhìn lại cách xác định mức lương tối thiểu để doanh nghiệp tuân thủ, để khi về hưu, người lao động đóng đủ BHXH phải sống được" - ông nói.
ĐBQH đề nghị, cần bổ sung, trong quá trình cải cách tiền lương phải đặt yêu cầu xác định tiền lương tối thiểu, đảm bảo mức sống tối thiểu. Nếu cải cách tiền lương mà không đặt yêu cầu thì sau đó công chức, người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. "Chúng tôi tiếp xúc cử tri quận Bình Tân, xót xa lắm, lao động mấy chục năm mà ông Phó chủ tịch Công đoàn bộ phận nhận lương hưu 2,5 - 3 triệu đồng, phải đi làm thêm mới đủ sống. Bây giờ, phải tính 1 người đi làm có thể nuôi được 1 người, phải nuôi được con hoặc cha mẹ mình" - ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cũng đề nghị phải tính toán tiền lương hưu cho người dân đủ sống. Bà phân tích, hiện nay, lương hưu thấp do mức đóng bảo hiểm thấp. Tuy nhiên, không dễ để nâng mức đóng bảo hiểm. Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp còn “xù” đóng một phần bảo hiểm cho người lao động.
Bà nêu thực tế, người lao động, ngay cả bác sĩ mới ra trường, mức lương khởi điểm cũng rất thấp. Khi cải cách tiền lương, chúng ta đang nâng theo hệ số mức lương cơ bản. Bà chỉ ra, đây là cách tính “bình quân” khiến phần thu nhập tăng thêm chưa hợp lý. Những người trẻ, nhiệt huyết vốn cống hiến nhiều nhưng khi tăng lương lại không được bao nhiêu, “không bằng một anh lão làng đang làm “tà tà”.
Lo thất nghiệp gia tăng
|
ĐBQH Trần Anh Tuấn cho rằng, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội phải tiến hành cấp bách |
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Trần Hoàng Ngân chỉ ra, Việt Nam bị tác động bởi bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp và bất lợi. Việc FED 10 lần tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát làm biến động, rung lắc thị trường ngoại hối, giá trị đồng USD tăng mạnh. Dòng chảy tiền tệ, vốn đầu tư nước ngoài trên toàn cầu bị ảnh hưởng. Tất cả những điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổng cầu của thế giới và các nước xuất khẩu nhiều sẽ bị tác động trực tiếp.
Độ mở kinh tế của Việt Nam nằm ở top 5 thế giới, chúng ta bị ảnh hưởng lớn bởi biến động này. Song ĐB Trần Hoàng Ngân đánh giá, Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận khi cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nợ công giảm cả tương đối và tuyệt đối…
3 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 3,32%. “Nếu tiếp tục đà này, thất nghiệp sẽ tăng. Xuất khẩu, một trong “cỗ xe tam mã” đã bị suy giảm. Nhiều doanh nghiệp bị cắt đơn hàng, tác động an sinh xã hội và người lao động” - ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh và cho rằng phải tập trung các giải pháp cấp bách lâu dài để đảm bảo kinh tế phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
ĐBQH Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM) cho rằng, có những vấn đề “ngoài tầm với” như tác động của lạm phát, khủng hoảng năng lượng, tiêu dùng trên thế giới… song có những vấn đề chúng ta có thể chủ động được.
Về đầu tư, có nhiều giải pháp quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư công trong 2 năm vừa qua. Các giải pháp về tín dụng, chính sách tiền tệ đã có điều chỉnh theo hướng giảm lãi suất, tháo gỡ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng… Dù vậy, vốn đưa vào nền kinh tế còn khá chậm.
ĐB phân tích, đánh giá kinh tế xã hội, báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội cho thấy, còn nhiều dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, chưa được bố trí vốn. Cần làm rõ xem, vấn đề này là do cơ chế, hay do con người thực hiện làm chậm quá trình? “Thực tế, khâu chuẩn bị đầu tư đôi khi kéo dài hơn cả khâu thực hiện. Vấn đề này nêu ra nhiều lần, nhiều kỳ nhưng vẫn tồn tại” - ông nói.
Về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, theo ĐBQH, các khoản hỗ trợ chỉ được bố trí trong vòng 2 năm. Đến cuối năm 2022, kết quả chưa được 30%. Đầu năm nay đã triển khai nhanh hơn nhưng vẫn còn khá chậm.
Ông cho rằng, theo quy định trong luật, những công trình cấp bách có thủ tục rút gọn hơn khi triển khai nhưng chúng ta lại không đặt vào tình huống này mà thực hiện theo kế hoạch đầu tư công thông thường, đưa vào kế hoạch trung hạn… Đồng thời cho rằng, cách triển khai này sẽ không còn ý nghĩa. Các công trình phục hồi kinh tế, cấp bách phải xử sự theo tình huống cấp bách, không thể như thông thường.
Minh Quang