Đi kiếm… con chồng

13/03/2020 - 16:43

PNO - Chị nhớ như in ngày bà mẹ dắt cô gái bụng bầu đến nhà chị bắt đền. Trong lúc chị ngồi chết lặng thì chồng chị hùng hổ quát tháo, đổ tội cô gái dễ dãi, biết anh có vợ sao vẫn nhào vô.

Chị lượn qua lượn lại trước quán nước ấy mấy lần, mới quyết tâm đi vào. Quán lèo tèo vài cái bàn thấp, mấy cái ghế nhựa bạc màu. Chị gọi ly nước dừa.

Quán trưa vắng khách. Hai đứa trẻ ngồi trong góc nhà đang chơi trò bán đồ hàng. Chị chăm chú quan sát chúng. Mục đích chính khiến chị vượt hơn 100 cây số tới đây là vì một trong hai đứa trẻ kia.

Thằng bé lên bốn, da dẻ mốc thếch. Bộ đồ thun nó mặc chảy nhão, lưng quần sút một đoạn lòi cả dây thun. Đôi mắt nó khiến chị giật mình, giống chồng chị như tạc. Nó luôn nhìn xuống, buồn thiu.

Đứa lớn chừng lên bảy, đóng vai chủ quán, nó bảo đứa nhỏ: “Mày lại rót nước trà vô đây làm bia”. Đứa nhỏ nhìn cô chủ quán, giọng sợ sệt: “Mẹ Út la làm sao?”. Thằng lớn dứt khoát: “Mày không rót, tao không cho chơi nữa”.

Thằng bé đợi lúc cô chủ quán bê trái dừa cho chị, liền chạy nhanh đến rót trà vào chiếc ly nhỏ. Chị hồi hộp thay cho nó.

Mẹ Út nó quay lại, bàn tay lập tức giơ lên, phát lia lịa lên lưng nó, miệng rít lên: “Phá nè, phá nè. Tao nói bao nhiêu lần rồi, trà để bán trà đá. Mày không có lỗ tai hả Tin?”. Thằng bé kinh hãi, mắt rưng rưng nhưng không khóc.

Mẹ Út nó dường như chưa hả giận, nhìn quanh tìm cây roi. Chị can: “Thôi em, nó lỡ mà”. Cô ấy được dịp, xả một hơi: “Nó lỳ thấu trời chị ơi, không đánh không được”. Cô nhún vai, tỏ vẻ bất lực vì đứa nhỏ: “Nó là cục nợ của em đó chị”.

Đứa lớn nhìn bàn thờ ông địa, gọi với vào trong: “Tàn nhang rồi, con ăn bánh nha mẹ?”. Mẹ nó gật đầu. Cu Tin không đợi sai, chạy lại bưng đĩa bánh. Đó là đĩa bánh chuối, chừng năm cái. Thằng lớn cầm hai cái, nhai ngấu nghiến. Tin nâng niu miếng bánh, nhai rất chậm.

Mấy cái còn lại, đứa lớn ăn hết nhẵn. Tin nhìn anh nó ăn, ánh mắt thèm thuồng nhưng không mở miệng xin. Nhìn ánh mắt cam chịu của Tin, chị nghẹn ứ trong cổ. Uất ức, oán hờn, lời lẽ cay nghiệt chất chứa bấy lâu bỗng rơi tuột đâu mất. Chị chỉ muốn ôm lấy Tin, vỗ về, mua thật nhiều bánh cho nó ăn…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị nhớ như in ngày bà mẹ dắt cô gái bụng bầu đến nhà chị bắt đền. Trong lúc chị ngồi chết lặng thì chồng chị hùng hổ quát tháo, đổ tội cô gái dễ dãi, biết anh có vợ sao vẫn nhào vô. Anh lạnh lùng chốt một câu: “Tôi quen nhiều cô lắm, cô nào cũng đến bắt tôi chịu trách nhiệm, tôi gánh sao nổi?”.

Sau cùng, hai mẹ con ra về với số tiền kha khá gọi là “dưỡng thai”. Anh trơ tráo quay sang chị: “Hạng người đó, em không cần phải ghen”. Chị gào lên: “Đợi anh quen tiến sĩ hay siêu mẫu tôi mới có quyền ghen à?”.

Má chồng từng an ủi chị: “Nó ăn bánh ba đồng, còn bảy đồng đem về cho vợ con cũng không đến nỗi tệ”. Chị nhẫn nhịn cũng vì hai đứa con rất quấn quýt cha. 

Đứa bé ra đời, bà mẹ tìm đến má chồng chị. Bà tin chắc nắm phần thắng vì đó là bé trai, trong khi hai con chị là gái. Làm mẹ thằng con trăng hoa, má chồng chị thừa hiểu mấy kiểu ăn vạ này nên đối phó thế nào.

Bà thản nhiên: “Tôi chỉ có một con dâu, hai cháu nội. Gửi chị ít tiền mua sữa cho thằng nhỏ thì được, nhận cháu gì đó thì miễn đi”. Sau đó ít lâu, mẹ thằng bé lấy chồng, để con lại cho vợ chồng em trai nuôi giúp. Chồng chị nghe tin đó chẳng nói gì, vẫn thản nhiên xách xe đi nhậu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đêm nào chị cũng tưởng tượng ra khuôn mặt đứa nhỏ. Hình dung nó lớn lên ra sao, ở với cậu mợ sẽ thế nào. Sắm xe cho con gái đi học, chị tự hỏi không biết thằng bé có được chăm chút? Nhìn mâm cơm ê hề thịt cá, chị bâng khuâng không biết thằng nhỏ có được ăn ngon…?

Chồng chị chiều chiều xách vợt đi đánh tennis, lịch nhậu cuối tuần đều chi, chị biết câu chuyện kia anh vứt bỏ lâu rồi, chỉ có mình chị đeo mang. Vậy nên mới có chuyến đi này…

“Nó tội lắm má, ốm tong, quần áo te tua. Con tính đem nó về nuôi” - giọng chị nghèn nghẹn. Má chồng ngừng giây lâu mới nói: “Con nghĩ kỹ chưa? Nuôi một đứa trẻ, không chỉ cho nó cơm ăn, còn phải chịu trách nhiệm cả cuộc đời nên - hư của nó. Tùy con thôi”.

Chị hiểu nỗi lo của má, nhưng thằng bé lớn lên trong cảnh thiếu ăn thiếu mặc, thiếu vòng tay mẹ cha, chị không đành lòng. Chị - đúng ra là chồng chị - nợ nó một cuộc đời tử tế. 

Thùy Gương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI