Đi khám bệnh do thiếu máu bất ngờ phát hiện ung thư

20/09/2023 - 09:43

PNO - Nhiều người cho rằng thiếu máu chỉ cần bổ sung sắt là sẽ hồi phục mà không biết rằng đây còn có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh nguy hiểm.

Thiếu máu, dấu hiệu nhiều bệnh nguy hiểm

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Tùng - Trưởng khoa Huyết học, phụ trách Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, rất nhiều trường hợp vẫn còn lơ là khi biết mình bị thiếu máu. Không phải ai thiếu máu cũng chỉ cần bổ sung dinh dưỡng, sắt là đủ. Có bệnh nhân mãi tới khi thiếu máu nặng, ảnh hưởng sinh hoạt mới chịu đi khám. Lúc này, tình trạng bệnh đã nặng.

Bác sĩ  Khoa Huyết học  Bệnh viện Chợ Rẫy đang khám cho bệnh nhân  thiếu máu nặng  vì ung thư máu
Bác sĩ Khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy đang khám cho bệnh nhân thiếu máu nặng vì ung thư máu

Điển hình là trường hợp nam bệnh nhân Đ.V.H. (43 tuổi, ngụ tại quận 5, TPHCM). Anh H. không hề có triệu chứng nào ngoài biểu hiện xanh xao. Trong lần khám sức khỏe tổng quát định kỳ cách đây 2 tháng, kết quả xét nghiệm công thức máu của anh H. cho thấy anh bị thiếu máu nhẹ. Anh H. nghĩ rằng điều này bình thường nhưng cách đây vài ngày, anh hay bị chóng mặt. Tới Bệnh viện Chợ Rẫy khám, bác sĩ cho thử phân thì thấy có máu ẩn. Bệnh nhân được làm nội soi, phát hiện ổ loét ở dạ dày, sinh thiết thì xác định tế bào ác tính. 

Theo bác sĩ Trần Thanh Tùng, ung thư dạ dày có 2 dạng. Một dạng là có khối u thì bệnh nhân sẽ đau đớn, khó chịu. Dạng thứ hai biểu hiện dưới một vết loét. Khi ung thư đang ở giai đoạn đầu gần như không có triệu chứng nào điển hình. Bệnh nhân có thể bị thiếu máu nhẹ nhưng họ dễ bỏ qua dấu hiệu này. 

Còn bệnh nhân P.M.Đ. (50 tuổi, ngụ tại huyện Nhà Bè, TPHCM) đi khám vì mệt, chóng mặt. Bệnh nhân nghĩ mình chóng mặt là do thiếu máu nên đã uống bổ sung sắt nhưng tình trạng chóng mặt ngày một nặng lên. Ngoài ra, ông Đ. còn bị sốt nhẹ, đánh răng hay bị chảy máu chân răng, thỉnh thoảng còn chảy máu cam. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Đ. đã được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (ung thư máu).

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân bị thiếu bạch cầu, thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp) và thiếu tiểu cầu, dễ bị chảy máu và thâm tím tự phát. Nếu vẫn ở nhà uống bổ sung sắt thì người bệnh có thể nguy hiểm tính mạng. 100% bệnh nhân ung thư máu đều có triệu chứng thiếu máu.

Bổ sung sắt bừa bãi gây suy tim, xơ gan

Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu. Trước tiên là các nguyên nhân lành tính như thiếu nguyên liệu tạo máu vì dinh dưỡng không đầy đủ, như thiếu sắt, vitamin B12… Những người ăn chay trường, phẫu thuật cắt một phần dạ dày rất hay thiếu máu do thực đơn không cung cấp đủ nguyên liệu tạo máu. 

Nguyên nhân thứ hai gây thiếu máu là tủy của bệnh nhân không tổng hợp được các nguyên liệu để tạo máu. Đó là những bệnh ác tính, ung thư máu khiến bạch cầu lấn át hết hồng cầu. Bệnh nhân bị suy tủy xương, không tạo ra máu đủ, khiến máu vùng ngoại biên không có. Ngoài ra, cơ thể có thể bị mất máu nhưng diễn tiến âm ỉ, bệnh nhân không nhận ra ngay, như nhiễm ký sinh trùng, bệnh liên quan ống tiêu hóa, nhất là nhóm ung thư đường tiêu hóa. Một bệnh khác gây mất máu là tán huyết. Thay vì hồng cầu sinh ra sẽ sống được 120 ngày thì ở trường hợp này, hồng cầu chỉ sống được mấy chục ngày rồi vỡ ra. Một số loại thuốc, mắc bệnh sốt rét, bệnh tự miễn cũng gây thiếu máu.

Do đó, bác sĩ Trần Thanh Tùng khuyến cáo khi thấy biểu hiện chóng mặt, xây xẩm, da dẻ nhợt nhạt thì cần đi khám để xác định có thiếu máu không và liên quan đến bệnh gì. Thực tế, rất nhiều người khi khám sức khỏe tổng quát phát hiện thiếu máu nhưng lại để đó, không tiếp tục khám kỹ và điều trị bệnh.

Một xét nghiệm thường quy khi khám sức khỏe tổng quát là công thức máu. Xét nghiệm này để xác định chỉ số hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Khi thấy số lượng hồng cầu, dung tích hồng cầu, hemoglobin đều giảm là thiếu máu. Khi chỉ số hemoglobin nhỏ hơn 8 thì bệnh nhân phải nhập viện để theo dõi tìm nguyên nhân. 

Với mỗi nguyên nhân gây thiếu máu, bệnh nhân sẽ có chỉ định điều trị phù hợp khác nhau. “Mọi người không nên tự ý bổ sung sắt. Dư sắt có thể gây ra tình trạng ứ sắt khiến da sạm và còn dẫn tới nguy cơ suy tim, xơ gan” - bác sĩ Trần Thanh Tùng cảnh báo. 

Thiếu máu không chỉ do mắc các bệnh ác tính mà còn có thể do nhiễm giun móc. Mới đây, bác sĩ Trần Thanh Tùng đã tiếp nhận bệnh nhân P.T.A. (25 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM). Chị A. xưa nay có làn da trắng, ai cũng khen đẹp. Nhưng gần đây, sắc mặt chị nhợt nhạt, lại hay chóng mặt, xây xẩm, đỉnh điểm là bị ngất xỉu. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị A. bị thiếu máu, hồng cầu nhỏ, sắt giảm, ferritin giảm. Mẫu thử phân của bệnh nhân phát hiện có giun móc. Nhiễm giun móc nếu không phát hiện để điều trị kịp thời thì bệnh nhân dễ bị viêm hành tá tràng. Giun sẽ tiết ra chất chống đông máu, chất ức chế cơ quan tạo máu sản sinh ra hồng cầu, khiến bệnh nhân thiếu máu ngày càng nặng. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI