Đi khám khàn tiếng, bỗng nhận kết quả ung thư

21/02/2017 - 21:24

PNO - Cách đây 3 tháng, ông N.V.B. (57 tuổi) bị khàn tiếng. Ông ngậm gừng, uống thuốc nhưng không hết. Cuối cùng các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM chẩn đoán, ông bị ung thư.

Ông B. kể 3 tháng trước, bỗng nhiên giọng bị khàn, nhưng cứ nghĩ là nóng trong người hoặc do thời tiết thay đổi nên mắc bệnh. Tuy nhiên, tình trạng khàn tiếng không dứt nên mới quyết định đi khám.

Tại BV Tai Mũi Họng, qua kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân mắc ung thư thanh quản cần phải phẫu thuật. Các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng đã phẫu thuật ung thư thanh quản cho bệnh nhân qua đường họng miệng bằng tia laser. Sau gần 1h phẫu thuật, khối u trong thanh quản được lấy trọn ra ngoài.

Bác sĩ Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng, cho biết, nhờ kỹ thuật phẫu thuật laser, bệnh nhân không phải mổ hở. Nếu kỹ thuật cũ phải mở một đường ở cổ dài khoảng 10cm để phẫu thuật nên nguy cơ bệnh nhân mất máu trong mổ và chảy máu sau mổ rất cao. Thời gian nằm viện kéo dài, chi phí cao. Hiện nay, nhờ phẫu thuật laser nên thời gian và chi phí điều trị giảm gần 50% so với kỹ thuật mổ hở.

Di kham khan tieng, bong nhan ket qua ung thu
Tầm soát ung thư thanh quản tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM

Theo bác sĩ Thủy, người bệnh ung thư thanh quản thường chủ quan, nghĩ nguyên nhân khàn tiếng do nói niều, hay hát karaoke, thời tiết thay đổi, ăn hạt dưa... nên bệnh rơi vào giai đoạn trễ khi phát hiện. Hầu hết các trường hợp là nam, trên 40 tuổi.

Nguyên nhân ung thư thanh quản ở nữ giới chủ yếu là do viêm họng kéo dài, nói to và nhiều. Còn nam giới là do các thói quen xấu như rượu chè và thuốc lá, một số khác thường làm việc trong mỗi trường hóa chất hoặc khói bụi cũng dễ mắc bệnh.

Bác sĩ Thủy cũng cho biết, khàn tiếng là hiện tượng phổ biến, gây ra bởi các bệnh về vùng họng và cổ, trong số đó điển hình nhất là các chứng viêm thanh quản. Thông thường các cơn khàn tiếng thông thường chỉ kéo dài trong vòng từ 7-10 ngày có thể khỏi, nhưng nếu người bệnh không chữa trị kịp thời có thể khiến bệnh trở nên mạn tính, khàn tiếng kéo dài lâu dần phát sinh các biến chứng như mất giọng và ung thư thanh quản.

Do đó, nếu gặp tình trạng khàn tiếng kéo dài thì nên đi khám. Nếu khàn tiếng kéo dài kết hợp với nuốt khó, mất tiếng, chảy máu cam thì có thể sẽ phải đi khám ung thư rồi. Đặc biệt là với chứng ung thư thanh quản thì thường có những biểu hiện khàn tiếng rất rõ ràng. Người bệnh sẽ thấy hiện tượng khàn xuất hiện lâu ngày không khỏi, cấp độ ngày một nặng lên mà không thuyên giảm, cho dù sử dụng thuốc hỗ trợ cũng không thuyên giảm.

Bình Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI