Đi kéo tàu dừa

01/04/2025 - 20:00

PNO - Mấy chục năm trôi qua, bây giờ, củi dừa gần như chỉ còn là ký ức, trên phim ảnh...

Ngày tôi còn nhỏ, trong nhà làm gì có bếp gas, bếp điện như bây giờ. Mỗi khi gần hết củi, mẹ lại nhắc chừng: mấy đứa nhỏ chiều học bài xong thì đi kéo tàu dừa khô vô sân, để dành khi nào rảnh chặt ra làm củi.

Ngày đó, mỗi khi nằm trong nhà ngủ trưa mà nghe ào một cái, tôi biết có tàu dừa mới rụng. Vậy là ngồi bật dậy, chạy ra vườn lôi về. Trong xóm có mấy đứa cũng chuyên đi canh tàu dừa rụng để gom về bán lấy ít đồng lẻ mua kẹo, nên hễ mình chậm chân là tụi nó kéo mất như chơi. Hồi đó, hàng rào mỗi nhà cũng chỉ làm sơ sài để phân ranh giới nên mấy đứa nhỏ có thể chui qua chui lại dễ dàng.

Kệ củi dừa tuổi thơ - Ảnh do tác giả cung cấp
Kệ củi dừa tuổi thơ - Ảnh do tác giả cung cấp

Tàu dừa khô coi vậy mà rất dai. Tàu nào càng khô càng khó chặt. Cho nên, tôi thích nhất là chặt mấy tàu dừa còn tươi hoặc khô phân nửa - nghĩa là chỉ mới ngả từ màu vàng sang nâu. Tuy nhiên, củi dừa còn tươi thì đâu chụm lửa liền được bởi nó um khói mù mịt, có khi làm tắt ngóm bếp lửa. Lỡ chặt củi tươi thì phải chịu khó đem phơi, chứ không là củi lên mốc xanh, mốc xám chỉ có nước đem bỏ.

Lá dừa khô rọc xuống, mẹ tôi cẩn thận ra vườn cắt chuối khô, tước lấy phần sống lá làm dây, bó lại thành bó rồi chất lên giàn bếp. Mỗi lần nhóm lửa, người nấu cơm chỉ cần rút tầm 4-5 cọng lá dừa khô, bẻ gập làm đôi là có ngay bó đuốc dã chiến. Đưa “bó đuốc” lá dừa vào bếp lò, khéo léo gác lên trên vài thanh củi dừa là có bếp lửa ngon lành.

Nhà tôi cặp mé sông, lâu lâu có ghe chở củi đước chạy ngang. Trong xóm, nhà nào khá giả hay mua củi đước về chụm. Củi đước, than đước thì xịn nhưng mắc tiền. Những gia đình nghèo hay mót củi tạp, chặt củi dừa tích trữ. Củi dừa phơi không kỹ hoặc nhà chứa củi lỡ bị mưa dột, nước ngập là coi như hết xài. Không như bếp điện chỉ cần cắm điện, bếp gas mà hết gas chỉ cần gọi đại lý giao gas, hồi đó, dù xài củi đước hay củi tạp, củi dừa, nhà nào cũng phải có mấy kệ củi để dành. Chẳng may gặp sự cố cần xài gấp (có đám tiệc bất ngờ hoặc bị mưa dột…), hàng xóm sẵn lòng chỉ tay vô kệ củi nhà mình cho mượn.

Có lần, cậu Ba trên thành phố về cho cái bếp điện cũ, cả nhà hào hứng nói từ nay có bếp điện thì củi dừa ra rìa. Nào ngờ, cái bếp điện nhỏ xíu, nấu nồi nhỏ thì được, nồi to thì lâu lắc lâu lơ, chưa kể thời đó quê tôi mới có điện, chuyện cúp điện xảy ra thường xuyên. Vậy nên cuối cùng, củi dừa vẫn được ưa chuộng.

Mấy chục năm trôi qua, bây giờ, củi dừa gần như chỉ còn là ký ức. Trên chục công đất vườn của ngoại, dừa lão vẫn còn nhiều nhưng mấy đứa cháu đâu còn thời gian rọc từng bó lá dừa, chẻ từng thanh củi dừa đem phơi khô, chất lên kệ. Gặp lại mấy kệ củi dừa trong phim Việt Nam hay trên sách báo, tôi lại thoáng bồi hồi, nghe văng vẳng bên tai tiếng í ới của mấy chị em rủ nhau đi kéo tàu dừa ngày nhỏ.

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI