Đi khám đau nhức phát hiện khối u chèn ép

09/04/2022 - 06:45

PNO - Có những người bị chứng đau nhức hành hạ cả năm trời, khi đến bệnh viện khám đau mạn tính mới biết mình có khối u gây chèn ép các cơ quan dẫn đến đau nhức.

Đau do có khối u chèn ép 

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Viết Thắng, Phòng khám Đau mạn tính Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết vừa qua ông đã tiếp nhận hai bệnh nhân bị đau nhức kéo dài. Trước đó, hai bệnh nhân đi khám phòng mạch tư và uống rất nhiều thứ thuốc. Khi tìm đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM để điều trị bệnh đau mạn tính của mình thì vô tình phát hiện ra bệnh lý vô cùng nguy hiểm.

Bác sĩ đang khám cho một trường hợp đau mạn tính tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - ẢNH: THANH HUYỀN
Bác sĩ đang khám cho một trường hợp đau mạn tính tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Ảnh: Thanh Huyền

Bệnh nhân thứ nhất là bà P.T.N. (45 tuổi, ngụ tại tỉnh Vĩnh Long). Từ đầu năm 2021, bà N. bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau ở khớp gối. Tình trạng đau cứ tăng dần, sức cơ ở chân suy yếu tới mức bà N. không thể tự tắm rửa, cũng không đi lại được. Bà đã đi khám ở một số phòng khám đa khoa, đều được chẩn đoán bị viêm khớp gối hoặc thoái hóa khớp gối rồi cho thuốc uống.

Tuy đã uống rất nhiều thuốc điều trị khớp gối nhưng cơn đau nhức vẫn không thuyên giảm. Cuối tháng 3/2022, bà được con cái đưa lên TPHCM khám bệnh. Lúc vào gặp bác sĩ, bà phải ngồi xe lăn.

Sau khi đánh giá tình trạng của bà, bác sĩ Thắng nghĩ tới các vấn đề liên quan đến thần kinh, nên chỉ định chụp MRI và phát hiện bà N. có khối u tủy ở cột sống ngực. Khối u đã chèn vào dây thần kinh cột sống. Bệnh nhân sau đó đã được phẫu thuật khối u tủy. Ngay sau ca mổ, chân của bà N. đã hồi phục được 80%, không còn đau đớn, tự đi lại được.

Đầu tháng 4/2022, một trường hợp khác là ông T.Đ.T. (50 tuổi, ngụ tại Q. Bình Tân, TPHCM) đến bệnh viện khám vì nghĩ mình bị thoát vị đĩa đệm cổ. Cả năm qua, ông T. đã tự đi châm cứu, điều trị theo lối dân gian nhưng vẫn bị đau nhức vùng vai gáy. Bệnh nhân còn tê buốt dọc cánh tay bên phải tới mức sinh hoạt đảo lộn, mất ăn mất ngủ. Chân phải của ông T. cũng bị rối loạn cảm giác, yếu cơ, phản xạ kém. Khi ông tới bệnh viện khám đau mạn tính, bác sĩ Thắng chỉ định chụp MRI thì phát hiện một khối u não đường kính 3,5cm chèn ép làm phù các mô xung quanh.

Hiện, bệnh nhân đang được đánh giá để xác định khối u là ác hay lành tính để lên phương án phẫu thuật, điều trị phù hợp. “Nếu ông T. vẫn tiếp tục đi châm cứu đau vai gáy mà không chịu tới bệnh viện, đợi đến khi khối u lớn thêm nữa thì có thể nguy hiểm tính mạng”, bác sĩ Thắng nói.

Đau lưng mạn tính không rõ nguyên nhân

Bên cạnh những trường hợp được phát hiện khối u ác tính, tại Phòng khám Đau mạn tính Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM còn có những bệnh nhân bị đau dai dẳng không rõ nguyên nhân hoặc luôn thấy bị đau do bệnh tâm thể. Những người này khi đến khám đã được dùng những liệu pháp tâm lý, kết hợp với những bài tập vật lý trị liệu thiết kế chuyên biệt.

Một trong những bệnh nhân lâu năm nhất của phòng khám này là ông N.V.Đ. (65 tuổi, ngụ tại TPHCM). Ông Đ. tới lui phòng khám này đến nay đã được tám năm. “Bệnh nhân cứ bị đau lưng, điều trị khắp nơi không khỏi, đau đớn hành hạ làm ông sụt cân, mất ngủ, chán ăn”, bác sĩ Thắng kể. Tất cả kết quả chụp chiếu của ông Đ. đều không phát hiện gì bất thường, đành gọi là đau lưng mạn tính mà không tìm ra nguyên nhân. Ông Đ. được điều trị đau đa ngành - kết hợp chuyên khoa thần kinh, vật lý trị liệu và tâm lý. 

Với những trường hợp như ông Đ. phải hạn chế sử dụng thuốc giảm đau. Bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập chức năng xây dựng trên hoạt động sinh hoạt hằng ngày, như lúc cúi xuống nhặt đồ, đi chợ, ngồi xem phim, nằm ngủ. Bài tập chức năng tổng cộng có mười động tác. Kể từ lần đầu tiên tới khám bệnh nhân phải ngồi xe lăn, tới nay nhờ kiên trì với các bài tập trị liệu mà cơn đau đã được kiểm soát khoảng 70%, ông cũng đã tự đi lại và sinh hoạt được như người bình thường.

Hiện, người dân vẫn còn mang tâm lý ngại vào bệnh viện do sợ dịch COVID-19 nhưng Phòng khám Đau mạn tính Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vẫn tiếp nhận ít nhất 100 ca/ngày.

Nhiều kỹ thuật điều trị đau cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

Theo bác sĩ Lê Viết Thắng, nếu nói về sự đau đớn phải chịu đựng thì khó ai sánh bằng những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Tại Phòng khám Đau mạn tính Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM có những phương pháp và kỹ thuật chuyên sâu giúp người bệnh giảm đau hiệu quả.

Đó là: sử dụng sóng cao tần điều trị đau (tác động vào dây thần kinh làm “đóng băng” dây thần kinh cảm giác đau để không truyền cảm giác đau đớn lên não bộ). Tác dụng phong bế dây thần kinh duy trì giảm đau của phương pháp này kéo dài từ 3 - 6 - 12 tháng tùy trường hợp. Chi phí điều trị ước chừng 20 - 30 triệu đồng/lần thực hiện.

Kích thích điện cực tủy: Đặt một điện cực vào tủy sống để nó phát sóng liên tục làm giảm cảm giác đau truyền lên não. Kỹ thuật này được chỉ định cho các trường hợp siêu kháng với tất cả loại thuốc giảm đau, chi phí lên tới 600 triệu đồng. 

Với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thì có hai kỹ thuật giảm đau là đặt máy bơm morphin tự động và bán tự động. Hiện tại, bệnh viện đang thực hiện kỹ thuật máy bơm morphin bán tự động. Máy sẽ được để ở vùng gần hông, mỗi ngày sẽ tiết ra một lượng morphin vào dịch não tủy để bệnh nhân không có cảm giác đau đớn.

Ưu điểm của kỹ thuật này là ít tác dụng phụ, nồng độ chỉ bằng 1/10 morphin đường uống và chích nhưng hiệu quả giảm đau thì gấp mười lần. Chi phí đặt máy bơm morphin bán tự động dưới 100 triệu đồng.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI